Tuyển sinh 2021: Thí sinh được giảm lệ phí xét tuyển do COVID-19

25-03-2021 21:05 | Thời sự
google news

SKĐS - Do tác động của dịch COVID-19, thí sinh khi đăng xét tuyển đại học, cao đẳng năm nay được giảm 5.000 đồng/nguyện vọng so với các năm trước đây. Như vậy, mỗi thí sinh chỉ phải đóng mức lệ phí 25.000 đồng/nguyện vọng.

Tại Hội nghị trực tuyến tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2021 ngày hôm nay, các đại biểu tham gia đã thảo luận và có nhiều ý kiến tâm huyết, cụ thể với nhiều giải pháp khả thi cho công tác tuyển sinh 2021 dự kiến diễn ra vào đầu tháng 7 tới đây.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, năm 2020 mặc dù gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch COVID-19, thiên tai bão lũ ở miền Trung, nhưng công tác tuyển sinh đã thành công tốt đẹp. Điều đó được thể hiện qua sự hài lòng của các cơ sở giáo dục đại học, thí sinh, phụ huynh và xã hội.

Với công tác tuyển sinh năm 2021, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT lưu ý, cần có dự báo các tình huống để kịp thời xử lý trong những trường hợp đột xuất. Ngoài yếu tố dịch bệnh, thiên tai có thể xuất hiện, các cơ sở đào tạo đại học cần chủ động các phương án và kịch bản ứng phó với những yếu tố bất thường do khách quan mang lại.

Quy chế tuyển sinh năm 2021 cơ bản giữ nguyên như năm 2020

Khẳng định, tuyển sinh 2021 giữ ổn định như năm trước, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh, cần tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác này. Từ đăng ký nguyện vọng xét tuyển, cho đến điều chỉnh nguyện vọng và xét tuyển của các trường. Qua đó, nhằm giảm thiểu sai sót và tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh. Ngoài ra, các trường cần chuẩn bị tốt phương án tuyển sinh và tư vấn tuyển sinh, bảo đảm tính nhất quán về thông tin khi cung cấp thí sinh. 

Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trong thi cử, xét tuyển và kỳ thi tuyển sinh riêng của các đơn vị. Tuy nhiên, các trường cũng cần tăng cường thanh tra nội bộ, xét tuyển công bằng, công khai và đúng quy chế.

Các Sở GD&ĐT tiếp tục lên kế hoạch giảng dạy, ôn thi, hướng dẫn các trường THPT, các điểm tiếp nhận hồ sơ, hỗ trợ thí sinh đăng ký trực tuyến và đăng ký trực tiếp. Mặt khác, kiểm tra kỹ thông tin của thí sinh; nhất là về đối tượng ưu tiên và khu vực ưu tiên...

Đối với các trường tổ chức thi riêng, cần tạo điều kiện cho thí sinh không phải đi nhiều lần, nhiều nơi; các trường có thể sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của nhau, trên tinh thần hợp tác và đồng thuận.

Các Vụ, Cục và các đơn vị chức năng Bộ GD&ĐT thực hiện nhiệm vụ theo phân công của Bộ; trước mắt hoàn thiện Quy chế tuyển sinh 2021; đồng thời kiểm tra, rà soát và nâng cấp phầm mềm tuyển sinh, nhằm đáp ứng tốt hơn cho các cơ sở đào tạo và thí sinh. Phần mềm vừa bảo đảm yêu cầu bảo mật thông tin cá nhân, vừa hỗ trợ các trường dữ liệu theo quy định của pháp luật.

Tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh để đưa ra quyết định đúng đắn nhất

Thông tin về công tác tuyển sinh đại học năm 2021, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học cho biết, quy chế tuyển sinh năm 2021 cơ bản được giữ nguyên như năm 2020, chỉ có một số thay đổi về mặt kỹ thuật nhằm tạo thuận lợi hơn cho thí sinh.

Điểm mới nhất trong quy chế tuyển sinh năm nay là các thí sinh được 3 lần điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển sau khi biết điểm thi tốt nghiệp THPT. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho các thí sinh tìm hiểu kỹ lưỡng hơn thông tin tuyển sinh các trường đại học, đưa ra quyết định đúng đắn nhất.

600 đại biểu đến từ 322 đơn vị tham gia Hội nghị tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2021.

Năm 2021, thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào đại học chỉ được chọn 1 trong 2 phương thức gồm đăng ký bằng phiếu đăng ký xét tuyển hoặc đăng ký trực tuyến.

Thí sinh được đăng ký không giới hạn nguyện vọng nhưng vẫn phải sắp xếp nguyện vọng từ cao xuống thấp, nguyện vọng 1 là ưu tiên cao nhất. Trong đợt 1, các trường xét tuyển các nguyện vọng bình đẳng như nhau không phân biệt thứ tự nguyện vọng. Thí sinh trúng tuyển nguyện vọng trên thì không xét những nguyện vọng sau.

Sau khi trúng tuyển thí sinh phải xác nhận nhập học bằng cách nộp giấy chứng nhận kết quả thi bản gốc. Mỗi thí sinh chỉ được cấp 1 giấy chứng nhận kết quả thi bản gốc có đóng dấu. Khi xác nhận nhập học thí sinh sẽ không có quyền đăng ký xét tuyển bất kỳ nguyện vọng ở phương thức xét tuyển khác.

Năm 2021, Bộ GD&ĐT cũng bổ sung yêu cầu điểm trúng tuyển theo diện đặt hàng không thấp hơn điểm trúng tuyển của chương trình/ngành đào tạo. Khi UBND tỉnh đặt hàng các trường đại học đào tạo lao động cho các cơ quan, tổ chức doanh nghiệp của tỉnh thuộc vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, đối tượng thí sinh là người có hộ khẩu thường trú từ 3 năm trở lên, học 3 năm cấp trung học phổ thông tại địa phương. Đồng thời địa phương phải có cam kết sử dụng sinh viên tốt nghiệp. Chủ tịch UBND tỉnh đặt hàng phải chịu trách nhiệm giải trình về nhu cầu đặt hàng đào tạo và sử dụng lao động sau đào tạo.

Năm 2021, Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường phải xây dựng và công khai đề án tuyển sinh trên trang thông tin điện tử của trường theo mẫu phụ lục và các quy định tại quy chế tuyển sinh. Đề án tuyển sinh hoặc đường link đến đề án phải được công khai tại trang chủ trên trang thông tin điện tử của trường, đảm bảo thuận lợi nhất cho thí sinh tìm hiểu.

Thời gian công bố công khai đề án trên trang thông tin điện tử của trường, đối với hình thức đào tạo chính quy trước ít nhất 15 ngày tính đến ngày thí sinh đăng ký xét tuyển; đối với các hình thức đào tạo khác trước ít nhất 45 ngày tính đến ngày thí sinh đăng ký xét tuyển.

Năm nay, thí sinh được 3 lần điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển sau khi biết điểm thi tốt nghiệp THPT.

Các trường phải đảm bảo tuyệt đối chính xác, thống nhất các thông tin tuyển sinh khai báo trong trang nghiệp vụ với các thông tin trong thông báo tuyển sinh, đề án như mã trường, mã ngành, mã tổ hợp xét tuyển và chỉ tiêu xét tuyển, tiêu chí phụ,… Việc để sai sót trong khâu này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của thí sinh, đến công tác tuyển sinh của hệ thống.

Đối với các trường có yêu cầu tiêu chí phụ, sơ tuyển trong tuyển sinh như đưa ra mức điểm quá trình học tập bậc THPT, học lực, hạnh kiểm… phải có giải pháp để kiểm soát được các thông tin này trước khi đưa vào hệ thống xét tuyển lọc ảo, tuyệt đối tránh tình trạng do các quy định này làm ảnh hưởng đến quyền lợi của thí sinh khi tổ chức xét tuyển.

Do tác động của COVID-19, đề xuất giảm lệ phí tuyển sinh

Vụ Giáo dục Đại học đã tham mưu với lãnh đạo Bộ GD&ĐT nhiều kịch bản, trong đó có việc giảm lệ phí do tác động của dịch COVID-19.

Cụ thể, thí sinh khi đăng xét tuyển đại học, cao đẳng năm nay được giảm 5.000 đồng/nguyện vọng so với các năm trước đây. Như vậy, mỗi thí sinh chỉ phải đóng mức lệ phí 25.000 đồng/nguyện vọng.

Thí sinh vẫn nộp lệ phí tại địa phương và khoản lệ phí này sẽ được phân bổ để đảm bảo quyền lợi của các sở GD&ĐT và các cơ sở đào tạo.

Theo đó, các sở GD&ĐT được giữ lại 15.000 đồng/nguyện vọng, trong đó sử dụng tại sở tối đa 9.000 đồng/nguyện vọng; số còn lại điều tiết sử dụng tại các điểm tiếp nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển.

Các cơ sở đào tạo nơi thí sinh đăng ký nguyện vọng được nhận 10.000 đồng/nguyện vọng. Trong đó, kinh phí thực hiện xét tuyển sinh tại các trường với mức phân bổ đảm bảo giữ ổn định như năm 2020 trở về trước, là 6.000 đồng/nguyện vọng; còn 4.000 đồng chuyển về các đơn vị được Bộ GD&ĐT giao nhiệm vụ thực hiện công tác tuyển sinh.

Như vậy, 5.000 đồng/nguyện vọng lệ phí xét tuyển thí sinh được giảm và phần giảm đó sẽ thuộc về phần hỗ trợ chung của Bộ, kinh phí cho các sở GD-ĐT và các trường vẫn sẽ như năm 2020.

 


Đỗ Vi
Ý kiến của bạn