Liên quan đến việc triển khai nghiên cứu dự án tuyến đường sắt đô thị số 6, đoạn Nội Bài-Ngọc Hồi, ông Lê Trung Hiếu, Phó trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) cho biết đoạn tuyến này sẽ đi qua 5 quận và 3 huyện của thành phố Hà Nội.
Khẳng định là đơn vị đầu mối để tiếp nhận tài trợ không hoàn lại của Chính phủ Australia tài trợ thông qua WB để nghiên cứu về tuyến đường sắt đô thị này, ông Hiếu cho hay theo quy hoạch, tuyến đường sắt đô thị số 6 có tổng chiều dài khoảng 43km với điểm đầu tại sân bay Nội Bài, điểm cuối tại Ngọc Hồi. Tuyến bao gồm 29 nhà ga và 2 Depot tại Ngọc Hồi và Kim Nỗ và đi qua các huyện Sóc Sơn, Mê Linh, Thanh Trì các quận Đông Anh, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Hoài Đức, Hà Đông.
Nhấn mạnh việc nghiên cứu quy hoạch chi tiết hướng tuyến, nhà ga tuyến đường sắt đô thị số 6, đoạn Nội Bài-Ngọc Hồi có vai trò quan trọng đối với dự án và hệ thống giao thông công cộng của thành phố, ông Hiếu cho rằng kết quả nghiên cứu sẽ giúp thành phố quản lý quy hoạch, quản lý xây dựng tại những khu vực có tuyến đường sắt đô thị đi qua đồng thời nghiên cứu sẽ đem lại hiệu quả trong việc khai thác hệ thống đường sắt đô thị và giao thông công cộng, tác động trực tiếp đến phát triển không gian đô thị và hiệu quả sử dụng đất đô thị trong tương lai.
Bên cạnh đó, nghiên cứu này sẽ xác định được vị trí cụ thể của Depot, vị trí các nhà ga, nhu cầu sử dụng đất, quy mô hạ tầng kỹ thuật của tuyến, hành lang bảo vệ tuyến đường sắt đô thị, định hướng được nhu cầu sử dụng năng lượng điện làm cơ sở cho quy hoạch ngành điện…
Các nghiên cứu về phát triển định hướng giao thông (TOD) đảm bảo việc bố trí các nhà ga kết nối với nhau và mạng lưới đường sắt đô thị kết nối với hệ thống xe buýt, các loại hình trung chuyển, với các bến xe, bãi đỗ xe, không gian ngầm đô thị để phát huy hiệu quả của toàn bộ hệ thống giao thông công cộng; góp phần xây dựng cơ sở dữ liệu cơ bản để quản lý quy hoạch, kiến trúc, xây dựng, phát triển đô thị trên địa bàn TP. Hà Nội.
Hiện MRB đang tích cực tìm kiếm và tận dụng các nguồn viện trợ để nghiên cứu chuẩn bị dự án, quy hoạch hướng tuyến nhà ga cũng như phát triển đô thị tích hợp hệ thống đường sắt đô thị.
Theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011, mạng lưới metro gồm 8 tuyến, với tổng chiều dài khoảng 318km.
Hiện Hà Nội đã hoàn thành tuyến Cát Linh - Hà Đông (tuyến số 2A) và đưa vào vận hành thương mại sau 10 năm xây dựng.
Dự kiến, khi mạng lưới metro Hà Nội hoàn thiện sẽ gia tăng tỉ lệ người dân sử dụng phương tiện hành khách công cộng tới 35%-45%, giảm thị phần người sử dụng phương tiện cá nhân tham gia giao thông xuống 30%; đóng góp vào sự phát triển kinh tế của khu vực và cải thiện môi trường đô thị nhờ giảm thiểu tắc nghẽn giao thông và tình trạng ô nhiễm trên địa bàn thành phố.
Xem thêm video:
"Vị" của Hà Nội: Lắng đọng những nỗi niềm da diết