Tưởng nhẹ nhưng bỏng hóa chất có thể ăn sâu vào cơ thể

10-10-2017 19:16 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - TS. BS. Phạm Trịnh Quốc Khanh, Trưởng khoa Bỏng – Thẩm mỹ Tạo hình (BV Trưng Vương) cho biết, bệnh viện vừa tiếp nhận một ca bỏng do nước tẩy rửa bồn cầu. Mặc dù bệnh nhân tới liền bệnh viện, nhưng những tổn thương bỏng đã chuyển qua màu trắng và xám mới ngày thứ nhất mà da đã chết hoàn toàn.

Bệnh nhân Phạm Văn H. (31 tuổi, ngụ tại TP.HCM) trong lúc làm vệ sinh bồn cầu bị hóa chất tẩy rửa bồn cầu văng vào mặt, tay gây bỏng. Các bác sĩ nhận định đây là tổn thương bỏng sâu chứ không phải tổn thương bỏng nong. Tổn thương bỏng nong thường có màu hồng và các bóng nước nhạt.

Các bác sĩ cảnh báo, những hóa chất thông thường được sử dụng thông thường hàng ngày vẫn có thể gây bỏng và rất nguy hiểm. Bỏng nặng hay nhẹ tùy thuộc vào nhiều yếu tố: nồng độ hóa chất đậm đặc đến đâu, tỷ lệ pha loãng như thế nào, vùng cơ thể nào bị hóa chất tác động…

Vùng tổn thương bỏng do hóa chất tẩy rửa đã bị hoại tử

Bên cạnh đó việc sơ cứu ban đầu cũng rất quan trọng. Mặc dù bệnh nhân đến bệnh viện ngay, nhưng vẫn không tiến hành sơ cứu ban đầu, nên khi vào đến bệnh viện, bỏng khá sâu. Bỏng do hóa chất kiềm, thường có trong các chất tẩy rửa vệ sinh, mặc dù có thể dứt bỏ nguồn tiếp xúc, nhưng bỏng vẫn tiếp tục ăn sâu vào trong cơ thể dù vùng bỏng trông có vẻ nhỏ.

Nếu bệnh nhân còn tỉnh táo, theo các chuyên gia về bỏng, cần phải xối rửa ngay vùng bị bỏng hóa chất trong vòng 15 – 30 phút, càng lâu càng tốt, làm mát tổn thương, nhằm làm giảm đi lượng hóa chất xâm lấn, bám trên da. Không được dùng nước lạnh quá hay nước đá, hoặc tất cả các loại nước khác vì không lường trước phản ứng gì sẽ xảy ra, thậm chí làm nặng hơn tình trạng đang có.

Vết thương trông rất nhỏ, nhưng có thể hóa chất từ các chất tẩy rửa đã ăn sâu vào mô, thấm đến tận xương

Hóa chất tẩy rửa bồn cầu có thương hiệu có thể đã được pha chế với tỷ lệ an toàn, còn một số hóa chất bán trong các cửa hàng không rõ nguồn gốc thường sẽ rất đậm đặc. Nhưng theo các chuyên gia y tế, các hóa chất tẩy rửa, nếu không phải axit thì cũng là kiềm (xút, bazơ), cần vô cùng thận trọng để giảm nguy cơ gây bỏng.

Theo BS. Quốc Khanh, người dân nên pha loãng hóa chất tẩy rửa trước khi sử dụng và không nên đổ trực tiếp vào khu vực cần tẩy rửa. Đổ trực tiếp vào nước, hóa chất kiềm phản ứng “ái nước”, tăng nhiệt độ và văng ngược trở lại, có thể gây bỏng. Trong quá trình pha chế, người dân phải có những bảo hộ an toàn như đeo găng tay, mắt kính…


An Quý
Ý kiến của bạn