Các tuyến nội tiết được người xưa chú ý đến là tinh hoàn, tụy, giáp trạng, thượng thận..., trong đó tinh hoàn và tụy là thông dụng hơn cả.
Tuyến tụy: thường dùng tụy lợn. Tuỵ lợn có vị ngọt, tính bình, có công năng ích phế, bổ tỳ và nhuận táo, được sử dụng để chữa các chứng tiêu khát (tiểu đường), khái huyết, ho hen, lỵ tật, tắc tia sữa, da tay chân nứt nẻ...
Để điều trị chứng tiêu khát, tụy lợn được dùng trong một số bài thuốc như sau:
Bài 1: tụy lợn sấy khô, ý dĩ, hoài sơn, cát căn mỗi vị 8g, tất cả sấy khô, tán bột, đóng gói 5g, mỗi ngày uống từ 4-8 gói tùy theo mức độ bệnh.
Bài 2: hoàng kỳ sống 15g, sinh địa 30g, hoài sơn 30g, sơn thù 15g, tụy lợn sống 9g sấy khô tán bột. Sắc hoàng kỳ, sinh địa, hoài sơn và sơn thù lấy nước uống cùng bột tụy lợn.
Bài 3: tụy lợn 1 cái, hoài sơn 200g, hai thứ hầm nhừ, chế đủ gia vị, chia làm 4 phần, mỗi ngày ăn 1 phần.
Bài 4: tụy lợn (có thể thay bằng tụy trâu, bò hoặc dê) rửa sạch, thái miếng, sấy khô tán bột, mỗi ngày uống 3 lần, mỗi lần 3g với nước ấm.
Tinh hoàn: Thường dùng tinh hoàn các loại động vật như hươu, dê, trâu, bò, chó, ngựa, hải cẩu... được gọi chung là “ngoại thận”, có công dụng bổ thận tráng dương, thường được dùng để chữa các chứng bệnh có liên quan đến rối loạn sinh lý tình dục như liệt dương, di tinh, hoạt tinh, suy giảm chất lượng và số lượng tinh trùng, suy giảm ham muốn tình dục, phụ nữ khó thụ thai... Ví như:
Tinh hoàn chó: Tốt nhất là của chó vàng (hoàng cẩu), vị mặn tính ấm, vào kinh thận, có công dụng bổ thận tráng dương, sinh tinh ích tủy, dùng để chữa các chứng liệt dương, hoạt tinh, xuất tinh sớm, lãnh tinh, không có tinh trùng, suy giảm ham muốn tình dục... Dạng dùng: tinh hoàn rửa sạch, bỏ màng, sấy khô tán bột, mỗi ngày uống 2g với nước muối nhạt hoặc tinh hoàn chó 1 bộ nghiền nhỏ ngâm với 500ml rượu trắng trong 7 ngày rồi uống mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 1 chén nhỏ. Có thể ngâm cùng các vị thuốc như kỷ tử, nhục dung, tỏa dương, dâm dương hoắc... để nâng cao hiệu quả và dễ uống
Tinh hoàn hươu: Vị ngọt mặn, tính ấm, vào ba kinh can, thận và bàng quang, có công dụng bổ thận khỏe lưng, tráng dương ích tinh, thường được dùng để chữa các chứng liệt dương, thiểu năng tinh trùng, xuất tinh sớm, suy giảm tình dục, suy nhược cơ thể, muộn con... Cách dùng: (1) Tinh hoàn hươu 1 đôi bỏ màng, thái vụn, nhục dung 60g tẩm rượu 1 đêm rồi thái phiến, nấu 100g gạo tẻ thành cháo rồi cho các vị thuốc vào, chế đủ gia vị, ăn nóng. (2) Tinh hoàn hươu 1 bộ rửa sạch bỏ màng, tán nhuyễn rồi ngâm trong 500ml rượu trắng, sau 10 ngày là dùng được, mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 1 chén nhỏ. (3) Tinh hoàn hươu làm sạch, sấy khô tán bột, mỗi ngày uống 3-5g với nước muối nhạt.
Tinh hoàn dê: Vị mặn, tính ấm, vào kinh thận, có công dụng ích tinh trợ dương, bổ thận cường cốt, được dùng để chữa các chứng muộn con, liệt dương, xuất tinh sớm, di tinh, đau lưng, suy giảm ham muốn tình dục, suy nhược cơ thể... Cách dùng: (1) Tinh hoàn dê 1 đôi làm sạch bỏ màng, tán nhuyễn rồi ngâm trong 500ml rượu trắng, sau 10 ngày là dùng được, uống mỗi ngày 1 chén nhỏ. (2) Tinh hoàn dê 1 đôi làm sạch bỏ màng, thái mỏng rồi nấu cùng một bát nước hầm xương lợn trong 5 phút, chế đủ gia vị, ăn nóng. (3) Tinh hoàn dê 1 đôi, nhung hươu 3g, rượu trắng 500ml. Tinh hoàn dê rửa sạch, bỏ màng, nghiền nát rồi đem ngâm với rượu cùng với nhung hươu trong 15 ngày, mỗi ngày uống 1 lần, mỗi lần 20ml. (4) Tinh hoàn dê 1 đôi rửa sạch, thái phiến mỏng, lấy 2 củ tỏi và 3g gừng tươi thái lát rồi cho dầu thực vật vào chảo phi thơm rồi xào cùng với tinh hoàn dê, ăn nóng.
Ngoài ra, với tất cả các loại tinh hoàn động vật đều có thể điều chế đơn giản như sau: tinh hoàn rửa sạch, loại bỏ màng, dùng tay hoặc máy nghiền thật nát, sau đó đem ngâm với rượu hoặc cồn cao độ với tỷ lệ 1/1. Ngâm trong 5 ngày trở lên, càng lâu càng tốt, thỉnh thoảng lắc đều. Khi dùng, gạn lấy rượu, uống mỗi ngày 2-3 lần, mỗi lần 30 giọt.
Các tuyến nội tiết khác: như tuyến thượng thận và tuyến giáp trạng của lợn cũng được y học cổ truyền chú ý sử dụng. Ví như để chữa chứng ho hen, người xưa dùng dung dịch rượu ngâm với tuyến thượng thận của lợn để uống; để chữa chứng “Khí anh” (bướu giáp đơn thuần hoặc suy giảm chức năng tuyến giáp), người xưa dùng tuyến giáp trạng của dê và lợn cùng với các vị thuốc như hải tảo, côn bố, hải đới, ngưu bàng tử... sấy khô, tán bột để uống.