Vì lẽ đó, để “cứu” và hồi sinh nghệ thuật truyền thống, giới làm nghề phải nỗ lực và tìm ra nhiều giải pháp thiết thực. Trong đó, nghệ thuật tuồng đã xuống...phố để phục vụ khán giả.
Giá trị cùng những âu lo
Nghệ thuật tuồng là một di sản văn hóa quý giá của dân tộc, được hình thành, gìn giữ và phát triển nhiều thế kỷ qua. Tuồng là nghệ thuật sân khấu kết hợp ca kịch với vũ đạo, mang nhiều bản sắc dân tộc. Không như các loại hình sân khấu khác, nội dung tác phẩm tuồng thường mang âm hưởng hùng tráng với những tấm gương tận trung báo quốc, xả thân vì đại nghĩa, những bài học về lẽ ứng xử của con người giữa cái chung và cái riêng, giữa gia đình và Tổ quốc...
Ra đời sớm và có nhiều giá trị, tuy nhiên, nghệ thuật tuồng qua thời gian có dấu hiệu mai một vì nhiều loại hình giải trí thời đại được du nhập, mở ra ở nước ta. Bên cạnh đó, sân khấu tuồng thiếu lớp người kế cận, người làm nghề thu nhập thấp lại phải làm công việc khác để mưu sinh nên công tác bảo tồn, phát triển bộ môn nghệ thuật này càng khó khăn hơn. NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam từng chia sẻ, các đơn vị nghệ thuật tuồng hiện nay chủ yếu chạy “sô” biểu diễn trong các lễ hội, nghi thức hành lễ với dàn trống, dâng hương chứ ít có cơ hội biểu diễn một vở trọn vẹn.
Đại diện Nhà hát Tuồng Việt Nam cho biết, tại Rạp hát Hồng Hà (Hà Nội) nằm ngay khu phố cổ, các nghệ sĩ vẫn có các đêm diễn trong tuần để phục vụ khách du lịch, với các trích đoạn tuồng cổ đặc sắc: Ông già cõng vợ đi xem hội, Nhã nhạc cung đình Huế, Múa Lân mẹ đẻ lân con, Hồ Nguyệt Cô hóa cáo... nhưng chỉ là cho khách nước ngoài, trong khi đó khán giả Việt dường như rất ít. Chính vì điều này, nguy cơ nghệ thuật tuồng truyền thống bị thất truyền hiện trước mắt. Và để “cứu” tuồng, các nghệ sĩ luôn trăn trở nhằm tìm ra hướng đi mới lạ, độc đáo, thiết thực nhất!
Cảnh trong một trích đoạn tuồng được các nghệ sĩ biểu diễn miễn phí bên bờ sông Hàn (Đà Nẵng).
Và đưa tuồng xuống phố
Khi các nhà hát biểu diễn tuồng trong nhà hát không mấy hiệu quả, để “cứu” tuồng, các nghệ sĩ đã chủ động đưa nghệ thuật này xuống phố nhằm bảo tồn và phát triển di sản quý của đất nước. Tại Hà Nội, thời gian qua ở khu phố cổ cạnh bờ hồ Hoàn Kiếm, Nhà hát Tuồng Việt Nam đã đem các trích đoạn tuồng giới thiệu đến du khách trong và ngoài nước vào các tối thứ 6, chủ nhật. Hơn một năm qua, trước ngôi nhà 64 phố Mã Mây, các nghệ sĩ của Nhà hát Tuồng Việt Nam đã diễn các tiết mục âm nhạc truyền thống và các trích đoạn tuồng quen thuộc như: Hồ Nguyệt Cô hóa cáo, Châu Sáng qua sông, Lưu Kim Đính, Ôn Đình chém Tá... Dù biểu diễn phục vụ miễn phí nhưng sự chuẩn bị về âm thanh, ánh sáng luôn đảm bảo sự chuyên nghiệp. Điều đáng mừng, các buổi diễn trên phố của Nhà hát Tuồng Việt Nam luôn có đông đảo khán giả, qua đó tạo sự tương tác giữa người làm nghề, nghệ thuật truyền thống với khán giả. Quan trọng hơn, từ những buổi diễn trên phố, nghệ thuật tuồng tạo ra không gian văn hóa lành mạnh, khơi dậy sức sống và thắp lửa cho nghệ thuật tuồng tiếp tục phát triển.
Trong khi đó, tại Đà Nẵng, tối chủ nhật hàng tuần, tại Công viên bờ Đông sông Hàn, Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh cũng tổ chức biểu diễn nghệ thuật tuồng miễn phí cho tất cả người dân cũng như khách du lịch. Trên sân khấu, các diễn viên cháy hết mình, âm thanh lan ra đầy màu sắc. Đặc biệt, bên cạnh việc biểu diễn, các nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Nguyễn Hiển Dĩnh còn quảng bá nghệ thuật sân khấu tuồng tới khán giả bằng cách trang điểm và đeo mặt nạ ngay tại sân khấu, giới thiệu cách hóa trang trong nghệ thuật tuồng, dịch vụ vẽ mặt nạ tuồng, cho thuê phục trang và chụp hình có thu phí...Sau các buổi biểu diễn, theo NSƯT Trần Ngọc Tuấn - Giám đốc Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh: “Số lượng khán giả đến xem biểu diễn ngày càng tăng lên, chất lượng biểu diễn tốt hơn và đã quảng bá được nghệ thuật tuồng đến rất nhiều khách du lịch trong nước, đặc biệt là du khách nước ngoài”.
Dù đã có những bước chuyển biến trong việc bảo tồn, phát triển nghệ thuật tuồng kể trên, song theo các chuyên gia, để tuồng thực sự có sức sống trọn vẹn thì chúng ta cần tiếp tục đưa nghệ thuật tuồng vào các cơ sở đào tạo phổ thông, duy trì và gây dựng lớp khán giả cho tuồng, phát triển hoạt động nghệ thuật tuồng không chuyên. Bên cạnh đó, chúng ta cần có chính sách đãi ngộ đối với nghệ sĩ, diễn viên tuồng; đưa nghệ thuật tuồng thành sản phẩm du lịch để bộ môn nghệ thuật này lan tỏa trong đời sống văn hóa, xã hội.