Hà Nội

Tương tác xã hội giúp bảo vệ trí nhớ

12-08-2021 12:00 | Y học 360
google news

Hoạt động xã hội, đặc biệt ở giai đoạn tuổi trung niên mang lại nhiều lợi ích về sức khỏe tinh thần và thể chất. Một nghiên cứu mới tiết lộ rằng sự tương tác xã hội có thể bảo vệ chống lại sự suy giảm nhận thức.

photo-1628675151759

Ý tưởng một đời sống xã hội phong phú có thể giúp bảo vệ sức khỏe của một cá nhân hoàn toàn không phải là một ý tưởng mới.

Quan niệm cho rằng những người lớn tuổi giữ liên lạc chặt chẽ với bạn bè không những giữ được trí nhớ tốt hơn mà còn duy trì các khả năng nhận thức khác trong thời gian dài hơn so với những người sống cô độc.

Câu hỏi được đặt ra là "Liệu sự tương tác lẫn nhau bảo vệ chức năng nhận thức, hay những người bị suy giảm trí nhớ có xu hướng xa lánh các hoạt động xã hội?"

Các nhà nghiên cứu từ Đại học Bang Ohio ở Columbus đã quyết định cố gắng làm rõ vấn đề này. Để làm như vậy, họ đã làm việc với một mô hình chuột, nhưng họ không áp dụng cách tiếp cận giống như các nghiên cứu trước đây khi làm việc với loài gặm nhấm.

Trong nghiên cứu trước đây với các mô hình chuột, các nhà nghiên cứu đã cho một số loài động vật có nhiều cơ hội để tương tác với môi trường trong khi một số khác khác có ít cơ hội hơn.

Ở mô hình mới, trưởng nhóm nghiên cứu Elizabeth Kirby và các đồng nghiệp của cô đã làm việc với những con chuột có tuổi được nuôi theo nhóm hoặc theo cặp, nhưng tất cả chúng đều có cơ hội học hỏi và khám phá như nhau.

Nhóm nghiên cứu giải thích, những mô hình này cho phép họ xác định được sự khác biệt giữa các mô hình trong việc ảnh hưởng trí nhớ qua các hoạt động kết nối xã hội.

"Nghiên cứu của chúng tôi," Kirby giải thích, "cho thấy rằng chỉ cần có một mạng xã hội lớn hơn có thể ảnh hưởng tích cực đến bộ não lão hóa." Kết quả của nhóm hiện đã được công bố trên tạp chí Frontiers in Aging Neuroscience

Tương tác càng nhiều trí nhớ càng tốt

Nhóm nghiên cứu đã làm việc với những con chuột từ 15–18 tháng tuổi. Khi đó, não bộ của chúng bắt đầu lão hóa và khả năng nhận thức bắt đầu suy giảm. Những con vật được nuôi theo cặp được coi là "mô hình cặp vợ chồng già".

Những con chuột khác "ở chung" với sáu loài gặm nhấm khác, buộc chúng phải tương tác nhiều hơn và ở mức độ phức tạp hơn. Tất cả các động vật được tiếp xúc với các điều kiện giống trong nhà trong thời gian 3 tháng.

Sau đó, kiểm tra xem những con chuột nào hoạt động tốt hơn về khả năng học tập và trí nhớ, các nhà nghiên cứu đã cho tất cả chúng tiếp xúc với một số bài kiểm tra đa dạng.

Một bài kiểm tra dùng đánh giá khả năng ghi nhớ các chi tiết nhỏ của các con chuột bằng cách đặt một món đồ chơi ở đâu đó trong môi trường xung quanh chúng. Sau một thời gian, đồ chơi sẽ được chuyển đến một vị trí hơi khác. Và thông thường, những con chuột khỏe mạnh về nhận thức sẽ nhận thấy điều này và tìm lại đồ chơi sau khi di dời.

Nhưng, Kirby nói, "Với những con chuột sống thành cặp, chúng không hề biết rằng đồ chơi đã di chuyển trong khi các con chuột sống theo nhóm phát hiện được điều này và bắt đầu đi tìm kiếm".

Hồi hải mã hoạt động tích cực hơn

Một bài kiểm tra khác là một bài tập trí nhớ kiểu mê cung, trong đó tất cả các con chuột được đặt xuống một bề mặt tròn và sáng rực với các lỗ. Các lỗ tối hơn biểu thị các đường hầm thoát hiểm an toàn, kín đáo và thông thường, chuột sẽ tìm kiếm những lỗ đó.

Sau nhiều lần tiếp xúc với tình huống này, những con chuột khỏe mạnh về nhận thức sẽ ghi nhớ vị trí của "các đường thoát" và không tốn thời gian tìm kiếm chúng khi cần thiết.

Trong trường hợp này, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng cả chuột sống theo nhóm và chuột sống theo cặp đều cố gắng phát triển các kế hoạch tìm kiếm "lối thoát" tốt hơn, đặc biệt khi chúng thực hiện lại thử nghiệm này nhiều lần.

Tuy nhiên, trong khi những con chuột sống theo nhóm, bằng cách thực hành, đã tìm ra các lỗ tối nhanh hơn nhiều - cho thấy rằng chúng đã ghi nhớ vị trí của mình - điều này không được thấy ở những con vật sống theo cặp.

Những con chuột sống cô độc liên tục tìm kiếm và tìm kiếm mỗi lần, như thể chúng đã không thể tìm hiểu vị trí của "các lối thoát" và luôn phải bắt đầu khám phá từ đầu.

Trong suốt nhiều ngày, những con chuột sống thành cặp đã phát triển một chiến lược tìm kiếm hàng loạt, nơi chúng kiểm tra mọi lỗ càng nhanh càng tốt, "Kirby giải thích. Nó giống như đi bộ nhanh nhất có thể qua từng dãy của bãi đậu xe để tìm xe của bạn hơn là cố gắng nhớ xe của bạn thực sự ở đâu và đi bộ đến điểm đó," cô nói thêm.

Mặt khác, hành vi thể hiện của những con vật sống trong nhóm phù hợp với những gì những con chuột khỏe mạnh, trẻ hơn có thể làm khi tiếp xúc với một tình huống tương tự.

"Và điều đó cho chúng tôi biết," cô ấy nói, "rằng nó đang sử dụng hồi hải mã, một vùng não thực sự quan trọng đối với chức năng ghi nhớ".

Nơi sống ở tuổi trung niên rất quan trọng

Kirby và nhóm nghiên cứu lưu ý rằng, ở người cũng như chuột, trí nhớ có xu hướng suy giảm tự nhiên theo tuổi tác. Nhưng tương tác xã hội thường xuyên bảo vệ não khỏi tác động này.

Điều này được nhận thấy rõ ràng khi các nhà nghiên cứu kiểm tra não của những con chuột được nuôi theo cặp so với não của những con chuột được nuôi theo nhóm. Trước đây, họ đã tìm thấy bằng chứng về quá trình viêm, phù hợp với sự thoái hóa thần kinh.

Ngược lại, "Những con chuột sống theo nhóm có ít dấu hiệu của chứng viêm này hơn, có nghĩa là não của chúng trông không ‘già ’như những con sống theo cặp," Kirby giải thích.

Dựa trên những phát hiện này, nhóm nghiên cứu nhấn mạnh rằng điều quan trọng là mọi người phải đưa ra quyết định sáng suốt về nơi mình sống khi lớn tuổi, vì lựa chọn chỗ ở có thể tạo thuận lợi cho các hoạt động xã hội hoặc cản trở các cá nhân duy trì một cuộc sống xã hội phong phú.

Kirby nói: "Điều cơ bản như lái xe hoặc đi bộ đến nhà bạn bè mất bao lâu cũng có thể tạo ra sự khác biệt lớn khi chúng ta già đi, rất nhiều người cuối cùng bị cô lập không phải do lựa chọn, mà là do hoàn cảnh. "Băng rừng lội suối" có thể là thú vị đối với bọn trẻ, nhưng có lẽ nó không tuyệt vời lắm đối với ông bà".


BSCKII Tống Mai Trang
Khoa Thần kinh - Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM
Ý kiến của bạn