Nhiều trường đại học mở ngành mới
Bộ GD&ĐT quy định, các trường đại học được tự chủ trong việc mở ngành đào tạo nếu đảm bảo điều kiện theo quy định. Do đó, việc các trường đại học ồ ạt mở ngành mới theo hướng đa ngành, liên ngành và xuyên ngành, có tính xu thế và tiếp cận quốc tế trong mùa tuyển sinh năm 2023 là điều có thể dự đoán.
Trong năm học 2023 - 2024, Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội mở thêm 5 ngành học mới, gồm Hóa dược, Năng lượng tái tạo, Kỹ thuật sản xuất thông minh, Công nghệ kỹ thuật điện tử y sinh, Ngôn ngữ học.
Trường ĐH Thủy lợi mở thêm ngành Ngôn ngữ Hàn và Ngôn ngữ Trung và Luật kinh tế. Trường đại học Ngoại thương dự kiến mở hai ngành Kinh tế chính trị và Chương trình kinh tế chính trị quốc tế.
Trường ĐH Thương mại mở thêm các ngành mới gồm Phân tích kinh doanh trong môi trường số, Tiếng Trung thương mại, Quản trị khách sạn, Marketing thương mại và Thương mại quốc tế.
Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông dự kiến tuyển sinh thêm bốn ngành mới gồm ngành Kinh tế số, Truyền thông và quan hệ công chúng, Công nghệ thông tin theo hướng ứng dụng (chương trình chuẩn) và Marketing số (chương trình chất lượng cao).
Ở khu vực phía Nam, nhiều trường đại học cũng thông báo bổ sung thêm nhiều ngành học mới trong mùa tuyển sinh năm nay. Cụ thể, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM mở 5 ngành mới là Công nghệ tài chính, Luật, Công nghệ sinh học, Thương mại điện tử và Khoa học dữ liệu.
Trường ĐH Kinh tế TPHCM cũng mở thêm 5 ngành học gồm Công nghệ tài chính, Marketing công nghệ, Kinh doanh số, Robot và trí tuệ nhân tạo, Công nghệ logistics và chương trình song bằng mới về kinh tế chính trị - luật và quản trị địa phương.
Trường ĐH Quốc tế thuộc ĐH Quốc gia TPHCM mở 2 ngành mới, nâng tổng số lên 23 ngành đào tạo. Trong đó, có ngành Thống kê (Thống kê ứng dụng) với mục tiêu đào tạo ra các chuyên viên thống kê, phân tích dữ liệu kinh tế, tài chính, kinh doanh và bảo hiểm gắn với ứng dụng khoa học công nghệ, trí tuệ nhân tạo.
Cần sáng suốt lựa chọn, không theo xu hướng, không theo trào lưu
PGS.TS. Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TPHCM cho biết, thời gian gần đây các ngành liên quan đến công nghệ, đổi mới sáng tạo, AI, ngành dựa trên công nghệ thông minh và tương tác… được nhắc đến nhiều. Hàng năm thí sinh thường theo dõi các dữ liệu quá khứ về điểm chuẩn xét tuyển, mức xét tuyển để đăng ký vào ngành học mình muốn.
Tuy nhiên, với các ngành mới mở thì dữ liệu này gần như chưa có, nên thí sinh phải thật sáng suốt lựa chọn để có thể trúng tuyển vào trường, vào ngành học mà mình muốn. Lựa chọn một ngành mới để theo đuổi là một điều tốt vì có tính tiên phong và có nhiều cơ hội việc làm sau này nhưng cũng có những rủi ro nếu năng lực của thí sinh không đáp ứng được yêu cầu của ngành học.
"Thí sinh phải xem xét tố chất, đặc tính của mình có phù hợp với ngành mới đó không. Học lực, năng khiếu của mình có đáp ứng được đòi hỏi để học tốt ngành đó không, phải được đánh giá chính xác. Chúng ta phải hỏi bản thân có thực sự thích ngành đó không hay chỉ theo xu hướng, trào lưu của bạn bè...", PGS.TS. Nguyễn Khắc Quốc Bảo khuyến cáo.
Còn theo TS. Lê Viết Khuyến, nguyên Vụ phó Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT), việc mở các ngành nghề mới là điều tốt nếu các ngành nghề đó đáp ứng nhu cầu xã hội cũng như năng lực đào tạo của các nhà trường. Tuy nhiên, TS. Lê Viết Khuyến lo ngại một số trường vì muốn thu hút nhiều sinh viên đã mở thêm nhiều ngành mới với tên gọi hấp dẫn nhưng thực chất là "bình mới rượu cũ". "Điều này ảnh hưởng và gây khó khăn trong việc tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh cũng như công tác tuyển sinh các ngành đào tạo truyền thống".
TS. Lê Viết Khuyến cho rằng, mỗi trường đại học có một số ngành học có thế mạnh nhất định. Việc mở ra quá nhiều ngành mới có thể dẫn đến tình trạng, một số ngành không đủ sinh viên để tổ chức lớp học. Sự đa dạng hóa quá nhiều ngành học mới có thể gây khó khăn trong việc tư vấn, hướng nghiệp cho các em học sinh. Và nhiều ngành nghề sau khi tốt nghiệp rất khó xin việc vì không phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động.
Với nhiều năm kinh nghiệm đào tạo, PGS.TS Nguyễn Phú Khánh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Phenikaa khuyên thí sinh: "Hãy mạnh dạn chọn nếu các em thấy phù hợp với năng lực, đam mê, sở thích, điều kiện tài chính, điểm thi của mình".
Bởi theo PGS.TS Nguyễn Phú Khánh, khi mở ra một ngành mới, bao giờ các trường đại học cũng phải căn cứ vào chiến lược phát triển của đất nước, điều kiện kinh tế xã hội, đặc thù của mỗi ngành nghề cũng như đặc thù của trường. "Những ngành học mới đều đã được nghiên cứu rất kỹ càng, chuẩn bị cẩn thận mới tuyển sinh. Do đó, nếu các em thật sự thấy yêu thích, muốn học và có năng lực để theo học thì nên lựa chọn. Chúng ta có thể là người tiên phong với rất nhiều lợi thế sau này".
Hơn nữa, những ngành đào tạo mới đều có thuận lợi là nếu như các chương trình đang đào tạo thường thời gian cập nhật nội dung sẽ phải sau khoảng 1-2 năm thì đối với các ngành mới, sự cập nhật bao giờ cũng là nhanh nhất. Những kiến thức, nội dung hay nhất, hợp lý nhất, có tính liên ngành hay nhất sẽ được đưa vào ngành mới, chúng ta dễ dàng cập nhật, thay đổi ngay từ đầu.