Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên dự và chủ trì hội nghị, tham dự hội nghị có đại diện các Vụ, Cục thuộc Bộ Y tế, Viện Pháp y Quốc gia, đại diện Viện khoa học hình sự Bộ Công An, Viện Pháp y quân đội, Bộ Quốc Phòng, Cục Bổ trợ Tư pháp, Bộ Tư pháp và một số cơ quan liên quan.
Hội nghị tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến kết nối với 63 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố.
Cần đảm bảo đủ nhân lực, điều kiện cơ sở vật chất... phục vụ công tác giám định pháp y
Báo cáo tại hội nghị, đại diện Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, lĩnh vực pháp y thuộc ngành Y tế gồm có Viện Pháp y Quốc gia trực thuộc Bộ Y tế và Trung tâm pháp y trực thuộc Sở Y tế 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Nhân lực pháp y toàn ngành gồm 1.053 người, trong đó tại Viện Pháp y Quốc gia là 90 người, tại các tổ chức pháp y 63 tỉnh, thành phố là 963 người; Tổng số giám định viên pháp y ngành Y tế 270 giám định viên.
Mô hình tổ chức ở Trung ương: Gồm có Viện Pháp y Quốc gia và Phân viện Pháp y Quốc gia trực thuộc Viện; Tại địa phương có 54 tỉnh/thành phố hoạt động theo mô hình Trung tâm pháp y trực thuộc Sở Y tế được thành lập theo Quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh (chiếm 85,7%); Mô hình lồng ghép Trung tâm Pháp y – Giám định y khoa trực thuộc Sở Y tế có 11 tỉnh.
Năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024 Bộ Y tế đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo hướng dẫn đối với lĩnh vực giám định pháp y, thực hiện công tác kiểm tra, giám sát, phối hợp với các bộ, ngành.
Năm 2023 Viện Pháp y Quốc gia tiếp nhận trưng cầu của cơ quan tiến hành tố tụng và thực hiện giám định được 8.418 vụ việc, 6 tháng đầu năm 2024 giám định được 4.296 vụ việc bao gồm các loại hình giám định trên người sống, giám định trên tử thi, giám định độc chất, ADN, mô bệnh học,...và giám định ngoài tố tụng. Số lượng các vụ việc giám định tăng ở hầu hết các loại hình giám định.
Tại các địa phương số lượng các vụ giám định trên người sống của các Trung tâm pháp y cơ bản ổn định và tăng theo từng năm.
Tổng số vụ giám định năm 2023 là: 65.049 vụ; 6 tháng 2024 là 32.261 vụ. Báo cáo cũng đưa ra những khó khăn, vướng mắc về văn bản quy phạm pháp luật của lĩnh vực pháp y, việc chưa đồng nhất trong mô hình tổ chức giám định pháp y (GĐPY) trong toàn quốc và chưa đảm bảo theo quy định Luật Giám định tư pháp và NĐ 85/2013/NĐ-CP.
Đối với nhân lực nói chung, hiện nay, trung bình mỗi cơ sở pháp y các tỉnh/thành phố có khoảng 15 người và có 06 cơ sở có dưới 10 người; hầu hết các cơ sở đều thiếu người để đảm bảo theo quy định của Nghị định số 120/2020/NĐ-CP của Chính phủ Quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập.
Việc tuyển dụng nhân sự, nhất là bác sĩ rất khó khăn. Nhiều Sở Y tế chưa bố trí được nhân sự cho Trung tâm pháp y và chưa bổ nhiệm giám định viên để bổ sung cho đội ngũ giám định (trong 2 năm cả nước tăng được 4 bác sĩ, bổ nhiệm thêm 8 giám định viên);
Số bác sĩ, giám định viên tuyển dụng, bổ sung cho các cơ sở chỉ bù đắp được 25% số nghỉ hưu, nghỉ việc; các cơ sở không thu hút được các bác sĩ về làm việc do chế độ thấp, công việc chuyên môn không hấp dẫn. Do đó, nhu cầu bổ sung giám định viên ở thời điểm hiện tại lên tới 50% số giám định viên hiện có và nhu cầu đến năm 2030 là gấp đôi lực lượng hiện tại.
Giám định viên là bác sĩ chiếm tới 9/10, trong đó có tới 2/3 số bác sĩ hệ liên thông 4 năm. Có 42,2% bác sĩ có trình độ sau đại học, nhưng có khoảng 50% học các chuyên khoa không phục vụ trực tiếp công tác chuyên môn giám định pháp y (quản lý y tế, y tế công cộng, bác sĩ gia đình, …).
Công tác đào tạo cán bộ chuyên ngành pháp y chưa được quan tâm. Nhìn chung, chỉ có một số ít Trung tâm pháp y có trụ sở diện tích đủ rộng, khang trang (như Trung tâm Pháp y TPHCM, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Trung tâm Pháp y Hà Nội đang xây dựng), khang trang, còn lại đa số trụ sở đều từ cơ sở cũ của các cơ quan khác, không đủ diện tích sử dụng hoặc đã cũ chỉ tạm thời ổn định để các trung tâm hoạt động.
Trụ sở làm việc chưa phù hợp với công năng sử dụng không có quy hoạch tổng thể nên việc bố trí phòng làm việc và lắp đặt trang thiết bị gặp nhiều khó khăn và bất cập.
Cơ chế chính sách đãi ngộ với đội ngũ cán bộ chuyên ngành pháp y hiện chưa phù hợp và tương xứng với đặc thù công việc nên chưa thu hút được cán bộ.
Báo cáo cũng đề xuất một số giải pháp căn bản để tăng cường năng lực của hoạt động giám định pháp y trong đó đặc biệt lưu ý các Vụ/Cục của Bộ Y tế căn cứ chức năng nhiệm vụ của đơn vị, phân công của Bộ Y tế tại Quyết định số 3158/QĐ-BYT ngày 24/5/2018 về việc ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 250/QĐ-TTg ngày 28/02/2018 của Thủ tướng Chính phủ, Kế hoạch số 1823/KH-BYT ngày 24/11/2020 về "Triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp".
Đề nghị Bộ Tư pháp tham mưu Chính phủ sửa đổi Quyết định số 01/2014/QĐ-CP ngày 01/01/2014 về chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp; Rà soát, chỉnh sửa, bổ sung Luật giám định tư pháp, Nghị định của Chính phủ hướng dẫn Luật, đảm bảo phù hợp thực tế; Đánh giá, tổng kết và đề xuất Chính phủ tiếp tục duy trì Đề án số 250 năm 2018 về tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp;
Đề nghị Bộ Công an chỉ đạo công an các tỉnh, thành phố xây dựng quy chế phối hợp pháp y ngành Y tế và pháp y Công an để đảm bảo an toàn cho giám định viên trong khi thực hiện giám định và đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn giám định pháp y trên địa bàn đối với cả hai ngành;
Đề nghị Bộ Tài chính xây dựng Thông tư thay thế Thông tư 34/2014/TT-BTC về quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí giám định tư pháp trong lĩnh vực pháp y đã hết hiệu lực từ ngày 01/01/2017; Sở Y tế các tỉnh tham mưu UBND tỉnh quan tâm đầu tư kinh phí xây dựng, cải tạo cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị đảm bảo đủ điều kiện tối thiểu về chuyên môn để các cơ sở pháp y hoạt động.
Xem xét báo cáo Hội đồng nhân dân có chế độ đãi ngộ đặc thù của địa phương đối với lực lượng làm công tác pháp y thuộc ngành Y tế trên địa bàn. Quan tâm, có chế độ thu hút, ưu đãi đối với người làm công tác pháp y.
Tại hội nghị, các đại biểu cũng đã nghe tham luận của các đơn vị từ Trung ương đến địa phương về thực trạng hoạt động và những khó khăn, vướng mắc, đề xuất, giải pháp đối với hoạt động giám định pháp y.
5 nhóm vấn đề để triển khai thực hiện liên quan đến công tác giám định pháp y
Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên lưu ý 5 nhóm vấn đề để triển khai thực hiện trong thời gian tới:
Đối với vấn đề hoàn thiện thể chế, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh chủ trì phối hợp với Vụ Pháp chế, Viện Pháp y quốc gia cần rà soát lại các văn bản quy phạm pháp luật như: Luật, các Nghị định, Thông tư và đưa ra đề xuất sửa đổi; Cục Quản lý Khám, chữa bệnh khẩn trương hoàn thiện dự thảo thông tư sửa đổi và bổ sung thông tư số 13/TT-BYT năm 2022 và bổ sung lĩnh vực giám định ngoài tố tụng.
Vụ Tổ chức cán bộ chủ trì cùng với Cục Quản lý Khám, chữa bệnh và Vụ Kế hoạch tài chính nghiên cứu đề xuất chế độ chính sách cho cán bộ hoạt động trong lĩnh vực giám định pháp y.
Cục Quản lý Khám, chữa bệnh khẩn trương hoàn thiện Đề án "Tăng cường năng lực giám định pháp y, pháp y tâm thần và điều trị bắt buộc chữa bệnh tâm thần giai đoạn 2023 – 2030". Cục Quản lý Khám, chữa bệnh và Vụ Kế hoạch tài chính đồng chủ trì xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật và giá dịch vụ giám định pháp y, đề xuất trước 30/8/2024.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên phát biểu kết luận Cục Quản lý Khám chữa bệnh và các đơn vị khác của Bộ Y tế phải bám vào Kế hoạch số 1823/KH-BYT ngày 24/11/2020 của Bộ Y tế về Triển khai thi hành Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp trong đó giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị.
Sở y tế các tỉnh, thành phố xây dựng cơ chế phối hợp giữa Sở Y tế và Công an tỉnh tại địa phương đối với công tác giám định pháp y.
Về tổ chức, trước mắt cần giữ nguyên và phát huy mô hình tổ chức như hiện nay. Trong thời gian tới Vụ Tổ chức cán bộ phối hợp với Cục Quản lý Khám, chữa bệnh tiến hành khảo sát, đánh giá hiện trạng và căn cứ kết quả đánh giá của từng năm đặc biệt 5 năm trở lại đây để báo cáo, đề xuất sắp xếp lại mô hình tổ chức của các trung tâm pháp y trên cả nước.
Để đào tạo nguồn nhân lực, Vụ Tổ chức cán bộ phối hợp với Cục Khoa học công nghệ và đào tạo, Viện Pháp y Quốc gia rà soát để đưa ra các ưu đãi từ lúc tuyển sinh; Nghiên cứu và sắp xếp mã ngành đào tạo đối với lĩnh vực giám định pháp y, cùng với đó cần có chế độ ưu đãi đặc biệt để thu hút nguồn nhân lực đối với công tác giám định pháp y.
Các đại biểu tham luận tại hội nghị.
Về cơ sở vật chất, các đơn vị căn cứ chức năng nhiệm vụ, vị trí việc làm xác định quy mô của đơn vị, báo cáo Bộ Y tế để có căn cứ làm việc với các địa phương lập và trình phê duyệt chủ trương đầu tư, dự án để đầu tư cơ sở hạ tầng, vật chất cho các đơn vị. Các đơn vị của Bộ Y tế phải trình phê duyệt chủ trương đầu tư trước 10/12/2024. Các đơn vị của địa phương cũng rà soát và trình xin chủ trương địa phương về việc đầu tư cơ sở mới.
Đối với công tác chuyên môn các đơn vị cần lấy sự việc xảy ra ở Viện Pháp y tâm thần Biên Hòa và Bệnh viện Tâm thần Trung ương I là bài học cảnh tỉnh trong hoạt động chuyên môn của mình. Nghiêm túc thực hiện tự kiểm tra đánh giá hoạt động của đơn vị theo các tiêu chí và bảng điểm được quy định tại Quyết định số 5092/QĐ-BYT ngày 07/12/2020 của Bộ Y tế "Ban hành Quy chế kiểm tra và bảng điểm đánh giá công tác giám định pháp y tâm thần, công tác tiếp nhận, điều trị và quản lý người chấp hành biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh";
Phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, các cơ quan chuyên môn trên địa bàn, chủ động triển khai ký hợp đồng, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị y tế thực hiện khám chuyên khoa, khám cận lâm sàng cho các đối tượng giám định trên cơ sở hiệu quả, tiết kiệm, tránh lãng phí và quản lý chặt chẽ đối tượng; tăng cường trao đổi thông tin với cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát về tình hình, kết quả giám định theo quyết định trưng cầu; chỉ tiếp nhận giám định khi có đầy đủ hồ sơ theo quy định; bàn giao kết luận giám định, đối tượng giám định cho các nhân, tổ chức theo đúng quy định của pháp luật.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên yêu cầu tăng cường kiểm tra giám sát, xử lý nghiêm sai phạm. Kết quả xử lý nghiêm sai phạm về hoạt động chuyên môn gửi Bộ Y tế và Sở Y tế địa phương để kịp thời có biện pháp xử lý.
Cục Quản lý Khám, chữa bệnh và sở y tế thực hiện chức năng quản lý nhà nước, kiểm tra giám sát về lĩnh vực pháp y...
Thanh tra Bộ Y tế và thanh tra các sở y tế đưa vào kế hoạch thanh tra hàng năm đối với lĩnh vực này. Trong quá trình thực hiện bên cạnh luật giám định tư pháp cần nghiên cứu luật tố tụng hình sự và các luật khác có liên quan để thực hiện theo quy định.
Hội nghị tổng kết hàng năm giao Cục Quản lý Khám, chữa bệnh tổng hợp trình Bộ Y tế để khen thưởng kịp thời các đơn vị và cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ.