Tương tác bất lợi của một số thuốc thường dùng

15-05-2017 07:28 | An toàn dùng thuốc
google news

SKĐS - Tương tác thuốc là một phản ứng giữa một thuốc với một tác nhân thứ hai (thuốc, thực phẩm, hóa chất khác) có thể có lợi (tăng hiệu quả điều trị),

Tương tác thuốc là một phản ứng giữa một thuốc với một tác nhân thứ hai (thuốc, thực phẩm, hóa chất khác) có thể có lợi (tăng hiệu quả điều trị), nhưng cũng có khi gây hại (giảm hiệu quả điều trị và tăng độc tính của thuốc). Bài viết này đề cập các tương tác có hại của một số loại thuốc thông dụng để mọi người lưu ý khi dùng...

Có nhiều người bệnh, đặc biệt là người luống tuổi, thường phải dùng nhiều loại thuốc để điều trị bệnh. Khi dùng từ 2 thuốc trở lên rất dễ xảy ra hiện tượng tương tác thuốc, chúng hiệp đồng tăng cả tác dụng chính, tác dụng phụ, gia tăng độc tố sẽ gây hại cho cơ thể.

Dùng trùng các thuốc hạ sốt, giảm đau, kháng viêm

Paracetamol là loại thuốc hạ sốt, giảm đau được sử dụng rộng rãi nhất. Nhiều trường hợp bị sốt do virut, dùng paracetamol không thể dứt sốt ngay được đã dùng thêm thuốc chứa acetaminophen, mà không biết hai thuốc trên thực chất là một, chỉ khác tên gọi. Việc dùng đồng thời, lặp đi lặp lại như vậy sẽ dẫn đến quá liều, rất dễ bị ngộ độc paracetamol, chủ yếu là gây hoại tử tế bào gan và độc với thận. Vốn lành tính nhưng khi uống quá liều, paracetamol sẽ được chuyển hóa tạo ra các chất độc với tế bào gan, gây phá hủy tế bào gan dẫn đến viêm gan nhiễm độc mà hậu quả nặng nề là suy gan cấp tính, vàng mắt vàng da, rối loạn đông máu, xuất huyết nhiều nơi, hôn mê gan rồi tử vong.

thuocDùng phối hợp kháng sinh không đúng cách có thể gây điếc không hồi phục.

Người bệnh đang dùng viên aspirin dự phòng trong bệnh lý tim mạch, nay lại mắc thêm chứng đau khớp, lại phải dùng thêm diclofenac hoặc ibuprofen. Việc dùng đồng thời hai loại thuốc này là một sự cộng hưởng nguy hiểm. Các hoạt chất trong aspirin, diclofenac, ibuprofen đều cùng thuộc nhóm kháng viêm không steroid, có tác dụng phụ gây viêm loét dạ dày. Khi dùng trùng lặp các thuốc trên coi như đã dùng một liều thuốc kháng viêm này tăng gấp đôi, tác dụng phụ sẽ hợp đồng tăng lên mạnh, có thể gây xuất huyết dạ dày, thủng dạ dày.

Phối hợp kháng sinh gây suy giảm thính lực, điếc không hồi phục

Có một số loại thuốc gây suy giảm thính lực, có thể dẫn đến điếc. Trường hợp người bệnh không tuân thủ chỉ định của bác sĩ, muốn bệnh nhanh khỏi mà phối hợp nhiều loại thuốc kháng sinh với nhau sẽ đặc biệt nguy hiểm cho khả năng nghe. Đứng đầu về khả năng gây độc cho tai là nhóm kháng sinh aminoglycosid. Trong đó, neomycin là kháng sinh gây hại nhất cho tai. Khi dùng liều cao để bôi vết thương là đã có thể gây độc cho tai. Kanamycin và amikacin cũng gây độc cho tai mạnh như neomycin. Trường hợp người bệnh phải dùng hai loại thuốc trong nhóm trên để trị nhiễm khuẩn cấp nặng, thì càng làm tăng tác dụng phụ gây giảm thính lực, nếu nặng có thể gây điếc không hồi phục. Streptomycin gây tổn hại nhanh chóng cho bộ phận tiền đình. Đã có trường hợp dùng streptomycin điều trị viêm phổi cho trẻ rồi dẫn tới hậu quả trẻ bị câm điếc. Gentamycin cũng gây độc cho tai như streptomycin nhưng nhẹ hơn. Có tới 10% trường hợp bị ngộ độc tai, suy giảm thính lực do dùng nhóm kháng sinh aminoglycosid. Nguy cơ bị ngộ độc tai, suy giảm thính lực do aminoglycoside tăng nếu bệnh nhân có trước một trong những yếu tố sau: suy yếu chức năng thận, tiếp xúc trực tiếp với tiếng ồn, tuổi cao, đã từng dùng aminoglycoside. Vì vậy, tuyệt đối không được dùng đồng thời hai loại kháng sinh cùng nhóm aminoglycoside với nhau.

Ngoài ra, khi dùng phối hợp erythromycin và ampicillin liều cao cũng có thể làm suy giảm thính lực. Các kháng sinh chloramphenicol, vancomycin cũng có nguy cơ làm suy giảm thính lực, gây điếc, nên không được dùng phối hợp các loại thuốc này với nhau. Triệu chứng suy giảm thính lực do các kháng sinh này gây ra cũng tùy từng trường hợp mà có các biểu hiện như nghe kém, ù tai tiếng thổi, thỉnh thoảng chóng mặt, nếu dùng quá liều lâu ngày có thể gây điếc thần kinh giác quan không phục hồi, gây hư hại cả ốc tai và tiền đình.

Thuốc chữa ho và dị ứng đẩy lùi tác dụng của nhau

Việc dùng thuốc trị ho cho người có bệnh dị ứng hô hấp mạn tính không đơn giản. Trong cơn ho cấp do có đờm, loại thuốc cần thiết để sử dụng là acetylcystein (do thuốc có tác dụng làm giảm độ quánh của đờm và tạo thuận lợi để tống đờm ra ngoài khi ho khạc). Trong khi đang dùng acetylcystein, các cơn dị ứng cấp khiến người bệnh hắt hơi, chảy mũi nhiều, sẽ phải cần dùng thuốc chống dị ứng, chẳng hạn như chlorpheniramin. Việc dùng đồng thời hai loại thuốc này do có tác dụng đối kháng nhau, sẽ gây bất lợi cho người bệnh, thậm chí là nguy hiểm, nhất là với người cao tuổi. Chlorpheniramin là loại thuốc kháng histamin, chống dị ứng, đồng thời cũng được phối hợp với các thành phần khác trong viên thuốc trị triệu chứng ho và cảm lạnh. Trong thời gian dùng acetylcystein, người bệnh không được dùng đồng thời các thuốc giảm ho hoặc thuốc làm giảm bài tiết phế quản. Vì dùng thuốc như vậy sẽ công nhau và giảm tác dụng của nhau. Trong khi acetylcystein đang cần ho và bài tiết phế quản thì chlorpheniramin lại làm tác dụng ngược lại (giảm tiết dịch), như vậy sẽ không mang lại hiệu quả điều trị. Thậm chí lượng đờm đọng lại trong các phế nang sẽ ảnh hưởng hô hấp, đề phòng nguy cơ suy giảm hô hấp.

Lời khuyên cho người dùng thuốc

Việc dùng thuốc chữa bệnh là cần thiết cho người bệnh, nhưng dùng như thế nào, thời điểm dùng mỗi loại thuốc ra sao, khi dùng thuốc cần kiêng loại thực phẩm nào... là vấn đề mà người bệnh cần quan tâm và lưu ý. Tốt nhất nên tuân thủ chỉ định dùng thuốc của bác sĩ. Khi đang dùng thuốc chữa bệnh này, nếu gặp một bệnh khác, cần dùng thêm thuốc mới thì nhất thiết phải có ý kiến của thầy thuốc. Mọi người không tự ý dùng thuốc hay tự ý phối hợp thuốc dễ dẫn đến ngộ độc thuốc hoặc các tương tác thuốc nguy hiểm cho bản thân.


DS. Nguyễn Thanh Hoài
Ý kiến của bạn