Tương tác thuốc - Nguy hiểm khôn lường nếu không biết cách phòng tránh

12-08-2021 19:00 | An toàn dùng thuốc

SKĐS - Nắm được các tương tác thuốc bất lợi, có thể tránh được nhiều hệ lụy có thể xảy ra…

Tương tác thuốc xảy ra khi nhiều thuốc được sử dụng đồng thời trên người bệnh.

Hiện nay, tỷ lệ người dân mắc các bệnh về chuyển hoá, các bệnh không nhiễm trùng, các bệnh mạn tính ngày càng nhiều. Kéo theo là việc phải dùng các loại thuốc điều trị, đặc biệt là những người mắc đồng thời nhiều bệnh lý. Do đó, khó tránh khỏi các tương tác thuốc bất lợi. 

Tương tác thuốc - Vấn đề thường gặp

Tương tác thuốc là hiện tượng thay đổi tác dụng dược lý hoặc độc tính của một thuốc khi được sử dụng đồng thời với thuốc khác hoặc dược liệu, thức ăn, đồ uống hoặc có thể là với một tác nhân hóa học khác. Tương tác thuốc là vấn đề thường gặp trong thực hành lâm sàng được xem như là một nguyên nhân kéo dài thời gian nằm viện, giảm hiệu quả điều trị và tăng chi phí điều trị.

Tương tác thuốc (TTT) có thể có lợi nếu biết phối hợp đúng cách. Ngược lại, tương tác thuốc cũng có thể là nguyên nhân làm giảm hiệu quả điều trị, tăng cường tác dụng phụ của thuốc, thay đổi kết quả xét nghiệm. Nghiêm trọng hơn, có thể dẫn đến các tai biến nguy hiểm, thậm chí dẫn đến tử vong.

Tương tác thuốc và thực phẩm

Ảnh hưởng của đồ ăn đến thuốc

Thức ăn gây ảnh hưởng đến dược động học của thuốc: Làm thay đổi hấp thu, phân bố, chuyển hóa, thải trừ; thay đổi tác dụng và độc tính thuốc… Thức ăn làm thay đổi thời gian rỗng của dạ dày, làm cản trở sự di chuyển của thuốc trong lòng ruột, làm hoạt hóa hệ thống enzym vận chuyển thuốc qua thành ruột.

photo-1628750089343

Thực phẩm cũng gây ảnh hưởng đến thuốc.

Các hợp phần thức ăn như nhiều đường, giàu chất béo, nhiều muối hoặc quá chua đều cản trở sự di chuyển của khối thức ăn từ dại dày xuống ruột. Điều đó làm ảnh hưởng không tốt đến những thuốc kém bền trong môi trường acid dịch vị, làm chậm hấp thu ở ruột non. Một số thuốc nếu dùng kéo dài sẽ ảnh hưởng tới sinh lý ống tiêu hóa, ảnh hưởng đến hấp thu chất dinh dưỡng, ảnh hưởng tới sức khỏe.

Ảnh hưởng của đồ uống đến thuốc

Trong mọi trường hợp nước là đồ uống thích hợp cho các loại thuốc vì nước không gây tương kỵ khi hòa tan. Nước dễ làm trôi thuốc xuống dạ dày, tránh mắc lại ở thực quản, giảm được tác dụng gây kích thích. Bên cạnh đó nước còn làm tăng độ hòa tan thuốc hấp thu tốt hơn, làm thuốc bài xuất nhanh qua thận sẽ làm giảm độc tính, giảm tạo sỏi thận của một số thuốc.

Tuy nhiên, không dùng nước hoa quả, nước khoáng kiềm, nước ngọt đóng chai có gas để uống thuốc. Bởi các loại nước này sẽ làm hỏng thuốc, làm thuốc hấp thu nhanh, đôi khi gây độc nguy hiểm. Không dùng sữa, cà phê, chè, rượu bia để uống thuốc. 

Trong sữa có calci caseinat nên tạo phức chelat với thuốc làm giảm hấp thu. Cà phê, nước chè có nhiều tanin gây kết tủa nhiều thuốc là alcaloid, thuốc có chứa đồng, sắt và các yếu tố vi lượng khác. Rượu bia có tác dụng dược lý riêng, có khả năng hòa tan nhiều dược chất nên có thể gây độc khi dùng đồng thời với một số thuốc.

Tương tác thuốc – thuốc

Việc phối hợp thuốc trong điều trị là một thực tế không thể tránh khỏi và trong nhiều trường hợp lại rất cần thiết. Tương tác thuốc là hiện tượng xảy ra khi nhiều thuốc được sử dụng đồng thời trên người bệnh. Sự phối hợp này làm thay đổi tác dụng hoặc độc tính của một trong các thuốc đó. Trong đa số trường hợp người thầy thuốc chủ động phối hợp thuốc nhằm lợi dụng tương tác thuốc theo hướng có lợi đẻ tăng hiệu quả điều trị, giảm tác dụng phụ hoặc để giải độc thuốc.

photo-1628750091133

Tương tác thuốc xảy ra khi nhiều thuốc được sử dụng đồng thời trên người bệnh.

Tuy nhiên, trong thực tế điều trị có những tình huống hoàn toàn bất ngờ: Cùng một thuốc ở mức liều điều trị mà khi phối hợp với thuốc này lại giảm hoặc mất tác dụng. Ngược lại, dùng với thuốc kia thì lại xảy ra ngộ độc.

Khi phối hợp từ hai thuốc trở lên đều có nguy cơ xảy ra tương tác dược lực học. Nguyên nhân là do cạnh tranh tại vị trí tác dụng hoặc tác dụng trên cùng một hệ thống sinh lý và tương tác dược động học do thay đổi hấp thu tại vị trí đưa thuốc, thay đổi phân bố của thuốc trong cơ thể, thay đổi chuyển hóa của thuốc tại gan, thay đổi bài xuất thuốc qua thận. Tỷ lệ tương tác thuốc tăng theo cấp số nhân với số lượng thuốc phối hợp.

Làm thế nào tránh tương tác thuốc?

Để tránh tương tác thuốc, cần thực hiện:

Với bệnh nhân

Khi dùng thuốc phải tuân thủ triệt để chỉ định và những hướng dẫn sử dụng thuốc về liều dùng, thời điểm dùng thuốc trong ngày, khoảng cách giữa các lần dùng thuốc… của thầy thuốc

Với các bác sĩ, dược sĩ

Khi đánh giá bất kỳ tương tác thuốc nào, phải xem xét tương tác đó có ý nghĩa trên lâm sàng hay không. Mức độ này phụ thuộc loại và mức độ của tương tác, từ đó đề ra kế hoạch theo dõi bệnh nhân hoặc thay đổi phác đồ để tránh tương tác có hại trên bệnh nhân. Các yếu tố chính xác định ý nghĩa lâm sàng bao gồm: Mức độ ý nghĩa, thời điểm khởi phát tương tác bắt đầu từ thời điểm dùng; mức độ nghiêm trọng của tương tác và bằng chứng lâm sàng.

Xử trí tương tác thuốc thế nào?

Tương tác thuốc không phải lúc nào cũng nghiêm trọng. Đôi khi chỉ cần chú ý thận trọng đặc biệt cũng đủ làm giảm nguy cơ (theo dõi điều trị về mặt sinh học, dùng liều thích hợp, phân bố các lần dùng thuốc, hướng dẫn người bệnh tự theo dõi khi dùng thuốc, cung cấp thông tin cho người bệnh về tự dùng thuốc...).

Một vài cách xử lí tương tác thuốc thường được áp dụng như: Thay thuốc khác không có hoặc có tương tác mức độ thấp hơn; theo dõi nồng độ của một thuốc (trong các thuốc) trong huyết tương; điều chỉnh liều khi có sự tăng hoặc giảm tác dụng của một thuốc hoặc là thay đổi đường dùng của một thuốc này hay thuốc khác.

Hiện nay, cùng với sự ra đời của nhiều loại thuốc mới, các tương tác được mô tả ngày càng nhiều. Vấn đề phát hiện và đánh giá tương tác trong kê đơn là rất cần thiết. Đã có nhiều phần mềm kiểm tra tương tác uy tín cũng như các tài liệu tham khảo về tương tác thuốc được ra đời và liên tục được cập nhật. Trong thực hành kê đơn và hướng dẫn sử dụng thuốc cần chú ý áp dụng để tránh các sai lầm đáng tiếc có thể xảy ra.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Trẻ em mắc COVID-19 cần lưu ý đặc biệt gì khi chăm sóc

DSCK1. Nguyễn Trọng Dự
Ý kiến của bạn