Tuyển sinh năm 2024 của các trường đại học
Trường Đại học Kinh tế quốc dân vừa công bố Đề án tuyển sinh đại học 2024. Theo PGS.TS Bùi Đức Triệu - Trưởng phòng Quản lý Đào tạo, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, năm 2024, nhà trường dành 2% xét tuyển thẳng, 18% xét điểm thi tốt nghiệp THPT 2024 và 80% xét tuyển kết hợp theo đề án riêng. So với năm 2023, chỉ tiêu dành cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT giảm 7%. Năm nay, nhà trường đã bỏ xét tuyển học bạ với học sinh trường chuyên. Năm 2023, trường dành 10-15% chỉ tiêu cho nhóm này.
Năm 2024, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội chỉ có duy nhất một đợt thi đánh giá năng lực sẽ diễn ra vào ngày 11/5. Về những ưu điểm kỳ thi đánh giá năng lực của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, TS. Trần Bá Trình - Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội chia sẻ: "Mỗi thí sinh được chọn tối đa 5 môn thi, nhiều hơn so với kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 là 1 môn. Như vậy, kỳ thi này sẽ rộng mở hơn với thí sinh. Về thời gian, kỳ thi tổ chức vào tháng 5. Lúc này học sinh vừa học xong nên không bị thiếu sót nội dung. Các em làm bài xong sẽ có kinh nghiệm cho kỳ thi tốt nghiệp THPT tốt hơn. Thi sớm cũng giúp các em biết điểm sớm đỡ áp lực hơn.
Đối với Đại học Bách khoa Hà Nội, theo PGS.TS Nguyễn Phong Điền - Phó Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết: Hiện tại nhà trường đang hoàn thiện Đề án tuyển sinh năm 2024, dự kiến sẽ công bố trong quý I năm 2024. Tuy nhiên, có thể khẳng định về cơ bản Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ giữ ổn định về chỉ tiêu và các phương thức tuyển sinh bao gồm: Xét tuyển tài năng, xét tuyển theo điểm thi Đánh giá tư duy và xét tuyển theo điểm thi Tốt nghiệp THPT. Trong đó, chỉ tiêu dành cho phương thức xét tuyển theo điểm thi Đánh giá tư duy sẽ tăng nhẹ.
Năm 2024, Học viện Quân y tuyển sinh ngành y khoa và y học dự phòng bằng tổ hợp A00 (toán, lý, hóa) và B00 (toán, hóa, sinh). Trường sử dụng hai phương thức: Xét điểm thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển thẳng. Chỉ tiêu dành cho xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển, tuyển học sinh giỏi không quá 15% chỉ tiêu. Với khoảng 85% chỉ tiêu còn lại, trường tuyển dựa hoàn toàn vào kết quả thi tốt nghiệp THPT. Năm ngoái, điểm chuẩn của trường dựa trên kết quả thi tốt nghiệp dao động 22,65-27,17.
Đại học Quốc gia TP.HCM sẽ tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực trong 2 đợt trước kỳ thi tốt nghiệp THPT. Trong đó, đợt 1 dự kiến vào ngày 7/4 và đợt 2 vào ngày 2/6. Kỳ thi được tổ chức tại 23 địa điểm thi tại các tỉnh/thành phố gồm: TP.HCM, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Bình Thuận, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Vĩnh Long, An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ và Bạc Liêu, Bình Phước và Tây Ninh.
Năm 2024, Trường Đại học Bách khoa TP.HCM giữ định hướng tuyển sinh với các phương thức tuyển sinh trong các năm gần đây, trong đó phương thức kết hợp là phương thức chủ đạo. Phương thức này kết hợp đánh giá thí sinh với 3 yếu tố gồm học tập (với các điểm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM điểm thi tốt nghiệp THPT và điểm học THPT), thành tích học tập/khoa học và hoạt động văn thể mỹ-đóng góp cộng đồng. Về năng lực học tập, thành phần điểm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức chiếm tỉ trọng cao nhất. Ngoài ra, trường cũng sẽ tuyển sinh các phương thức khác như: Xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT; Ưu tiên xét tuyển thẳng thí sinh giỏi, tài năng...
Trường Đại học Luật TP.HCM chính thức tuyển sinh theo hai phương thức, trong đó phương thức 1 là tuyển thẳng, xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển và xét tuyển sớm theo đề án tuyển sinh của trường với 45% tổng chỉ tiêu. Phương thức 2 là xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024 với 55% tổng chỉ tiêu. Nhà trường không sử dụng kết quả miễn thi đối với môn thi ngoại ngữ trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 và không sử dụng điểm thi trong Kỳ thi THPT quốc gia, kỳ thi tốt nghiệp THPT các năm trước đó để xét tuyển.
Năm 2024, Trường Đại học Công Thương TP.HCM sẽ xét tuyển theo 4 phương thức. Trong đó phương thức 1 là xét tuyển bằng học bạ THPT lớp 10, 11 và học kỳ 1 của lớp 12 với mức điểm từ 20 điểm trở lên cho 20% - 30% tổng chỉ tiêu. Phương thức 2 là xét tuyển bằng đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức. Phương thức 3 là xét tuyển thẳng cho các thí sinh loại giỏi các năm lớp 10, 11 và học kỳ 1 của lớp 12 và có điểm môn Tiếng Anh từ 8 trở lên cho tối đa 10% chỉ tiêu. Phương thức 4 là xét tuyển bằng điểm thi THPT từ 50% - 60% tổng chỉ tiêu.
Với Trường Đại học Nha Trang, TS Tô Văn Phương - Trưởng phòng Đào tạo nhà trường cho biết, năm học tới, nhà trường dự kiến tuyển 3.700 sinh viên theo 4 phương thức: Xét học bạ THPT; kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TPHCM; xét kết quả thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển thẳng. Từ năm 2025, đơn vị này không xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT.