Tuyển sinh đầu cấp ở Hà Nội: Bậc mầm non vẫn tiếp tục “nóng”

10-05-2012 09:13 | Thời sự
google news

Ưu tiên nhận trẻ 5 tuổi vào học đồng nghĩa chỉ tiêu dành cho các lớp dưới sẽ hạn chế hơn. Bên cạnh đó, hệ thống trường mầm non công lập ở Hà Nội vẫn chưa thể đáp ứng được với nhu cầu thực tế nên dẫn đến tình trạng “đúng tuyến” nhưng không…còn chỗ.

Ưu tiên nhận trẻ 5 tuổi vào học đồng nghĩa chỉ tiêu dành cho các lớp dưới sẽ hạn chế hơn. Bên cạnh đó, hệ thống trường mầm non công lập ở Hà Nội vẫn chưa thể đáp ứng được với nhu cầu thực tế nên dẫn đến tình trạng “đúng tuyến” nhưng không…còn chỗ.

Việc tuyển sinh đầu cấp đối với lớp 1 và 6 là cứ đến độ tuổi và đúng tuyến thìHS được quyền vào học một trường công trên địa bàn của mình. Trách nhiệm của UBND các quận huyện phải lên kế hoạch để đảm bảo chỗ học cho các đối tượng này.

Tuy nhiên đối với bậc mầm non (MN) thì hoàn toàn khác. Do công tác phổ cập mới chỉ dành cho trẻ 5 tuổi nên mọi ưu tiên đều được dành cho đối tượng này, kế tiếp sau lớp 4 tuổi (tiền đề cho lớp 5 tuổi - PV). Nhóm tuổi thấp hơn sẽ được cân nhắc dựa trên khả năng tiếp nhận thực tế của từng trường.
 
Với việc hệ thống trường MN công lập của Hà Nội vẫn chưa đáp ứng được sự mong mỏi của người dân cả về số lượng lẫn chất lượng nên hàng năm ở những phường đông dân cư thì công tác tuyển sinh vào bậc học này luôn “nóng bỏng”.
Năm học 2012-2013, Hà Nội dự kiến tuyển sinh 68.000 trẻ mầm non, 327.000 trẻ mẫu giáo. Phương thức xét tuyển theo tuyến từ ngày 2 đến hết 16/7/2012.
Áp lực tuyển sinh

Năm 2011, Trường MN Cát Linh (Q. Đống Đa, Hà Nội) chỉ mở hai lớp mẫu giáo 5 tuổi. Tuy nhiên năm nay do số trẻ 4 tuổi chuyển tiếp lên đông hơn nên trường sẽ phải mở ra 3 lớp. Ngoài ra, có thể trường sẽ phải tiếp nhận không ít trẻ thuộc diện phổ cập đúng tuyến học từ các nơi khác trở về. Ưu tiên trẻ 5 tuổi đồng nghĩa chỉ tiêu dành cho trẻ ở những độ tuổi dưới phổ cập sẽ hạn hẹp đi trong khi nhu cầu thực tế ở địa bàn lại rất lớn.

Cô Nguyễn Khánh Hương- Hiệu trưởng nhà trường tâm sự: “Cơ sở vật chất chỉ có vậy nên nhà trường không thể mở thêm lớp. Nhu cầu thì quá lớn nhưng khả năng tiếp nhận thì lại có hạn. Chính vì thế cứ đến mùa tuyển sinh lúc nào Ban giám hiệu cũng “căng như dây đàn”. Trong những ngày này điện thoại thì không dám nghe, còn về nhà thì phải lấy cớ để tránh sự nhờ vả của người thân quen…”.

Cũng theo cô Hương, ngay như những GV trong trường có con đến độ tuổi học MN đăng ký cũng phải xem xét rất thận trọng bởi nếu làm không khéo dễ tạo ra những hiệu ứng không hay.

Trường MN Thành Công A (P. Thành Công, Q.Ba Đình) từng là tâm điểm của năm 2011 khi mà hàng trăm phụ huynh (PH) phải thức trắng đêm để xếp hàng lập danh sách xin học cho con.

Năm nay, với việc Trường MN Họa Mi (phường Thành Công có hai trường mầm non - PV) đã hoàn thành việc nâng cấp, sửa chữa nên chắc chắn “sức ép” sẽ phần nào giảm bớt với Trường MN Thành Công A. Tuy nhiên khi đề cập đến công tác tuyển sinh, Ban giám hiệu nhà trường vẫn thấp thỏm trong âu lo.

Cô Chử Kim Oanh - Hiệu trưởng Trường MN Thành Công A cho hay, thời điểm này nhà trường đang tập trung vào công tác cuối năm học nên chưa bàn đến công tác tuyển sinh. Tuy nhiên chủ trường của nhà trường là sẽ thực hiện nghiêm túc theo chỉ đạo của cấp trên (Phòng GD-ĐT và UBND quận Ba Đình - PV). Hiện nhà trường cũng chưa nghĩ được giải pháp nào hiệu quả để giải quyết bài toán “cầu vượt quá nhiều lần so với cung”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, phường Thành Công là một trong hai khu đông dân cư nhất của quận Ba Đình nên nhu cầu đi học của trẻ MN ở khu vực năm nào rất lớn trong khi chỉ tiêu của hai trường MN là hạn chế. Chính vì thế chắc chắn “sức nóng” sẽ khó có phần giảm bớt.

Chia sẻ với PV, ông Nguyễn Đắc Hùng - Trưởng phòng GD-ĐT Q. Ba Đình tiết lộ: “Sớm nhất phải cuối tháng 5 thì Quận mới có phương án tuyển sinh cụ thể. Hiện tại các phường đang làm công tác báo cáo lên. Sau khi có thống kê đầy đủ thì UBND Quận sẽ họp với ban ngành liên quan để đưa ra giải pháp thích hợp. Chắc chắn sẽ không còn có chuyện phải xếp hàng qua đêm để cho xin cho con vào học MN nữa”.
 Sức nóng trong việc tuyển sinh bậc mầm non ở Hà Nội vẫn chưa thể giảm nhiệt.
Bốc thăm: Giải pháp tốt nhưng…

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Hiệp Thống - Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết: “Công tác tuyển sinh đầu cấp đối với bậc MN là nhiệm vụ của UBND các quận, huyện và thị xã. Các đơn vị này phải có trách nhiệm xây dựng kế hoạch tuyển sinh đảm bảo theo đúng tinh thần hướng dẫn của Sở”.

Cũng theo ông Thống, việc có tổ chức bốc thăm hay không hoàn toàn do UBND các quận, huyện và nhà trường cân nhắc. Tuy nhiên, trong thời điểm thiếu trường học thì phương án bốc thăm là cách đảm bảo công bằng và tránh tình trạng phụ huynh xếp hàng thâu đêm.

Trên thực tế, việc tổ chức bốc thăm đã được một số quận, huyện của Hà Nội thực hiện từ vài năm nay. Nhìn chung là có tín hiệu rất tốt nhưng mới chỉ dừng lại ở phạm vị “cầu vượt cung” ở mức độ vừa phải. Còn đối với phường mà mức độ chênh lệch nhau đến cả chục lần thì hoàn toàn không đơn giản.

“Chúng tôi từng tiến hành tổ chức bốc thăm và thấy hiệu quả. Phụ huynh hài lòng và không quá căng thẳng. Tuy nhiên với những trường mà nhu cầu lớn hơn rất nhiều so với chỉ tiêu thì tôi cũng chưa biết là sẽ xử lý như thế nào” - Hiệu trưởng Trường MN Cát Linh thẳng thắn nhìn nhận.

Ông Nguyễn Thế Đại - nguyên trưởng Phòng GD-ĐT Q. Ba Đình từng chia sẻ với PV: Trong khi chỉ tiêu thì có hạn mà nhu cầu lại rất cao, mà các nhu cầu này đều chính đáng bởi họ có đầy đủ giấy tờ hợp lệ nên nếu nhà trường đứng ra chắc chắn sẽ khó tránh khỏi bức xúc của phụ huynh. Chính vì thế việc để các bậc phụ huynh tự giải quyết với nhau cũng là một giải pháp tốt.

Đó mới chỉ là bề mặt nổi, còn thực tế nhiều trường chưa dám mạnh dạn tổ chức bốc thăm một phần là do vẫn còn tồn tại những suất ngoại giao, hay các suất tạo điều kiện cho con em giáo viên của trường để họ yên tâm công tác…

Trong khi đó, ở Hà Nội việc tuyển sinh phải đảm bảo “3 công khai” chính vì thế chỉ tiêu vào từng lớp ứng với mỗi độ tuổi đều được niêm yết rõ ràng. Khi tiến hành bốc thăm với sự giám sát của phụ huynh thì nhà trường không thể can thiệp để giải quyết các suất “ngoại giao”. Nếu điều này xảy ra thì rõ ràng các trường lại bị rơi vào thế bí!
 
Theo Dân trí
 

Ý kiến của bạn