Thông thường tuyến tụy sản xuất insulin, hormone giúp đường trong máu đi vào các tế bào trong cơ thể để sử dụng làm năng lượng.
Tuy nhiên, những người mắc bệnh đái tháo đường type 1 tạo ra ít/không có insulin. Khi thiếu hụt insulin, glucose sẽ tích tụ, gây mệt mỏi cực độ, mờ mắt, giảm cân và lú lẫn. Do đó cần phải bổ sung insulin hàng ngày để kiểm soát lượng đường trong máu.
Thống kê cho thấy, có 20-30% số bệnh nhân đái tháo đường type 2 cũng cần dùng insulin hằng ngày để kiểm soát đường huyết.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Cambridge (Anh) trước đây đã phát triển tuyến tụy nhân tạo chạy bằng một thuật toán có hiệu quả đối với những người mắc bệnh đái tháo đường type 1. Giờ đây, họ đã thử nghiệm hệ thống này ở những người mắc bệnh đái tháo đường type 2 cần chạy thận nhân tạo.
Tuyến tụy nhân tạo được thiết kế như một hệ thống phân phối insulin tự động bắt chước chức năng của tuyến tụy con người. Tụy nhân tạo cung cấp insulin bằng hệ thống vòng kín, bao gồm máy theo dõi đường huyết và máy bơm insulin. Thiết bị này dự đoán lượng insulin cần thiết để giữ lượng đường trong máu ở mức an toàn. Thiết bị có thể đeo trên người, bao gồm cảm biến lượng đường huyết, máy bơm insulin và cần có điện thoại thông minh để hệ thống hoạt động.
Trước đây, khi dùng trong bệnh đái tháo đường type 1, người dùng phải nhập thông tin nhiều lần trong ngày về thời gian, lượng thức ăn. Nhưng hiện tại, hệ thống mới dành cho những người mắc bệnh đái tháo đường type 2 là một vòng khép kín hoàn toàn. Điều này có nghĩa là người dùng không phải nhập bất kỳ thông tin nào.
Theo các nhà nghiên cứu, hệ thống này an toàn và hiệu quả hơn nhiều trong việc kiểm soát đường huyết của bệnh nhân đái tháo đường type 2, so với phương pháp điều trị bằng insulin tiêu chuẩn.
Ngoài ra, không ai trong nghiên cứu gặp phải tình trạng đường huyết thấp hoặc hạ đường huyết nguy hiểm. Cuộc sống của người bệnh được cải thiện: Không cần phải liên tục kiểm tra lượng đường trong máu, tiêm insulin hoặc uống thuốc.
Đây là thiết bị đầu tiên trên thế giới có thể thay thế việc tiêm insulin để kiểm soát lượng đường trong máu nhằm điều trị đái tháo đường type 2. Sự cải thiện trong kiểm soát đường huyết từ thiết bị này có thể làm giảm nguy cơ biến chứng ở mắt, thận và nguy cơ cắt cụt chi.
Tuy nhiên cần các nghiên cứu sâu hơn trước khi thiết bị này sẵn sàng ra mắt trên thị trường.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Mùa lạnh đừng để viêm phổi 'tấn công'