Tương lai của nhạc jazz tại Việt Nam

23-07-2013 14:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

Là một thể loại âm nhạc pha trộn của nhạc blues và hòa âm trong nhạc cổ điển có xuất xứ từ nước Mỹ và phát triển trên làng nhạc quốc tế, tuy nhiên, nhạc jazz lại chưa có được một chỗ đứng vững chắc ở nước ta.

Là một thể loại âm nhạc pha trộn của nhạc blues và hòa âm trong nhạc cổ điển có xuất xứ từ nước Mỹ và phát triển trên làng nhạc quốc tế, tuy nhiên, nhạc jazz lại chưa có được một chỗ đứng vững chắc ở nước ta. Nguyên nhân chính là do có rất ít nhân tố trong nước tỏ ra nổi trội ở thể loại âm nhạc này, mặt khác, tâm lý tiếp nhận nhạc jazz của công chúng chưa thực sự rộng mở.

Gây dựng từ thiểu số

Nhắc đến nhạc jazz ở Việt Nam, những cái tên chú ý chỉ đếm trên đầu ngón tay như NSƯT Quyền Văn Minh, nghệ sĩ Quyền Thiện Đắc, nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn, ca sĩ Tùng Dương, ở hải ngoại có ca sĩ gốc Việt Nguyên Lê, Tuyết Loan, Hương Thanh... Họ là những người làm sống dậy tinh thần của jazz với những giai điệu ngẫu hứng, đầy cảm xúc. Thực tế cho thấy, nhiều nhạc công, ca sĩ trẻ trong làng nhạc đang nhận mình chơi jazz, hát jazz nhưng rõ ràng do việc nắm bắt khái niệm chưa hoàn chỉnh, thứ nhạc họ chơi chỉ na ná jazz chứ chưa nắm được tinh thần và làm chủ được sự quyến rũ của thể loại âm nhạc này.

Những năm gần đây, cùng với sự phổ cập và phát triển của các thể loại nhạc đỉnh cao của thế giới tại Việt Nam, các chương trình trình diễn nhạc jazz đã được tổ chức và có được ấn tượng rất tốt. Những nghệ sĩ tên tuổi như nhóm nhạc Unit Asia, nghệ sĩ Herbie Hancock, Ari Roland, Fulvio Albano, Dag Aenesen, Jean Louis Rassinfosse... Họ chính là những người góp phần rất lớn để làm sống dậy dòng nhạc vốn khá im hơi lặng tiếng ở Việt Nam dù cho có xuất phát điểm không tồi.

Tương lai của nhạc jazz tại Việt Nam 1
 Ca sĩ Tùng Dương và nhóm Unit Asia.

Một số nghệ sĩ Việt say mê với jazz, muốn chơi jazz nhưng dường như e ngại thể loại âm nhạc này đòi hỏi một kỹ thuật cao, có rất ít nghệ sĩ dám dấn thân. Tâm lý rằng jazz sẽ khó hút công chúng cũng là sai lầm khi mà ngày nay, công chúng Việt đã được tiếp cận gần như hoàn chỉnh các tinh túy của làng nhạc quốc tế. Thành ra, có một bộ phận những người chơi jazz mới chỉ dừng lại ở việc đưa bản nhạc của mình lên youtube, chơi trong các tụ họp bạn bè. Một sân khấu của những người chơi jazz vẫn còn là một điều gì đó xa vời.

Những tín hiệu đáng mừng

Rất may mắn là bộ phận nhỏ những người có tâm huyết với jazz ở Việt Nam đã có sự gắn bó và ý tưởng đưa thể loại này tiếp cận công chúng một cách gần gũi, thân thiện nhất. Những chuyến trở lại của nghệ sĩ Nguyên Lê, người đã nổi tiếng thế giới nhờ sự kết hợp giữa tính truyền thống của nhạc dân tộc và sự ngẫu hứng của nhạc jazz là một cầu nối lý tưởng giữa thể loại âm nhạc này với công chúng bỡ ngỡ của nhạc jazz. Sự năng nổ của ông cũng đã phát hiện và làm sáng giá thêm cái tên Tùng Dương, một giọng ca điêu luyện, truyền cảm và mạnh mẽ. Chơi jazz, Tùng Dương mới thật sự làm nổi rõ cá tính âm nhạc của mình. Và cũng nhờ jazz, công chúng thấy thêm được sự sáng tạo trong con người của người nghệ sĩ.

Tương lai của nhạc jazz tại Việt Nam 2
 NSƯT. Quyền Văn Minh.

Có một vẻ đẹp và sự cuốn hút riêng, ngay từ lúc được du nhập vào Việt Nam, nhờ sự đỡ đầu của nghệ sĩ Quyền Văn Minh, nhạc jazz đã quyến rũ được những tài năng âm nhạc lúc bấy giờ là Quốc Trung, Anh Quân và Trần Mạnh Tuấn. Cũng chính nghệ sĩ Quyền Văn Minh thành lập câu lạc bộ nhạc jazz đầu tiên ở Việt Nam. Ông cũng là người đưa Liên hoan nhạc jazz quốc tế lần thứ 3 tới Việt Nam vào thời điểm nhạc jazz còn là một khái niệm rất mông lung ở nước ta. Với những đóng góp của mình, năm 2001, ông đã được Đại sứ liên minh châu Âu ca ngợi là “Huyền thoại sống của nhạc jazz Việt Nam”. Có thể khẳng định, câu lạc bộ nhạc jazz chính là nơi quy tụ những nghệ sĩ tài năng nhất bởi một tay làm nhạc, chơi nhạc mơ không có một chỗ đứng nào trong dòng nhạc cần tới cả kỹ thuật và tố chất nghệ sĩ này.

Như một động thái nhằm đưa jazz đến gần hơn với công chúng đương đại, chương trình hòa nhạc jazz của ban nhạc Unit Asia với ca sĩ Tùng Dương sau lần biểu diễn thành công năm ngoái đã trở lại vào ngày 12/7 và 14/7 tại Hà Nội và TP.HCM nhân kỷ niệm 40 năm Hữu nghị và Hợp tác Asean – Nhật Bản cũng như Năm Hữu nghị Nhật Bản – Việt Nam 2013. Trước đó, Bourbon Street Jazz Festival là liên hoan nhạc jazz và ẩm thực quốc tế do nhóm Art for Mobility tổ chức đã tạo được ấn tượng đậm nét trong lòng công chúng. Sự góp mặt của nhóm ngũ tấu Five play tại chương trình Festival biển 2013 không chỉ thêm gia vị hoàn hảo cho lễ hội lớn này mà còn làm náo nức những người yêu nhạc jazz tại nhiều địa điểm khác như Thanh Hóa, Vinh...

Với bối cảnh hiện tại, kết hợp giữa nhạc jazz truyền thống với nguồn cảm hứng sáng tạo riêng mang màu sắc hiện đại của thế kỷ 21 có lẽ là con đường sáng suốt nhất trong tiến trình đưa nhạc jazz phổ cập sâu rộng trong công chúng Việt.  

  Yến Quỳnh


Ý kiến của bạn