1. Vì sao có tương tác thuốc với thức ăn?
Thức ăn làm thay đổi thời gian rỗng của dạ dày. Nếu uống thuốc lúc đói thuốc chỉ lưu lại dạ dày chừng 10-30 phút rồi thuốc được đẩy ngay xuống ruột. Trái lại nếu uống thuốc sau bữa ăn, thời gian lưu lại dạ dày của thuốc có thể từ 1-4 giờ. Điều này ảnh hưởng tới sinh khả dụng của nhiều thuốc. Do đó, tùy vào đặc tính của mỗi loại thuốc mà cần uống thuốc trước bữa ăn hay sau bữa ăn mới phát huy hiệu quả và tránh tác dụng bất lợi.
Thức ăn kích thích sự tiết mật, đặc biệt là thức ăn giàu chất béo. Điều này sẽ có lợi cho việc hấp thu các thuốc có bản chất là các hợp phần dinh dưỡng như các vitamin, glucose, acid amin, các muối khoáng… sẽ dễ dàng hơn.
Các thành phần thức ăn cũng ảnh hưởng đến hấp thu thuốc. Ví dụ bữa ăn giàu chất béo, quá nhiều đường, quá mặn hoặc quá chua đều cản trở sự di chuyển của khối thức ăn từ dạ dày xuống ruột. Điều này sẽ ảnh hưởng không tốt đến các thuốc kém bền trong môi trường acid của dạ dày và làm chậm sự di chuyển của thuốc đến vị trí hấp thu tối ưu là ruột non.
2. Các thức ăn có thể tương tác bất lợi với thuốc
- Thức ăn chứa nhiều tyramin: Đó là các thực phẩm như phomat, chuối, bia, gan gà, gan ngỗng, rượu vang đỏ... Nếu ăn nhiều thức ăn loại này khi đang điều trị bằng các thuốc loại IMAO (nialamid, iproniazid...) thì có thể gây tác dụng phụ như nhanh nhịp tim, tăng huyết áp.
- Thức ăn chứa nhiều vitamin K: Như các loại bắp cải, súp lơ, rau có lá màu xanh, cà chua, đậu quả... sẽ cản trở tác dụng của các loại thuốc chống đông máu dạng uống (warfarin, dicoumarol).
- Chế độ ăn mặn - nhạt: Thức ăn mặn nghĩa là có nhiều muối ăn. Lượng muối cao sẽ ảnh hưởng đến tác dụng giữ nước, gây phù khi điều trị corticoid. Vì thế nếu đang sử dụng corticoid thì cần ăn nhạt hơn.
Trái lại, khi đang sử dụng thuốc có chứa lithi để điều trị các bệnh lý thần kinh, thì cần cố định mức độ muối trong chế độ ăn. Vì nếu đang ăn mặn mà chuyển sang ăn nhạt sẽ dẫn đến hiện tượng tăng nồng độ lithi/máu, gây độc.
Ngoài các thức ăn, thì đồ uống như nước hoa quả, nước khoáng kiềm hoặc các nước ngọt đóng chai có gas, sữa, café, trà… cũng nên tránh dùng cùng với thuốc. Các loại nước này có thể làm hỏng thuốc hoặc gây hấp thu thuốc quá nhanh. Cần lưu ý với những thuốc có phạm vi điều trị hẹp vì có thể dẫn đến tăng tác dụng phụ hoặc ngộ độc.
- Sữa: Sữa có thể tạo phức với nhiều loại thuốc. Các chất béo trong sữa có thể hòa tan một số thuốc vào trong đó và giữ thuốc lại. Các chất đạm trong sữa có thể liên kết với một số thuốc có ái lực cao với các protein. Tất cả các quá trình này đều cản trở hấp thu thuốc như: Erythromycin, penicilin V, các tetracyclin.
- Cà phê, trà: Hoạt chất caffein trong cà phê có thể làm tăng tác dụng giảm đau của các thuốc aspirin, paracetamol, nhưng cũng làm tăng tác dụng phụ như nhức đầu, nhịp tim nhanh, tăng huyết áp ở người bệnh đang điều trị bằng các thuốc loại IMAO. Caffein có thể làm tăng độ hòa tan của một số thuốc như ergotamin, nhưng lại cản trở hấp thu các loại thuốc an thần (neuroleptic).
Tanin trong chè có thể gây kết tủa nhiều loại thuốc có chứa sắt hoặc alcaloid, rượu...
- Nước ép bưởi: Bưởi tác động lên quá trình thải trừ của thuốc ra khỏi cơ thể. Nước ép bưởi làm giảm hoạt động của enzym cytochrom P450 3A4. Enzym này có nhiệm vụ chuyển hóa thuốc và chất độc. Khi dùng đồ uống này, khả năng phân hủy thuốc để thải trừ ra khỏi cơ thể giảm xuống, do đó nồng độ thuốc trong máu tăng lên, có thể gây tăng tác dụng phụ của thuốc. Một ví dụ về thuốc phổ biến có tương tác với nước ép bưởi đó là felodipin và atorvastatin.
3. Làm thế nào để tránh tương tác bất lợi giữa thực phẩm và thuốc?
- Tuân thủ khuyến cáo của bác sĩ: Một số loại thuốc được hấp thụ tốt hơn với thức ăn để giảm nguy cơ kích ứng hoặc khó chịu. Một số loại thuốc khác có thể được hấp thu tốt hơn khi uống với một cốc nước đầy một hoặc hai giờ trước bữa ăn. Do đó, cần tuân thủ lời khuyên của bác sĩ/dược sĩ khi uống thuốc.
- Không trộn, bẻ nhỏ thuốc: Acid hoặc khoáng chất trong một số loại thực phẩm có thể làm thay đổi một số thành phần thuốc. Việc bẻ nhỏ các viên thuốc có thể phá hủy lớp phủ đặc biệt bảo vệ thuốc khỏi dịch acid dạ dày.
- Không pha thuốc vào đồ uống nóng: Nhiệt có thể phá hủy hoặc biến đổi thành phần thuốc.
- Không ăn bưởi hoặc nước ép bưởi cùng với thuốc.
- Hạn chế dùng sản phẩm bổ sung: Không dùng vitamin và khoáng chất hoặc thuốc kháng acid cùng lúc với thuốc điều trị bệnh, trừ khi bác sĩ chấp thuận.
- Cho bác sĩ biết nếu bạn đang dùng thảo dược bổ sung: Nhiều thảo dược đã biết có tương tác với thuốc. Ví dụ chiết xuất cam thảo làm tăng quá mức cortisol thành các thụ thể mineralocorticoid gây giữ natri và giảm kali, vì vậy nó có thể gây ảnh hưởng tới tác dụng của nhiều loại thuốc bao gồm thuốc hạ huyết áp và chống loạn nhịp.
Do đó, trong khi bạn đang dùng thuốc, hãy hỏi bác sĩ của bạn trước khi bổ sung thảo dược.
Mời độc giả xem thêm video:
Các biện pháp tăng sức đề kháng và giữ sức khỏe lúc giao mùa - SKĐS