Phản cảm nối dài
Cuối tháng 3/2018, các nghệ sĩ điêu khắc và những người yêu bộ môn nghệ thuật này ở nước ta sốc với vườn tượng 12 con giáp đặt tại khu du lịch Hòn Dáu. Theo đó, những bức tượng đá được thiết kế theo hình các con vật trong 12 con giáp, kích thước lớn (cao 1,8m) có bộ phận sinh dục giống như bộ phận sinh dục con người. Hầu hết chuyên gia đánh giá các bức tượng trong vườn tượng 12 con giáp ở Hòn Dáu không có tính thẩm mỹ và rất phản cảm.
Họa sĩ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam cho biết, bộ tượng 12 con giáp nói trên vô cùng phản cảm vì không có tính nghệ thuật. Các bộ phận sinh dục của người gắn ở tượng với tạo hình đầu thú trở nên thô thiển, tục tĩu và phản cảm... “Tôi cho rằng, bộ tượng vừa không có tính nghệ thuật mà còn là một thứ nhăng nhố, lai tạp, hổ lốn” - họa sĩ Trần Khánh Chương bức xúc chia sẻ. Trong khi đó, họa sĩ Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh và Triển lãm phân tích, về nội dung, thông điệp của tác phẩm khi mang đến cho người xem ở đây không có vì tượng làm theo kiểu đầu thú - mình người. Về mặt nghệ thuật, bộ tượng 12 con giáp ở Hòn Dáu không có gì để bàn, bởi nó là sản phẩm tuỳ tiện kiểu giao cho người thợ đục đá theo ý tưởng của người đặt hàng.
Trước những phản ứng của dư luận và giới nghệ sĩ điêu khắc, đồng thời Sở Du lịch Hải Phòng vào cuộc, đưa ra 3 yêu cầu để chủ vườn tượng lựa chọn để khắc phục yếu tố phản cảm. Tuy nhiên, chủ vườn tượng 12 con giáp đã chọn phương án mặc quần - váy cho tượng. Ngay sau đó dư luận lại dậy sóng, tiếp đó chủ vườn tượng “khắc phục” tiếp bằng cách treo các chùm hoa, quả giả để che bộ phận nhạy cảm của các bức tượng. Để rồi, qua hành động “khắc phục” ấy đã đẩy sự phản cảm, bức xúc trong dư luận với vườn tượng 12 con giáp ở Hòn Dáu lên tới đỉnh điểm, đồng thời cho thấy tư duy thẩm mỹ “khác người” của chủ vườn tượng này.
Tượng 12 con giáp phản cảm ở Hòn Dáu khiến dư luận và giới chuyên gia bức xúc trong thời gian gần đây.
Để không còn tiền lệ
Theo đại diện Sở Văn hóa - Thể thao Hải Phòng, căn cứ vào các quy định thì các bức tượng 12 con giáp ở Hòn Dáu không thuộc phạm vi đối tượng phải có cấp phép của cơ quan chức năng. Vì vậy, trước mắt chủ vườn tượng 12 con giáp tại Hòn Dáu phải quây kín khu vực tượng và không để du khách vào thăm quan đến khi có kết quả đánh giá của Hội đồng Mỹ thuật TP. Hải Phòng. Trong khi đó, chủ vườn tượng 12 con giáp gần đây cũng hứa thời gian tới sẽ cho di chuyển các bức tượng vào khu vực riêng, có rào chắn và biển quy định độ tuổi vào thăm quan. Họa sĩ Trần Khánh Chương cho rằng, bộ tượng 12 con giáp nếu bây giờ có mời các thợ tạc giỏi nhất đến chỉnh sửa cũng sẽ không thể sửa được. Vì thế, nên cất bộ tượng này vào chỗ kín để không còn tạo ra những bức xúc trong dư luận.
Liên quan sự việc trên, Bộ VH-TT&DL vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tượng, biểu tượng đặt tại cơ quan, đơn vị, khu du lịch, địa điểm công cộng có nội dung và hình thức không phù hợp với văn hóa Việt Nam. Văn bản của Bộ VH-TT&DL nêu rõ thời gian gần đây, việc xây dựng, trưng bày tượng, biểu tượng có nội dung và hình thức không phù hợp với văn hóa Việt Nam tại một số cơ quan, đơn vị, khu du lịch và địa điểm công cộng, tác động không tốt đến môi trường văn hóa, thị hiếu thẩm mỹ của cộng đồng và xã hội. Để bảo đảm môi trường văn hóa, thẩm mỹ, nhân văn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa Việt Nam, Bộ VH-TT&DL đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các Sở: VH-TT&DL, tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, khu du lịch... trưng bày tượng, biểu tượng và công trình mỹ thuật ngoài trời đúng quy định của pháp luật, phù hợp với văn hóa Việt Nam.
Trên thực tế, nhiều khu du lịch ở nước ta có khu vực trưng bày tượng được du khách yêu thích, đánh giá cao vì mang dấu ấn nghệ thuật. Tại Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) có vườn tượng điêu khắc bằng gỗ do các nghệ sĩ đến từ Tây Nguyên thực hiện, là điểm đến của du khách tham quan từ 5 năm qua. Những tác phẩm điêu khắc tại đây mô tả người giã thóc, người đội vò rượu cần, mẹ cõng con, đánh chiêng, đâm trâu, bắt cá, chàng trai mang xà gạc, uống rượu cần; về hình ảnh phồn thực, sinh sôi nảy nở... mang đậm nét văn hóa - xã hội của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên được các nghệ sĩ điêu khắc thể hiện rất tài tình, điêu luyện và có tính thẩm mỹ cao. Hoặc tại Thung lũng tình yêu (TP. Đà Lạt), 20 bức tượng là phiên bản của những tác phẩm điêu khắc nổi tiếng trên thế giới qua các thời kỳ về tình yêu những năm qua cũng là điểm dừng chân lý tưởng của khách tham quan khi đến “thành phố ngàn hoa” của Việt Nam.