Y học gia đình được xem là một chuyên khoa về y học lâm sàng nhưng có định hướng về y học dự phòng với các hoạt động khám phát hiện bệnh, tầm soát bệnh tật, theo dõi các vấn đề có liên quan đến sức khỏe thông thường một cách lâu dài và suốt đời cho tất cả các thành viên trong gia đình ở mọi lứa tuổi.
Các bác sĩ đa khoa tốt nghiệp tại các trường đại học y được đào tạo thêm về chuyên khoa y học gia đình. Thực ra, chuyên khoa y học gia đình là một chuyên ngành y khoa đã ra đời, hình thành từ rất sớm trong thập kỷ những năm 60 của thế kỷ trước ở những nước phát triển; còn đối với các nước khác như nước ta thì còn khá mới mẻ. Trong hệ thống hoạt động của mạng lưới y tế, bác sĩ gia đình được đào tạo các kiến thức về y học gia đình chủ yếu để thực hành công việc tại những phòng khám bệnh đa khoa điều trị ngoại trú ở các tuyến. Vì vậy, bác sĩ gia đình theo đúng nghĩa của nó là phục vụ công tác y tế cho tất cả các đối tượng trong cộng đồng xã hội chứ không phải chỉ phục vụ riêng cho giới thượng lưu, người giàu có như quan niệm chưa đúng đắn trước đây.
Theo mô hình hoạt động, khi bị ốm đau, bệnh tật, bệnh nhân thường tiếp cận sớm nhất với bác sĩ gia đình ngay từ khi người bệnh có những triệu chứng lâm sàng ban đầu hay triệu chứng mơ hồ không rõ ràng để giúp phát hiện, xác định bệnh nhằm có những định hướng chẩn đoán, điều trị phù hợp; theo dõi diễn biến bệnh lý, tư vấn, hướng dẫn thực hiện tốt quy trình điều trị đầy đủ. Ngoài ra, cũng tại môi trường gia đình người bệnh, bác sĩ có điều kiện tiếp cận với những thành viên còn lại trong gia đình chưa bị mắc bệnh để tư vấn, hướng dẫn giúp đỡ họ công tác phòng bệnh, bảo vệ sức khỏe cho bản thân.
Hiện nay theo thống kê, hệ thống các trường đại học y trên cả nước đã đào tạo khoảng hơn 500 bác sĩ gia đình, một con số khá khiêm tốn so với nhu cầu cần phát triển. Mặc dù hàng năm bác sĩ gia đình vẫn được cập nhật kiến thức và kinh nghiệm nhưng đối tượng này chưa thực hiện nhiệm vụ một cách đúng nghĩa, vì nước ta chưa tổ chức đầy đủ một hệ thống y tế gia đình hoàn chỉnh để có thể góp phần khám chữa bệnh và quản lý ở các tuyến y tế. Việc đào tạo nhưng không sử dụng đội ngũ bác sĩ gia đình một cách đúng nghĩa sẽ làm cho đối tượng này có cảm nhận như bị thất nghiệp.
Với những kinh nghiệm hoạt động trong thực tiễn, các chuyên gia về lĩnh vực y học gia đình của Vương quốc Bỉ đang giúp đỡ Việt Nam xây dựng mô hình bác sĩ gia đình. Tại Bỉ, để trở thành một bác sĩ gia đình, sinh viên y khoa phải trải qua 7 năm học đa khoa, sau đó được đào tạo tiếp 2 năm chuyên khoa bác sĩ gia đình. Như vậy muốn có bác sĩ gia đình, sinh viên y khoa phải được đào tạo chính quy mất 9 năm. Những bác sĩ này làm việc tại tuyến gần dân nhất, có thể quản lý về sức khỏe cho một khu vực khoảng vài nghìn người. Kể từ năm 1978, sau 35 năm xây dựng và phát triển, hệ thống bác sĩ gia đình tại Vương quốc Bỉ không ngừng hoàn thiện và ngày càng phát huy vai trò quan trọng của mình. Ở đất nước phát triển này, có tới 95% dân số được chăm sóc bởi đội ngũ bác sĩ gia đình, đây là những bác sĩ gần gũi nhất với các lứa tuổi và đối tượng trong gia đình.
Hy vọng rằng với các nỗ lực của ngành Y tế, sự giúp sức của nước Bỉ, hệ thống bác sĩ gia đình nước ta ngày càng rộng khắp, địa vị thầy thuốc ở vị trí này ngày càng được củng cố, nâng cao. Có như vậy, tuyến trên sẽ được giảm tải, bệnh tật được phòng ngừa và phát hiện sớm, người nghèo giảm gánh nặng chi phí thuốc men do bệnh được phát hiện kịp thời.
TTƯT.BS. NGUYỄN VÕ HINH