Khi một bệnh nhân đồng thời sử dụng hai hay nhiều loại thuốc, có thể dẫn tới hiện tượng các thuốc làm tăng, giảm hoặc mất tác dụng và độc tính của nhau. Hiện tượng này được gọi là tương tác thuốc hoặc giao thoa thuốc.
Dùng nhiều thuốc dễ gây ra tương tác bất lợi. |
Cơ chế của tương tác thuốc nói chung có thể được phân chia như sau: về dược động học bao gồm các tương tác xảy ra trong quá trình hấp thu, phân bố, chuyển hóa và thải trừ của thuốc; về dược lực học và sự kết hợp tăng độc tính.
Quá trình hấp thu thuốc ở dạ dày có thể bị ảnh hưởng do sử dụng nhiều loại thuốc cùng một lúc cho một bệnh nhân. Các thuốc có thể ảnh hưởng tới diện hấp thu của thuốc, gắn với nhau hoặc làm thay đổi nhu động của đường tiêu hoá, do đó làm tăng hay giảm hấp thu của nhau. Ví dụ, khi sử dụng các thuốc kháng acid trong chữa bệnh loét dạ dày có thể làm giảm hấp thu của nhiều thuốc khác. Bởi vậy trong trường hợp cần thiết thì hai loại thuốc phải được chỉ định dùng xa nhau.
Sự phân phối thuốc ở máu và tổ chức cũng có thể là nơi của nhiều tương tác quan trọng. Các thuốc có thể cạnh tranh với nhau tại các vị trí gắn ở protein huyết tương hoặc ở tổ chức làm cho phần tự do của thuốc bị đẩy tăng lên, làm thay đổi tác dụng và độc tính. Ví dụ, khi sử dụng đồng thời phenylbutazol với một thuốc chống đông cumarin có thể gây chảy máu nghiêm trọng.
Chuyển hóa của một thuốc trong cơ thể có thể bị kích thích hay ức chế bởi một thuốc khác, qua hệ thống enzym chuyển hóa thuốc ở microsom gan dẫn tới tăng hoặc giảm chuyển hoá và ảnh hưởng tới tác dụng và độc tính của thuốc. Nhiều thuốc đã biết có tác dụng ức chế chuyển hoá của các thuốc khác qua gan như cloramphenicol, cimetidin, isoniazid, metronidazol... do đó có thể làm kéo dài tác dụng và độc tính của thuốc khác.
Bài tiết một thuốc khác qua thận cũng có thể bị ảnh hưởng nếu dùng cùng với một thuốc khác. Ví dụ, sự bài tiết các thuốc là acid hoặc bazơ yếu qua thận sẽ bị thay đổi, nếu dùng cùng các thuốc đó có thể làm thay đổi pH của nước tiểu. Hoặc việc sử dụng penicillin cùng với probenecid sẽ làm giảm thải trừ penicillin qua thận do có sự cạnh tranh tại ống thận, làm kéo dài tác dụng của penicillin...
Cơ chế dược lực học có thể giải thích được một số tương tác thuốc trong lâm sàng. Khi dùng cùng hai loại thuốc có tác dụng tương tự nhau có thể thu được tác dụng hiệp đồng cộng hoặc hiệp đồng tăng mức (như cotrimaxazol). Trái lại, khi dùng đồng thời hai thuốc có tác dụng dược lý ngược nhau có thể làm giảm hiệu lực của một hoặc cả hai thuốc.
Khi sử dụng đồng thời hai hay nhiều loại thuốc có cùng độc tính với một cơ quan nào đó thường dẫn tới tổn thương nặng nề cho cơ quan đó. Hơn nữa, các thuốc bản thân nó không có độc tính cho một cơ quan (thận chẳng hạn) nhưng khi dùng cùng với một thuốc khác có thể dẫn tới gây độc với thận...
Các cơ chế trên đã giải thích được nhiều tương tác thuốc trong lâm sàng, giúp thầy thuốc phòng tránh được một số kết hợp thuốc nguy hiểm. Tuy vậy, còn rất nhiều tương tác khó có thể đoán trước được với những cơ chế còn chưa sáng tỏ hoàn toàn. Vì những lý do trên, có lẽ giải pháp tốt nhất để tránh các tương tác thuốc có hại vẫn là việc sử dụng càng ít loại thuốc càng tốt cho mỗi lần kê đơn.
BS. Nguyễn Văn Hùng