Các em thiếu nhi luôn dành tình cảm đặc biệt cho thế giới cổ tích rộng lớn, kì ảo – nơi có các hoàng tử quả cảm và những công chúa đẹp xinh, có các bà tiên nhân hậu nhưng cũng có những mụ phù thủy độc ác, những con quỷ đáng sợ... Ở đó, như các em luôn mong, luôn tin, luôn hi vọng, cái Thiện sẽ chiến thắng cái Ác, những người hiền lành, ngay thẳng sẽ được hưởng hạnh phúc, còn kẻ ác phải chịu trừng phạt.
Tuyển tập truyện cổ Grimm dịch từ nguyên bản tiếng Đức của dịch giả Trần Đương
Ở nước ta, truyện cổ Grimm được biết đến từ lâu - khoảng cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, nhưng chủ yếu qua tiếng Pháp, cùng lúc với các tác phẩm của Goethe (Faust, Nỗi đau của chàng Werther), Schiller (Tên cướp), Heine (Nước Đức, một truyện cổ tích mùa đông), Hoffmann (Gia đình họ Hạ).v.v… Ngoài tiếng Pháp, truyện cổ Grimm cũng được biết đến qua tiếng Trung Hoa.
Trong công cuộc giao lưu văn hóa Việt - Đức, truyện cổ Grimm ngày càng được giới thiệu mạnh mẽ và đầy đủ. Đã có không ít người tham gia vào công việc này. Đầu thập kỷ 80 của thế kỷ trước, nhà văn hóa Hữu Ngọc đã dịch và cho ra mắt tập Truyện cổ Grimm trên cơ sở các văn bản do một số cán bộ ngoại giao của Đức công tác tại Hà Nội cung cấp và các sách tiếng Pháp của Henri Mansvic (1944) và J.Peyraube (1946). Các bản dịch của Hữu Ngọc được tái bản nhiều lần tại các nhà xuất bản khác nhau (như: Văn hóa, Văn học, Kim Đồng và các nhà xuất bản địa phương), được công chúng rộng rãi đón đọc rất nhiệt tình, mặc dù dịch giả khiêm tốn nói rằng: “Bản dịch chắc còn nhiều sai sót, chưa đạt, mong các bạn đọc lượng thứ và cho biết”.
Lương Văn Hồng, cử nhân ngôn ngữ Đức, thạc sĩ văn học Đức, đã tiến hành dịch Truyện Grimm cổ từ năm 1978 và công bố toàn bộ trên 200 truyện cổ Grimm, lúc đầu chia thành 5 tập (tập 1 – in năm 1981; tập 2 -1983; tập 3 – 1987; tái bản nhiều lần và in gộp cả tập 4, tập 5 trong các năm sau. Cho đến năm 1994, sau 15 năm lao động âm thầm trên đất Đức và trên đất Việt Nam, ông đã giới thiệu toàn tập Truyện cổ Grimm.
Như vậy, việc dịch Truyện cổ Grimm coi như đã ổn định, nhất là với các bản dịch của Lương Văn Hồng - người có lợi thế lớn là đã được đào tạo và nâng cao trình độ ngôn ngữ và văn học Đức từ khi còn rất trẻ (là sinh viên Trường Đại học Tổng hợp Leipzig 1969 - 1974), sau đó tiếp tục bồi dưỡng ở Berlin, Weimar, Goettingen, Muenchen… Tại các trường đại học, các trung tâm nghiên cứu, các thư viện lớn, Lương Văn Hồng có điều kiện tìm hiểu các thổ ngữ, cổ văn…, làm cho bản dịch sát nghĩa hơn với nguyên bản.
Năm nay, Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam giới thiệu tới độc giả, đặc biệt là các bạn nhỏ, Tuyển tập truyện cổ Grimm được dịch từ nguyên bản tiếng Đức, với phiên bản bìa hoàn toàn mới do dịch giả Trần Đương thực hiện, thích hợp làm quà tặng. Bên cạnh những câu chuyện hấp dẫn mang đậm màu sắc dân gian Đức, tuyển tập này còn kèm theo minh họa màu sinh động, giúp các em hình dung rõ nét hơn về không gian cổ tích Grimm màu nhiệm, li kì, đầy ắp bất ngờ.