Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong ngày sinh nhật lần thứ 93. |
5 vị đầu bảng là: Washington, Napoléon, đại đế Alexander, Thành Cát Tư Hãn và Caesar. 4 vị sau thì dễ được ý kiến chung công nhận với sự giải thích của tác giả: Hoàng đế Pháp Napoléon (bộ dân luật ảnh hưởng đến cả châu Âu - gián tiếp khiến cho các quốc gia Đức và Ý hình thành, ảnh hưởng về tổ chức quân đội, chiến lược tác chiến trên thế giới, gieo rắc tư tưởng tự do); Đại đế Hy Lạp Alexander (thế kỷ 3, 4 trước công nguyên, có tài thao lược và tổ chức, dũng cảm xây dựng một đế chế bao gồm cả Đông Tây trong hệ thống văn minh Hy Lạp, canh tân nghệ thuật quân sự); Thành Cát Tư Hãn (thế kỷ 13 - đế chế Á - Âu, từ Ba Lan đến Triều Tiên, cả Trung Quốc lẫn Nam Nga, tài dùng binh, gieo khiếp sợ, là người làm chiến thuật nhưng cũng giỏi cai trị); Hoàng đế La Mã Caesar (thế kỷ I trước Công nguyên - Đế chế La Mã tồn tại 5 thế kỷ, ảnh hưởng văn hóa La Mã, bộ luật La Mã, tổ chức hành chính các thành thị, tổ chức quân đội).
Xếp Washington số 1 có thỏa đáng không? Chắc chưa hẳn được sự đồng tình của tất cả mọi người. Tác giả giải thích: nếu so với những chiến công huy hoàng của Napoléon, Alexander, Thành Cát Tư Hãn và Caesar cùng rất nhiều tướng khác thì ông thua xa, nhưng sau nhiều lần lao đao, ông đã thắng trận Yorktown (1781), quyết định thắng lợi của Cách mạng Mỹ chống Anh, với những hậu quả làm thay đổi bộ mặt trái đất: Nước Mỹ ra đời, trong hai nhiệm kỳ tổng thống (ông từ chối nhiệm kỳ 3), ông đã đặt nền nếp cho một nền dân chủ vẫn còn là mẫu mực cho đến nay. Ông đã kết hợp quân sự, chính trị đối nội đối ngoại để giành thắng lợi cuối cùng. Không có ông, không có Hoa Kỳ, quốc gia có ảnh hưởng lớn nhất đến thế giới hôm nay.
![]() Đại tướng Võ Nguyên Giáp về lại Điện Biên trong dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. |
Liên quan đến Chiến tranh thế giới lần thứ II, Mỹ có Eisenhower (thứ 18), Mac Arthur (thứ 80), Marshall (thứ 16). Phía Nga có Konev, Jukov (thứ 70) (không có Stalin); phía Anh có Mongomery; phía Pháp không có ai, vắng cả De Gaulle, Leclerc; phía Nhật có đô đốc Yamamoto; phía Đức có Hitler (thứ 16) và Rommel (thứ 79)...
Tuy không trực tiếp chỉ huy trận nào, Hitler xếp thứ 16 vì là Tổng tư lệnh quân đội hùng mạnh ghê gớm, gây ra Chiến tranh thế giới thứ II, làm chết bao nhiêu triệu người, ảnh hưởng lâu dài đến bộ mặt thế giới: Đức bị chia cắt, Liên Xô nổi lên và Chiến tranh lạnh, các đế quốc Anh và Pháp lao đao để rồi tan rã, Hoa Kỳ từ bỏ chính sách cô lập và trở thành siêu cường số 1. Thống soái Đức Rommel, nổi tiếng về canh tân nghệ thuật tấn công bằng xe tăng (đánh thọc chớp nhoáng, tiến sâu, mở rộng thắng lợi không cần đợi hậu quân. Ông đi tiên phong chiếm nước Pháp, cầm cự thắng lợi một giai đoạn dài ở Bắc Phi chống Anh, về sau bị Hitler bắt uống thuốc độc tự tử. Là nhà binh chuyên nghiệp, ông có nhân cách nên được cả phe Đồng minh kính trọng.
Trên đây là bản tóm lược sự lựa chọn 100 nhà lãnh đạo quân sự và sự đánh giá của trung tá Lanning, người từng "nếm đòn" tướng Giáp ở Việt Nam. Dĩ nhiên, đó chỉ là quan điểm cá nhân của ông để ta tham khảo.
Hữu Ngọc