Động thái này như “đổ thêm dầu vào lửa” trong mối quan hệ vốn đang căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc.
Mỹ “nghỉ chơi” với WHO
Mới đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo, nước này quyết định cắt đứt mối quan hệ với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) sau khi cơ quan y tế hàng đầu của LHQ không thực hiện những cải cách mà Mỹ yêu cầu. Phát biểu trong một cuộc họp báo tại Nhà Trắng, Tổng thống D. Trump nói: “Hôm nay chúng tôi sẽ chấm dứt mối quan hệ với tổ chức này và chuyển các khoản tiền đóng góp sang cho các tổ chức y tế khẩn cấp trên toàn cầu xứng đáng hơn”.
Trụ sở của WHO tại Geneva.
Những căng thẳng giữa Mỹ và WHO dâng cao từ khoảng giữa tháng 4, khi quốc gia tài trợ nhiều nhất cho WHO “lún sâu” vào cuộc khủng hoảng dịch COVID-19 với hàng nghìn người tử vong mỗi ngày, số ca bệnh COVID-19 tại Mỹ lên tới nửa triệu người. Thời điểm đó, Mỹ cáo buộc cách thức giải quyết đại dịch của WHO “chưa phù hợp”, nguyên nhân là do WHO có mối quan hệ gần gũi với Trung Quốc và tổ chức này “thiếu độc lập” trong các đánh giá về dịch bệnh xuất phát từ Trung Quốc khiến dịch bệnh lây lan ra khắp thế giới.
Ngày 18/5, Mỹ ra “tối hậu thư” cho WHO đòi hỏi cơ quan này phải có những cải cách kịp thời trong thời hạn 30 ngày. Nhưng khi thời hạn chỉ mới đi được 1/3 quãng đường, Mỹ đã quyết “chia tay” với tổ chức mà mình đã tham gia từ năm 1948.
Theo Người đứng đầu Nhà Trắng, Trung Quốc có toàn quyền kiểm soát WHO dù quốc gia này chỉ trả 40 triệu USD mỗi năm so với số tiền mà Mỹ đã bỏ ra, lên tới 450 triệu USD. Theo thống kê, trong giai đoạn từ năm 2018-2019, với 893 triệu USD dành cho WHO, có 3/4 là đóng góp tự nguyện, trong đó phần đóng góp của Mỹ chiếm tới gần 15% tổng số tiền đóng góp tự nguyện cho WHO trên toàn cầu.
Theo tờ Washington Post, phần lớn của số tiền đóng góp cho WHO là dành cho thanh toán bệnh bại liệt, hoặc các bệnh có thể phòng ngừa được bằng vắc-xin, hay bệnh sốt rét, lao, HIV/AIDS và cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản. Với quyết định chưa từng có tiền lệ của nhà lãnh đạo Mỹ chắc chắn sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới năng lực phản ứng với dịch bệnh COVID-19, cũng như các mối đe dọa y tế khác của WHO.
Mỹ mất nhiều hơn được khi “chia tay” WHO?
Quyết định này của Mỹ có thể khiến quốc gia này không phải tốn thêm hàng trăm triệu USD mỗi năm, tuy nhiên nó lại đang vấp phải sự phản đối mạnh mẽ không chỉ ở trong nước mà nhiều quốc gia, tổ chức trên thế giới. Chủ tịch Hiệp hội Y khoa Mỹ Patrice Harris cho biết, động thái này có thể khiến cuộc đào thoát khỏi cuộc khủng hoảng dịch COVID-19 của Mỹ trở nên khó khăn hơn. Chủ tịch Ủy ban Y tế Thượng viện Mỹ - Thượng nghị sĩ Lamar Alexander cho biết, điều này có thể ảnh hưởng đến nỗ lực phối hợp bào chế vắc-xin phòng COVID-19 cũng như các hoạt động của WHO liên quan đến các dịch bệnh khác có thể xâm nhập nước Mỹ. Các chuyên gia y tế toàn cầu cho rằng, lựa chọn của tổng thống rời khỏi cơ quan hàng đầu về y tế toàn cầu giữa cơn đại dịch là một quyết định nguy hiểm. TS. Howard Koh, cựu chuyên gia y tế của chính quyền Cựu Tổng thống Obama và hiện là giáo sư tại Harvard nói: “Quyết định này có thể sẽ khiến cuộc sống của người Mỹ gặp nguy hiểm”.
Ở khía cạnh khác, việc chia tay tổ chức này không thúc đẩy những cải cách tại WHO - điều mà Chính phủ Mỹ hằng mong đợi, ngược lại, còn tạo điều kiện để Trung Quốc có được tầm ảnh hưởng lớn hơn tại WHO sau khi Mỹ rút lui. Ngoài ra, nó còn làm cho hình ảnh nước Mỹ trở nên suy giảm trong mắt cộng đồng quốc tế.
TS. Tom Friden, cựu Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ thì lo ngại: “Mỹ tạo ra Tổ chức Y tế Thế giới và Mỹ lại đang quay lưng với chính tổ chức này, đồng nghĩa với việc chúng ta quay lưng lại với thế giới”. Điều đó làm cho Mỹ và thế giới đều mất an toàn.