Chất LSD (lysergic acid diethylamide) được nhà hóa học Albert Hoffman (1900 - 2008) làm việc tại phòng thí nghiệm của các hãng dược phẩm Sandoz (nay là Novartis) tại thành phố Basel (Thụy Sĩ) tổng hợp năm 1938, trong chương trình ứng dụng chất lysergic acid vào chữa trị bệnh.
Chất LSD - công cụ hữu ích?
Albert Hoffman. |
Thời kỳ huy hoàng của LSD
Trong số vài trăm loại ma túy khác nhau được chia thành 5 nhóm thì LSD được xếp vào loại gây cảm giác hư ảo, làm sai lệch về không gian, thời gian, cùng loại với cần sa. LSD rất dễ tan trong nước, không màu, không mùi, không vị, hấp thu nhanh sau khi uống và liều dùng rất thấp (vài microgam).
Có tài liệu nói LSD không phải là chất gây ảo giác mà nó làm thay đổi sự cảm nhận và đánh giá thực tế. Nó gây tác dụng giống như một số chất kích thích thần kinh, có trong tự nhiên ở một số nấm và loại xương rồng: Lophora Williamsi và Anha (còn gọi là xương rồng trứng, có nhiều ở sa mạc Chihuahua - Mexico - được coi là nguồn chiết xuất chất mescalin). Mescalin là chất gây cho người dùng trạng thái ngây ngất nên các phù thủy ở Mexico khi hành lễ thường nhai xương rồng để có cảm giác xuất thần, tạo sự tin tưởng về thần linh nơi dân chúng, nhưng tác dụng của mescalin nhẹ hơn nhiều so với LSD (nên các dân nghiện ma túy thường pha thêm vào mescalin một số chất phụ gia nhằm làm tăng độ phê). Sau khi uống LSD, thấy có cảm giác bay bổng, nhiều ý nghĩ độc đáo xuất hiện khi nhìn nhận thấy màu sắc chói lọi, rực rỡ hơn, hít thở mùi hương nồng nàn, quyến rũ hơn... Từ đó, tạo cho người dùng LSD những “sáng tạo phi thường”. Các văn nghệ sĩ, các thanh niên hippy là những đệ tử thân thuộc của nó. Từ ca sĩ Paul - Mc Cartney - thành viên chủ chốt của ban nhạc huyền thoại Beatles (Anh) những năm 1960 - thừa nhận công khai là thường xuyên dùng LSD đến thi sĩ Allen Ginsberg và sau này là Tom Wolfe - tác giả của tiểu thuyết thử nghiệm với LSD, một trong những cuốn sách được giới trẻ thời kỳ đó coi là sách “gối đầu giường”. LSD đã trở thành biểu tượng của thập kỷ 60 thuộc thế kỷ 20. Tiếc thay, nó là chất ma túy nên tác hại không nhỏ: lúc đầu LSD làm tăng hàm lượng serotonin, chất kích thích khoái cảm, nhưng lập tức nó sẽ tấn công hệ thần kinh trung ương và gây ức chế kinh niên. Người nghiện LSD thường rủ rê người khác: “LSD giúp ta khám phá một thế giới mới lạ” nhưng hậu quả cuối cùng nếu lạm dụng sẽ bị rối loạn tâm thần hoặc tâm thần phân liệt hoặc nhiều phản ứng khó chịu khác gây hậu họa khó lường (bị tai nạn giao thông hoặc tai nạn lao động), dễ bị kích động có những hành vi nguy hiểm. Riêng đối với thai phụ nếu dùng LSD sẽ bị hư thai.
Sau này, vào những năm 1980, sự ra đời đủ loại dẫn chất của amphetamin (MDMA, MDEA, MBDB, MDE) dưới tên chung là ectasy, mang lại cho người dùng năng lực siêu nhiên, được giới trẻ rất ưa chuộng vì giúp cho họ dư thừa khả năng nhảy nhót thâu đêm nên LSD bị chìm dần vào dĩ vãng sau giai đoạn oanh liệt.
CIA che giấu các cuộc thử nghiệm LSD?
Ròng rã nhiều thập niên, CIA đã tìm mọi cách che giấu các cuộc thử nghiệm ma túy - trong đó có LSD - trên nhiều đối tượng mà không cần sự đồng ý của người bị thử. Đã có nhiều vụ kiện cáo xảy ra. Là một họa sĩ tài năng, từng có tranh được treo tại Viện bảo tàng nổi tiếng Metropolitan (New York - Mỹ), Stanley Glickman (Mỹ), một buổi chiều cuối năm 1952, đã vô tình uống một cốc rượu Chartrucse ngọt tại một quán cà phê ở Paris (Pháp), do một người quen mời. Sau đó, anh rơi vào tình trạng hoang tưởng trầm trọng, đất trời tưởng như sụp đổ, phải nằm chữa trị tại một bệnh viện ở Pháp dài ngày nhưng mọi thứ vẫn cứ rối tung trong đầu óc Glickman, kéo dài cho đến hết cuộc đời (1992), mãi mãi anh vẫn chỉ là một người ngớ ngẩn và cánh cửa nghệ thuật khép kín lại với anh từ buổi chiều bất hạnh đó. Sau này, gia đình Glickman mới biết CIA có công trình MK ultra nhằm thử nghiệm những hậu quả của các loại thuốc gây hoang tưởng, để chuẩn bị điều kiện kỹ lưỡng và sẵn sàng chống lại các cuộc tấn công bằng ma túy của Liên Xô, nếu chúng diễn ra.
Từ những năm 1950, sau công bố của A.Hoffman, CIA đã quan tâm tới LSD, đã ép hãng dược phẩm Sandoz phải báo cáo chi tiết tình trạng sản xuất LSD và khống chế đầu ra, sau này vào năm 1973, CIA đã cho tiêu hủy toàn bộ hồ sơ của công trình này.
Gia đình Glickman, cho rằng anh bị một điệp viên CIA, ngày hôm đó đã trộn vào cốc rượu một lượng LSD quá lớn khiến cho hệ thần kinh của Glickman bị hủy hoại trầm trọng, nên đã đưa đơn kiện. Chính phủ Mỹ đã từng phải bồi thường hơn 1 triệu đô-la cho một nhóm người Canada từng là nạn nhân của việc thử LSD nhưng chưa chịu chấp nhận vụ việc của Glickman, nên mọi chuyện còn đang tranh cãi.
Năm 2000, một tài liệu mật (đã hết thời hạn) được công bố ở Mỹ, là CIA, trong những năm 1950-1960 đã từng nghiên cứu nhiều phương án hãm hại nhà lãnh đạo Cuba: Fidel Castro. Trong đó, có việc phát tán một hỗn hợp chất ma túy - chủ yếu là LSD - vào nơi mà Castro thường diễn thuyết trước nhân dân. Dưới tác dụng của LSD, hy vọng sẽ làm cho Castro bị ảo giác, rối loạn suy nghĩ, dẫn tới nói năng lung tung và bị mất uy tín. Rất tiêc, điệp vụ bất khả thi.
Phạm Nga