Tướng Prayuth Chan-ocha được bầu làm Thủ tướng Thái Lan

06-06-2019 09:01 | Quốc tế

SKĐS - Lần đầu tiên kể từ sau cuộc đảo chính năm 2014 tại Thái Lan và sau cuộc tổng tuyển cử ngày 24-3, hai viện Quốc hội Thái Lan đã được triệu tập nhằm tìm ra Thủ tướng của nước này. Người được chọn sẽ trở thành Thủ tướng của chính quyền dân sự , lãnh đạo đất nước trong nhiệm kỳ 4 năm tới.

Quốc hội họp tới nửa đêm để bầu Thủ tướng

Ngày 5/6, Quốc hội Thái Lan được triệu tập để bầu ra Thủ tướng mới của Thái Lan. Theo quy định, ứng cử viên đắc cử Thủ tướng Thái Lan phải hội đủ ít nhất 376/750 phiếu trong phiên họp chung của lưỡng viện.  Có hai ứng viên cho vị trí Thủ tướng, một người là tỷ phú  40 tuổi- một  chính trị gia đối lập mới nổi – ông Thanathorn  Juangroongruangkit  và một người đứng đầu chính quyền quân sự hiện nay của Thái Lan – ông Prayut Chan-o-cha.

Tỷ phú Thanathorn đã  sáng lập đảng Hướng tới Tương Lai vào năm ngoái, nhưng trong cuộc bầu cử hồi tháng 3, đảng này chỉ nhận được 6,2 triệu phiếu và đứng thứ 3 sau đảng Palang Pracharath thân quân đội và đản Pheu Thai thân cựu Thủ tướng lưu vong Thaksin Shinawatra.

Các nghị sĩ đã bỏ phiếu bầu ông Prayut Chan-o cha làm thủ tướng vào cuối phiên họp chung tại Quốc hội

Sau cuộc tổng tuyển cử tại Thái Lan, một liên minh mới ra đời, đó là liên minh Mặt trận dân chủ là tập hợp của  7  đảng bao gồm Pheu Thai, Hướng tới Tương lai, đảng Pheu Chart, đảng Prachachart, đảng Seri Ruam Thai, đảng Quyền lực Nhân dân Thái Lan và đảng Kinh tế Mới . Liên minh ra đời nhằm   ngăn Thủ tướng Prayut Chan-o-cha duy trì quyền lực.

Trước thềm cuộc họp Quốc hội, đảng Quyền lực Nhà nước nhân dân (Palang Pracharath ) ủng hộ Thủ tướng đương nhiệm Prayut  và các đảng chính trị gồm  đảng lâu đời nhất Thái Lan là đảng Dân chủ, đảng Hành động vì nước Thái, đảng Quốc gia phát triển, đảng Cải cách nhân dân, đảng Phục hồi đất và rừng nước Thái và đảng Quyền lực địa phương Thái  đã công bố thành lập liên minh.

Với sự ủng hộ này Thủ tướng Prayut Chan o cha đã giành được 500 phiếu ủng hộ so với ứng viên đối lập Thanathorn chỉ giành được 244 phiếu. Ông Prayut đã vượt xa 376 phiếu cần thiết để trở thành Thủ tướng  của Thái Lan trong nhiệm kỳ 4 năm tới.  Trong tổng số 750 nghị sĩ hai viện, có 3  người không thể tham gia bỏ phiếu, gồm cựu Thủ tướng Abhisit Vejjajiva tuyên bố từ chức Hạ nghị sĩ ngay trước thềm cuộc họp Quốc hội, với lý do đảng Dân chủ của ông ủng hộ Tướng Prayut là đi ngược đường lối của đảng này, ứng cử viên Thanathorn Juangroongruangkit bị tòa án bác tư cách nghị sĩ vì vi phạm luật bầu cử và một nghị sĩ vắng mặt vì lý do sức khỏe. Có 747 nghị sĩ có mặt tại phiên họp, 3 nghị sĩ bỏ phiếu trắng, trong đó có 2 nghị sĩ là Chủ tịch Thượng viện và Hạ viện Thái Lan theo truyền thống không tham gia bầu Thủ tướng.

Vị tướng quân đội Prayut Chan-o-cha tiếp tục đắc cử Thủ tướng Thái Lan

Cuộc họp đặc biệt của Quốc hội Thái Lan bắt đầu từ buổi trưa và kéo dài tới gần nửa đêm 5/6 mới kết thúc bởi các đại biểu tranh luận về tư cách của hai ứng viên Thủ tướng cũng như quyền bỏ phiếu của các nghị sĩ.  Đến 22 giờ đêm, tiến trình bỏ phiếu mới được bắt đầu. Theo quy định của Quốc hội lưỡng viện Thái Lan, gồm Thượng viện với 250 ghế và Hạ viện với 500 ghế, từng nghị sĩ đứng lên tự giới thiệu và xướng tên ứng cử viên mình ủng hộ. Do đó, tiến trình bỏ phiếu mất rất nhiều thời gian khi có 747 nghị sĩ lần lượt thực hiện thủ tục này.

Một nhiệm kỳ khó khăn của Thủ tướng mới ở Thái Lan

Thủ tướng mới của Thái Lan Prayut Chan-o-cha, năm nay 65 tuổi, là một vị tướng quân đội và từng lãnh đạo cuộc đảo chính năm 2014.  Giới phân tích dự báo rằng, nhiệm kỳ mới của ông Prayut sẽ gặp nhiều khó khăn trong quá trình thành lập và điều hành Chính phủ. Bởi vì, Chính phủ của ông được thành lập từ một liên minh khá lỏng lẻo gồm 7 chính đảng và không chiếm đa số tuyệt đối tại Hạ viện, do đó, sẽ không thuận lợi trong việc thông qua các chương trình, kế hoạch chung của đất nước.

Khôi phục nền kinh tế đang gặp nhiều bất ổn,  hàn gắn những chia rẽ chính trị trong nội bộ đất nước là những khó khăn trước mắt của tân Thủ tướng Thái Lan Prayut. Phe phản đối như nghị sĩ Cholnan Srikeo  cho rằng kinh nghiệm lỗi thời của ông Prayut sẽ gây nguy hiểm cho đất nước.  Trong khi đó, những người ủng hộ Thủ tướng Prayut cho rằng đối thủ của Thủ tướng là người quá trẻ không có kinh nghiệm, trong khi  ông Prayut sẽ  là người sẽ đem lại sự ổn định lâu dài cho Thái Lan, người sẽ “chèo lái” đất nước  chùa vàng  vượt qua cuộc khủng hoảng chính trị lâu năm.

Thái Lan giờ đây chính thức khôi phục chính quyền dân sự với một Chính phủ mới hình thành thông qua bầu cử, tương lai Thái Lan phụ thuộc không chỉ người đứng đầu mà còn sự đoàn kết của người Thái.


Hải Yến
Ý kiến của bạn