Tuyển sinh đại học 2024: Vì sao khối ngành Sức khỏe có sức hút lớn?

17-03-2024 08:53 | Xã hội

SKĐS - Theo các chuyên gia, ngành Sức khoẻ là một ngành nghề đặc biệt, dù cho Cách mạng công nghiệp 10.0 xảy ra thì ngành Sức khỏe vẫn khẳng định được vị trí và vai trò riêng.

Mở thêm ngành, thêm phương thức xét tuyển

PGS.TS. Lê Đình Tùng - Trưởng phòng Quản lý đào tạo Trường Đại học Y Hà Nội cho biết, hiện cả nước có 67 trường đào tạo khối ngành Sức khỏe. Trường Đại học Y Hà Nội có các ngành đào tạo gồm: Y khoa, Răng Hàm Mặt, Y học cổ truyền, Y học dự phòng, Điều dưỡng, Dinh dưỡng, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Kỹ thuật phục hồi chức năng, Khúc xạ nhãn khoa, Y tế công cộng.

Năm 2024, Trường Đại học Y Hà Nội dự kiến mở 4 ngành mới, gồm: Kỹ thuật Phục hình răng, Hộ sinh, Tâm lý và Công tác xã hội. Dự kiến 50 - 70 chỉ tiêu/ngành. Phương thức xét tuyển dựa vào Kết quả thi tốt nghiệp THPT theo tổ hợp B00, B03, D01 (50%) và Kết quả kỳ thi Đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội (dự kiến 50%).

Việc này giúp cơ hội xét tuyển của học sinh theo đuổi ngành Y và cơ hội việc làm của sinh viên ra trường sẽ mở rộng hơn, đáp ứng tốt nhu cầu của xã hội.

Tuyển sinh đại học 2024: Vì sao khối ngành Sức khỏe có sức hút lớn?- Ảnh 1.

Một buổi học trên mô hình của sinh viên Trường đại học Y Hà Nội.

Theo TS. Võ Thanh Hải - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân (Đà Nẵng), hằng năm, tỷ lệ "chọi" khối ngành Sức khoẻ không cao như kinh tế, quản lý, công nghệ thông tin... nhưng đây là nhóm ngành tập trung nhiều thí sinh giỏi nhất. Các em muốn xét tuyển ngành Y khoa và Dược phải có mức điểm từ 25 trở lên. "3 năm trở lại đây, điểm trúng tuyển khối ngành Sức khỏe luôn ổn định. Theo đó, Y khoa và Dược từ 24 - 29, các ngành còn lại từ 19 - 24 điểm. Vì thế, các em phải thực sự có sức học tốt mới có thể tham gia xét tuyển.

Ở phương thức xét tuyển sớm (dùng điểm học bạ, điểm thi đánh giá năng lực), thí sinh ngành Y đa khoa, Dược phải có học lực giỏi năm lớp 12 hoặc điểm xét tốt nghiệp từ 8,0 trở lên, ngoại trừ các ngành như Điều dưỡng, Kỹ thuật xét nghiệm, Y học dự phòng chỉ cần học lực khá và điểm xét tốt nghiệp đạt từ 6,5 trở lên. Còn đối với thí sinh dùng điểm thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển thì phải đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào do Bộ GD&ĐT đưa ra".

Với trường hợp học sinh có học lực khá vẫn mong muốn theo học đại học khối Sức khỏe, TS. Võ Thị Ngọc Mỹ - Phó trưởng khoa Dược, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành (TP.HCM) cho hay, trường hợp này các em có thể xét tuyển vào các ngành như Điều dưỡng, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Quản lý bệnh viện, Kỹ thuật phục hồi chức năng, Y học dự phòng, Dinh dưỡng, Công nghệ thẩm mỹ, Công nghệ sinh học, Bác sĩ thú y...

Những năm trước đây, các trường Y Dược chủ yếu xét tuyển theo phương thức truyền thống (điểm thi tốt nghiệp tổ hợp B00 Toán, Hóa, Sinh) thì nay, đó không còn là phương thức xét tuyển duy nhất vào các trường này. Ví dụ như Trường Đại học Y Dược (Đại học Quốc gia Hà Nội) sử dụng thêm phương thức xét kết quả thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức. Trường Đại học Y Dược Thái Bình sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, hay một số trường sử dụng kết quả thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội để xét tuyển.

Vấn đề ưu tiên xét tuyển thí sinh có năng lực ngoại ngữ cũng được các trường khối ngành Sức khỏe, Y dược quan tâm. Mỗi trường có một quy định riêng về xét tuyển chứng chỉ ngoại ngữ.

Cơ hội việc làm ngày càng rộng mở

Khẳng định vai trò quan trọng của khối ngành Sức khoẻ trong đời sống, TS. Nguyễn Phương Tùng - Phó trưởng khoa phụ trách Khoa Điều dưỡng và Xét nghiệm Trường ĐH Công nghệ TP.HCM cho biết: "Những năm vừa qua, tình hình tuyển sinh khối ngành Sức khoẻ nói chung và của trường nói riêng có sự khởi sắc khá rõ rệt. So với những năm trước, năm 2023, số lượng cả hồ sơ đăng ký lẫn trúng tuyển nhập học chính thức vào khối ngành Sức khoẻ tại trường tăng từ 15-30% tuỳ vào mỗi nhóm ngành khác nhau. "Ngành Sức khoẻ có vai trò rất đặc biệt trong cuộc sống. Chúng ta lựa chọn khối ngành Sức khoẻ đồng nghĩa với việc chúng ta lựa chọn ngành nghề mà không thể bị thay thế.

Dù cho Cách mạng công nghiệp 10.0 xảy ra vào thập niên nào đó trong tương lai thì con người chúng ta vẫn khát khao được sự chăm sóc, hỗ trợ sức khỏe khi ốm đau, bệnh trạng. Bởi con người có đặc điểm đặc biệt là tình cảm. Và trong hoạt động về chăm sóc sức khỏe, chúng ta sẽ có sự tương tác về mặt tình cảm. Chính vì vậy, đây là ngành nghề đặc biệt không thể bị thay thế, ngày càng cần hơn và nhiều hơn".

Theo TS. Nguyễn Phương Tùng, điều này mở ra cơ hội việc làm rất lớn đối với khối ngành Sức khỏe trong tương lai. "Với ngành Điều dưỡng, các em không chỉ làm việc trong nước mà còn có thể sang Đức, Úc, Nhật... làm việc với thu nhập cao. Cùng với đó, xã hội càng phát triển thì ngoài chăm sóc sức khỏe, nhu cầu chăm sóc sắc đẹp của con người càng lớn. Ngành Răng Hàm Mặt hay Bác sĩ thẩm mỹ không chỉ là ngành hot trong hiện tại mà còn tiếp tục phát triển mạnh mẽ ở tương lai, kéo theo nhu cầu nhân lực lớn trong thực tế".

TS. Võ Thị Ngọc Mỹ cho biết thêm, theo tình hình chung hiện nay, các trường đang đào tạo khối ngành Sức khoẻ nói chung và Trường ĐH Nguyễn Tất Thành nói riêng luôn không ngừng cải tiến chương trình đào tạo để theo chuẩn quốc tế, đào tạo được nhiều thế hệ, những cử nhân, dược sĩ, điều dưỡng, bác sĩ có trình độ chuyên môn cao, có năng lực phẩm chất đạo đức nghề nghiệp để có thể đáp ứng được tiêu chuẩn trong nước và quốc tế để có thể mở rộng phạm vi hành nghề. "Vì vậy, đây là khối ngành mà tôi nghĩ là rất thú vị và có nhiều cơ hội cho các bạn thí sinh chọn lựa".

Nóng: Lịch thi tốt nghiệp THPT năm 2024 vào ngày nào?Nóng: Lịch thi tốt nghiệp THPT năm 2024 vào ngày nào?

SKĐS - Trước mong ngóng của thí sinh về lịch thi tốt nghiệp THPT 2024, đại diện Bộ GD&ĐT vừa thông tin sẽ có hai phương án.

Đỗ Vi
Ý kiến của bạn