Tụt lợi không chỉ gây mất thẩm mỹ, mà còn gây ra những ảnh hưởng không tốt với răng
Tùy từng trường hợp người ta phân loại như sau:
- Giai đoạn 1: Tụt lợi chưa tới đường ranh giới lợi - niêm mạc miệng, mô quanh răng ở kẽ răng chưa bị tổn thương.
- Giai đoạn 2: Tụt lợi tới hoặc vượt qua đường nối lợi - niêm mạc miệng và mô quanh răng ở kẽ răng chưa bị tổn thương.
- Giai đoạn 3: Tụt lợi vượt qua đường ranh giới lợi - niêm mạc miệng, kèm theo mô quanh răng ở kẽ răng bị phá hủy.
- Giai đoạn 4: Là tụt lợi loại 3 cộng với răng bị lung lay, di chuyển do bệnh quanh răng.
Tụt lợi do đâu?
Thực tế vấn đề này nhiều người không biết khi nào, vì sao lại xảy ra tụt lợi.
Tụt lợi có thể do nguyên nhân sinh lý, bệnh lý, sang chấn hoặc kết hợp các nguyên nhân, sự khác biệt là ở mức độ. Có rất nhiều nguyên nhân và yếu tố nguy cơ dẫn đến tình trạng tụt lợi.
- Nguyên nhân tụt lợi do bệnh lý
Trong đó hay gặp là viêm quanh răng, bệnh lý nha chu là nguyên nhân thường gặp của tụt lợi. Đây là nguyên nhân cơ bản và phổ biến nhất của hiện tượng tụt lợi. Bệnh sẽ làm cho lợi răng bị sưng phồng, mềm, dễ chảy máu khi gặp các kích thích. Một số trường hợp còn có thể xuất hiện ổ mủ ở chân răng hoặc áp xe.
- Nguyên nhân tụt lợi do sang chấn
Tụt lợi có thể do chải răng sai kỹ thuật, làm sang chấn mòn lợi (lợi mỏng và thấp dần). Mặc dù chải răng quan trọng cho sự lành mạnh của lợi, nhưng chải răng không đúng kỹ thuật sẽ gây ra mòn lợi. Sang chấn khớp cắn là yếu tố thuận lợi làm trầm trọng tụt lợi, do tăng sinh biểu mô và viêm tại chỗ.
- Nguyên nhân tụt lợi do sinh lý
Tụt lợi sinh lý tăng theo tuổi, tuổi càng cao thì vấn đề tụt lợi các nhiều. Nghiên cứu cho thấy ở trẻ em và người trẻ tuổi vấn đề tụt lợi rất thấp, chỉ có khoảng 8%, nhưng đến lứa tuổi sau 50 thì gần như 100% có thể có biểu hiện tụt lợi. Một nghiên cứu cho thấy tụt lợi ở lứa tuổi 16 - 19 khoảng 10,4%; Tụt lợi ở lứa tuổi 20 - 24 là 24,8%; Tụt lợi ở lứa tuổi 35 - 44 chiếm khoảng 46,8%.
Ngoài ra, các nhà khoa học đã ghi nhận được các yếu tố thuận lợi về sinh lý và giải phẫu, có thể là nguyên nhân dẫn đến tình trạng tụt lợi.
Lớp xương ổ răng bao bọc bên ngoài chân răng quá ít, dễ bị tổn thương dẫn tới tụt lợi. Với những người có hàm răng mọc lệch, khớp cắn hô vẩu cũng hay gặp tình trạng tụt lợi.
Qua nhiều thống kê cho thấy, tụt lợi có thể do cha mẹ mắc bệnh và khả năng di truyền sang cho thế hệ con cháu khá cao. Vệ sinh răng miệng kém như: Lười chải răng hoặc chải răng quá vội vàng, không loại bỏ được hết các mảng bám sẽ khiến vi khuẩn tích tụ trên răng ngày càng nhiều. Điều này góp phần hình thành nhiều cao răng dẫn đến tụt lợi.
Những hậu quả khi bị tụt lợi
Tụt lợi chân răng có thể gây nhiều hậu quả ảnh hưởng nghiêm trọng đến răng, trong đó có thể làm bề mặt chân răng lộ ra, nên dễ bị sâu chân răng. Khi lộ ra sẽ bị mòn, chải răng làm lộ ngà răng, do đó răng tăng nhạy cảm khi bị kích thích.
Nếu tình trạng tụt lợi vượt quá bị co kéo trong các hoạt động chức năng nhai, nói làm bong lợi khỏi bề mặt răng, điều này tạo điều kiện cho mảng bám, thức ăn và vi khuẩn tích tụ, nhất là tụt lợi ở vùng kẽ răng.
Khi đó người bệnh sẽ có cảm giác ê buốt khi ăn nhai, rất khó chịu. Thức ăn dễ dàng bị giắt lại ở kẽ chân răng, dễ gây những bệnh lý khác. Sau đó vi khuẩn gây bệnh răng miệng sẽ lan đến các răng bên cạnh và nghiêm trọng có thể dẫn tới mất răng.
Vì vậy, khi có biểu hiện về vấn đề răng miệng như chải răng dễ chảy máu, tụt lợi... cần đến cơ sở y tế nha khoa được các bác sĩ thăm khám và điều trị.
Để phòng bệnh răng miệng cũng như tụt lợi, cần thường xuyên chải răng và dùng chỉ nha khoa, điều này sẽ giúp ngăn ngừa sự tích tụ của vi khuẩn và mảng bám. Do đó sẽ giúp ngăn ngừa viêm lợi và tụt lợi.
Nên chải răng hai lần một ngày bằng bàn chải lông mềm. Dùng chỉ nha khoa ít nhất một lần một ngày sau bữa ăn để lấy hết thức ăn ở kẽ răng, làm giảm bệnh nướu răng và mảng bám.
Cần đi khám nha khoa ít nhất một lần hoặc hai lần trong một năm. Có thể yêu cầu khám thêm tùy thuộc vào sức khỏe răng miệng và nhu cầu của mỗi người.
Mời độc giả xem thêm video:
Những Bài Thuốc Chữa Viêm Lợi