Tất cả các nghiên cứu tương lai học đều chỉ ra rằng, chúng ta đang bước vào thời kỳ phát triển khoa học và nhờ thế con người sẽ ngày càng được thụ hưởng một cuộc sống chất lượng hơn. Tuy nhiên, cùng với đó, thế giới cũng sẽ phải đối mặt với những vấn đề không dễ giải quyết…
Một “kịch bản” đáng trông đợi...
Công nghệ phát triển vượt bậc - đó là nhân tố chính đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nên những thay đổi của cộng đồng thế giới trong tương lai - Giáo sư Ray Hammond, nhà tương lai học người Anh đã khẳng định. Đáng chú ý nhất sẽ là sự phát triển của công nghệ sinh học - nhân tố chủ lực quyết định gương mặt của thế giới ở những thập kỷ tới. Việc đọc được bản đồ gen người mang đến cơ may có thể điều khiển quá trình tiến hóa của nhân loại. Về mặt lý thuyết, ngay bây giờ chúng ta đã có thể quyết định được giới tính của đứa trẻ vẫn chưa ra đời, đồng thời đã có thể can thiệp vào gen để tạo ra sự di truyền nhân tạo.
Tận dụng những tiến bộ công nghệ sinh học, trong tương lai, những giống cây trồng mới sẽ xuất hiện, nó có thể được “lập trình” để chịu được hạn hán và đất nhiễm mặn nhằm thích nghi với việc khí hậu trái đất ngày một nóng lên và nước biển xâm thực ngày một nhiều trong tương lai.
Sự phát triển của công nghệ máy tính được xem như đầu tàu kéo theo những phát triển và thay đổi ở nhiều lĩnh vực khác nhau. TS. Jens Nielsen, một trong số chuyên gia sáng chế xuất sắc nhất thế giới thuộc Tập đoàn Haldor Topsoe, Đan Mạch cho biết: “Ngày nay, chúng tôi thực hiện hầu hết các thử nghiệm trên máy tính, bằng cách áp dụng kỹ thuật mô phỏng tiên tiến và nhờ sự phát triển các kỹ thuật phân tích, chúng tôi có thể quan sát diễn biến các thử nghiệm y như thật. Trong tương lai không xa, chúng tôi sẽ có nhiều chất liệu nhân tạo tốt hơn, là những quá trình công nghiệp tiết kiệm năng lượng hơn…”.
Cũng nhờ sự phát triển của công nghệ máy tính mà trong giai đoạn sắp tới, chúng ta có thể chứng kiến sự xuất hiện của siêu trí tuệ nhân tạo với những robot thông minh hơn con người. Thậm chí, nếu như máy tính chưa thể thông minh hơn con người thì nó cũng đủ tháo vát để tự động hóa nhiều quá trình ngày nay vẫn đòi hỏi con người - thí dụ để giúp việc nhà, làm văn phòng, bàn giấy…
Sẽ có ngày càng nhiều quốc gia nghèo trở thành ngòi nổ của những phát minh, sáng kiến thú vị chỉ bởi họ không có đủ tiền để áp dụng những giải pháp của các nước công nghiệp phát triển. Chẳng hạn như việc người Srilanca do không có tiền để xây dựng cơ sở hạ tầng năng lượng dựa vào các nhà máy điện khổng lồ và mạng lưới đường dây quá dài đã phát minh ra các diod điện tử platic phát sáng nhờ những hệ thống pin mặt trời. Theo Dharmadasa, giáo sư vật lý ĐH Durham, Anh, chỉ vài năm nữa, các diod điện tử này sẽ có mặt trên khắp thế giới và thay thế hoàn toàn các nguồn chiếu sáng khác bởi ưu điểm chỉ tiêu thụ một phần không đáng kể năng lượng so với các loại bóng điện tiết kiệm năng lượng hiện nay.
![]() Quốc đảo xinh đẹp Maldives sẽ bị xóa sổ trong tương lai do sự biến đổi khí hậu. |
Nhưng “sân khấu” còn nhiều màu xám
Dân số gia tăng quá mức và khí hậu biến đổi khó lường với những tác hại nghiêm trọng sẽ là hai “vệt xám” lớn nhất trong “bức tranh vẽ tương lai” mà nhân loại sẽ chứng kiến trong vài thập kỷ tới.
Chỉ trong vòng 20 năm nữa, trái đất sẽ phải nuôi sống 8,2 tỷ người và thậm chí đến 9 tỷ người vào năm 2050, đây sẽ là gánh nặng của thế giới. Nước ngọt cũng bắt đầu cạn kiệt, hiện ngành nông nghiệp đã ngốn hết 70% nguồn nguyên liệu này và đã có trên 1 tỷ người không được sử dụng nước sạch.
Thêm vào đó, dân số không ngừng gia tăng về mặt toàn cầu song mức độ thay đổi lại diễn ra không đồng đều. Trong khi dân số tăng tại các quốc gia châu Phi, phần lớn các quốc gia châu Á, Mỹ Latinh và Nam Mỹ thì dân số châu Âu lại giảm từ 728 triệu hiện nay xuống 653 triệu vào năm 2050. Điều này sẽ kéo theo những làn sóng di dân - nhập cư, khiến cho an ninh thế giới thêm phần hỗn loạn bởi những xung đột văn hóa, sắc tộc. Nhiều vấn đề tiêu cực trong đó có nạn khủng bố, cướp giật và bạo loạn xảy ra ngày càng nhiều ở khắp nơi trên thế giới.
Tại Hội nghị cấp cao của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 17, LHQ đã cảnh báo: Sự ấm lên toàn cầu do con người gây ra đã làm tăng các đợt nóng và gây ra những trận mưa bão, lũ lụt nghiêm trọng ở nhiều quốc gia trong thời gian vừa qua. Đây có thể là khởi đầu của viễn cảnh khắc nghiệt khi biến đổi khí hậu tác động sâu sắc hơn tới cuộc sống con người với những thảm họa khôn lường trong tương lai.
Trong tương lai, nếu nhiệt độ trái đất tiếp tục nóng lên thì nhiều vùng đất thấp trên thế giới sẽ bị nước biển nhấn chìm. Theo dự báo của các nhà khoa học Anh, đến cuối thế kỷ 21, nhiều khu phố của London (Anh) và New York (Mỹ) sẽ bị bão lụt tàn phá, trong đó London sẽ bị nặng nhất và rất có thể sẽ biến mất hoàn toàn. Hiện, Indonesia đã bị mất 24 đảo và dự kiến đến năm 2050 con số này sẽ tăng lên trên 2.000. Còn tại Maldives, một số bãi biển đang bị chìm dần và dự kiến trong 100 năm nữa, quốc gia này sẽ bị xóa tên trên bản đồ thế giới.
Lê Thái An (Theo New York Time)