Theo lời kể của chị Nguyễn Thị T, 35 tuổi, trú tại xã Thái Bình, TP. Tuyên Quang (Quản đốc phân xưởng), đang điều trị tại khoa Truyền nhiễm, BVĐK tỉnh Tuyên Quang: Công ty đã phối hợp với một công ty thực phẩm tại Tuyên Quang để cung cấp các xuất ăn cho các công nhân (mỗi ngày đặt 80 suất cho các công nhân ăn theo ca trưa và tối). Sau khi ăn bữa ăn tối ngày 07/5 và ăn trưa ngày 8/5, Phân xưởng của chị đã có 25 công nhân có các dấu hiệu đau bụng, buồn nôn, đi ngoài, phân lỏng và các công nhân này đã được nhập viện. Hiện tại, sau 2 ngày điều trị, sức khoẻ các bệnh nhân này đã ổn định, không còn đi ngoài phân lỏng, không còn đau bụng…
Bác sỹ CKII Ngô Quang Chiến thăm khám cho bệnh nhân
Bác sỹ Chuyên khoa II Ngô Quang Chiến – Phó trưởng khoa Nội Tiêu hóa, Bệnh viện đa khoa tỉnh cho biết: Hiện tại khoa Nội Tiêu hóa đang điều trị cho 13 bệnh nhân được chẩn đoán ngộ độc thực phẩm, các bệnh nhân khác đang được điều trị tại khoa Truyền nhiễm và khoa Ngoại Tổng hợp của Bệnh viện, sau khi các bệnh nhân nhập khoa, đã được thăm khám, điều trị bằng các phương pháp như: truyền dịch, dùng kháng sinh, giảm tiết, bù nước và điện giải, giảm co thắt đường ruột…Hiện tại, đa số các bệnh nhân tại khoa đều ổn định và chuẩn bị được xuất viện, còn một số bệnh nhân có các triệu chứng lâm sàng đã giảm, nhưng vẫn cần phải theo dõi và tiếp tục điều trị tại khoa.
Bệnh nhân Nguyễn Thị T. đang được điều trị tại khoa Truyền nhiễm
Bác sỹ chiến khuyến cáo, vào mùa hè nhiệt độ và độ ẩm cao, vi khuẩn dễ sinh sôi phát triển dẫn tới ô nhiễm làm thức ăn ôi thiu nếu không bảo quản cẩn thận, đúng cách. Cần lựa chọn các thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, bảo quản và chế biến đảm bảo an toàn vệ sinh.
Đối với người dân, nếu không may bị ngộ độc thức ăn với các triệu chứng: đau bụng, buồn nôn, đi ngoài phân lỏng…cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị sớm, nếu đến muộn, người bệnh có thể bị mất nước, nhiễm trùng nhiễm độc nặng có thể dẫn đến tử vong.