Hà Nội

“Tuyên chiến” với rác thải nhựa trong sản xuất, tiêu dùng

18-07-2019 15:41 | Xã hội
google news

SKĐS - Rác thải nhựa đến từ rất nhiều nguồn khác nhau nhưng cùng chung đặc điểm là khó phân hủy và để lại những hệ lụy vô cùng lớn đối với môi trường.

Việc hạn chế tối đa rác thải nhựa là tất yếu, dù vậy, vẫn có nhiều khó khăn trong việc đưa ra những giải pháp trong thực tế nếu chưa luật hóa...

Rác nhựa chiếm gần 10% rác sinh hoạt

Theo thống kê của Sở Công Thương Hà Nội tại Hội nghị “Phát động chung tay hành động chống rác thải nhựa trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp và phân phối tiêu dùng” vừa qua, hiện trên địa bàn thành phố có khoảng 100 doanh nghiệp (DN) sản xuất nhựa, các sản phẩm từ nhựa, 24 trung tâm thương mại, 140 siêu thị, 454 chợ, hàng nghìn cửa hàng tiện lợi và cửa hàng chuyên kinh doanh (KD) thực phẩm, 123 chuỗi, gần 800 cửa hàng trái cây... Mỗi ngày trên địa bàn Thành phố, khối lượng rác phát sinh từ 5.500 - 6.000 tấn, trong đó, rác thải nhựa chiếm 8 - 10%. Rác thải nhựa phát sinh trong hoạt động sản xuất công nghiệp và phân phối tiêu dùng chiếm khối lượng lớn; rác thải bao bì nilon, sản phẩm nhựa sử dụng một lần phát sinh trong sản xuất công nghiệp và phân phối tiêu dùng thuộc loại khó và lâu phân hủy.

Trong đó, nhựa dùng trong sản xuất bao bì hiện đang phục vụ nhu cầu cho khoảng 1.000 cơ sở sản xuất các mặt hàng tiêu dùng. Hầu hết các DN trong lĩnh vực phân phối tiêu dùng đều sử dụng các loại túi nilon khó phân hủy để phục vụ nhu cầu khách hàng; tình trạng các sản phẩm bao gói thực phẩm khó phân hủy được bày bán ở các siêu thị, cửa hàng, các hộ kinh doanh trong chợ rất phổ biến.

Bà Trần Thị Phương Lan - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết: “Qua nắm bắt tại một số chợ, hệ thống cửa hàng tiện lợi, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn thành phố, khối lượng rác thải từ nilon và rác thải có nguồn gốc từ nhựa là rất lớn. Đặc biệt là tại các chợ dân sinh, tình hình sử dụng túi nilon vô cùng phổ biến, còn ở các cửa hàng tiện lợi, siêu thị, trung tâm thương mại, rác thải có nguồn gốc từ nhựa thường là sản phẩm đã được bao gói, đóng gói sẵn từ khâu sản xuất, phân phối bán buôn ra thị trường”.

Túi nilon hay rác thải nhựa là sản phẩm rất phổ biến và để lại nhiều tác hại đến môi trường.

Túi nilon hay rác thải nhựa là sản phẩm rất phổ biến và để lại nhiều tác hại đến môi trường.

Khó vì chưa bắt buộc

Nhận thức được tầm quan trọng của rác thải nhựa gây ô nhiễm môi trường, hiện nay, một số DN sản xuất, phân phối trên địa bàn thành phố đã thực hiện sản xuất, sử dụng túi tự hủy sinh học, các vật liệu có nguồn gốc tự nhiên, thân thiện với môi trường trong hoạt động KD thay thế cho việc sử dụng túi nilon và các vật dụng từ nhựa khó phân hủy.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy các sản phẩm có nguồn gốc từ nhựa có giá thành rẻ, tiện lợi và nhiều ưu điểm khác nên được sản xuất khối lượng rất lớn, phân phối rộng khắp nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, từ đó gây phát thải túi nilon và các sản phẩm có nguồn gốc từ nhựa ra môi trường ngày càng tăng. Việc chuyển đổi từ sử dụng các sản phẩm túi nilon khó phân hủy sang túi nilon thân thiện môi trường của các DN phân phối tiêu dùng sẽ gặp nhiều khó khăn do giá thành của túi nilon thân thiện với môi trường đắt gấp nhiều lần so với túi nilon khó phân hủy. Mặt khác, DN sản xuất cũng có tâm lý e ngại khi sản xuất các sản phẩm thân thiện môi trường sẽ gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm vào thời gian đầu, khi mà việc sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường chưa trở thành bắt buộc.

Hiện các đơn vị phân phối tiêu dùng cũng đã cam kết sẽ đề ra các giải pháp tiến tới thay thế 100% các sản phẩm thân thiện môi trường phục vụ nhu cầu người dân. Đồng thời, kết hợp với các nhà cung cấp dần thay thế các sản phẩm bao gói, màng bọc thân thiện với môi trường khi cung cấp vào siêu thị, cửa hàng, tiến tới sau năm 2020 chỉ nhập vào bán các sản phẩm có bao gói thân thiện môi trường.

Ban quản lý các chợ trên địa bàn Thủ đô đã ký cam kết phấn đấu đến hết 31/12/2020, thực hiện 8 nội dung để chống rác thải nhựa gồm: thay thế hoàn toàn túi nilon và nhựa dùng một lần bằng các sản phẩm từ thiên nhiên, thân thiện với môi trường; có các chương trình khuyến khích, hỗ trợ khách hàng sử dụng túi vải, làn mây, túi thân thiện môi trường khi đi mua sắm tại trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng; khuyến khích nhà cung cấp sử dụng bao bì thân thiện với môi trường, giấy tái chế thay thế nilon để bao gói các sản phẩm cung cấp cho siêu thị, cửa hàng; không sử dụng ống hút nhựa, cốc nhựa, thìa nhựa phục vụ khách hàng; sử dụng giấy tái chế thay thế nilon để bao gói sản phẩm; không tặng, không bán túi nilon khó phân hủy cho khách hàng, người tiêu dùng; tích cực hưởng ứng, tổ chức phát động phong trào thu gom chất thải nhựa sử dụng 1 lần và túi nilon khó phân hủy tại đơn vị; 100% rác thải phát sinh trong sinh hoạt KD được phân loại tại nguồn.

Theo Sở Công Thương Hà Nội,  thời gian tới, để hạn chế việc phát thải rác thải nhựa, Sở sẽ đẩy mạnh tuyên truyền cho các DN trong lĩnh vực sản xuất và tiêu dùng, nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, cùng chung tay chống rác thải nhựa trên địa bàn thành phố. Triển khai đồng bộ đến các DN trong lĩnh vực sản xuất và phân phối tiêu dùng thực hiện cam kết trong công tác chống rác thải nhựa và thực hiện lộ trình sản xuất KD các sản phẩm thân thiện với môi trường theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và UBND TP. Hà Nội: Phấn đấu đến năm 2025, các DN sản xuất không sản xuất các sản phẩm nhựa dùng một lần, túi nilon khó phân hủy; các trung tâm thương mại, siêu thị phấn đấu đến hết ngày 31/12/2020, 100% không dùng túi nilon khó phân hủy...


Nguyên Anh
Ý kiến của bạn