Tướng Doãn Trác: Việt Nam phát triển hải quân là điều “có thể hiểu"

25-01-2014 17:59 | Quốc tế
google news

Tướng Doãn Trác khoe khả năng tấn công, phòng thủ đảo của biên đội tàu chiến Hạm đội Nam Hải, đồng thời lo cho khả năng săn ngầm của Trung Quốc. Theo ông này, Việt Nam phát triển hải quân là điều có thể hiểu.

Tướng Doãn Trác khoe khả năng tấn công, phòng thủ đảo của biên đội tàu chiến Hạm đội Nam Hải, đồng thời lo cho khả năng săn ngầm của Trung Quốc. Theo ông này, Việt Nam phát triển hải quân là điều có thể hiểu.
 
Tàu ngầm diesel Hà Nội lớp Kilo của Hải quân Việt Nam.

Tờ “Nhân Dân” Trung Quốc ngày 23 tháng 1 đăng bài viết nhan đề “Doãn Trác: Tàu vận tải đổ bộ của Quân đội Trung Quốc giỏi tấn công và phòng thủ đảo, đá ngầm”.

Theo bài báo, gần đây, Hải quân Trung Quốc đã lập một biên đội tàu chiến tuần tra và huấn luyện biển xa, kéo ra Biển Đông, Tây Thái Bình Dương và Đông Ấn Độ Dương tiến hành tập trận các khoa mục như sở chỉ huy, chi viện tác chiến, cơ động tác chiến, công tác chính trị.

Về vấn đề này, chuyên gia quân sự Trung Quốc, Thiếu tướng Doãn Trác cho rằng, các tàu chiến tham gia tập trận thực hiện các nhiệm vụ khác nhau theo hình thức tổ chức biên đội khác nhau.

Biên đội tàu chiến tập trận biển xa lần này gồm có tàu đổ bộ cỡ lớn Trường Bạch Sơn, tàu khu trục tên lửa Hải Khẩu, tàu khu trục tên lửa Vũ Hán, đi theo còn có 3 máy bay trực thăng, 1 tàu đệm khí và 1 đại đội đánh bộ.

Biên đội chia làm 2 cụm binh lực, tiến hành huấn luyện các khoa mục đã nêu trên ở Biển Đông (bất hợp pháp), Tây Thái Bình Dương và Đông Ấn Độ Dương.

Tàu đổ bộ cỡ lớn Trường Bạch Sơn, Hạm đội Nam Hải tập trận bất hợp pháp trên Biển Đông

Theo bài viết, đây là hoạt động huấn luyện biển xa, tuần tra sẵn sàng chiến đấu của Hải quân Trung Quốc, thuộc huấn luyện quân sự mang tính “thường lệ, thường niên”.

Trong biên đội, tàu vận tải cỡ lớn Trường Bạch Sơn là tàu đổ bộ có trọng tải lớn nhất hiện nay của Trung Quốc, hệ thống vũ khí tương đối “tiên tiến”; còn các tàu khu trục Hải Khẩu, Vũ Hán đều từng tham gia hoạt động hộ tống ở vịnh Aden, tập trận chung Trung-Nga, có khả năng phòng không, phòng thủ tên lửa và săn ngầm “tương đối mạnh”.

Về việc phối hợp tàu chiến trong biên đội, Doãn Trác cho rằng: Trong các hình thức tổ chức biên đội khác nhau, phải tiến hành các nhiệm vụ khác nhau, tàu đổ bộ Trường Bạch Sơn có thể làm tàu chỉ huy, có khoang chỉ huy rất lớn và khả năng thông tin, bảo đảm và chỉ huy, kiểm soát “rất mạnh”.

Trong biên đội này, có đại đội đánh bộ, máy bay trực thăng, tàu đệm khí, nếu tập tác chiến tấn công, phòng thủ khu vực đảo, đá ngầm, đặc biệt là tác chiến mang tính tấn công, về cơ bản đều “thông thạo”.

Đại đội đặc nhiệm cũng có thể đóng “vai trò to lớn” trên phương diện chống khủng bố, săn ngầm. Khi tuần tra ở Ấn Độ Dương, thành viên đội đặc nhiệm sẽ phân tán ở các tàu, trực ban ở khu vực tàu hộ tống khó để ý được, ngăn chặn cướp biển tấn công tàu được hộ tống khá xa, đây đều thuộc tập trận sát thực tế chiến đấu.

Trung tuần tháng 1 năm 2014, tàu khu trục Hạm đội Nam Hải tập trận chống tàu ngầm trên Biển Đông.

Theo Doãn Trác, tàu khu trục Hải Khẩu trang bị radar mảng pha và tên lửa phòng thủ tầm xa, khả năng phòng thủ tầm xa này “rất mạnh”, đồng thời có khả năng tấn công đối hải và săn ngầm nhất định.

Khả năng tác chiến tổng hợp của tàu khu trục Vũ Hán “tương đối mạnh”, tuy không lắp radar mảng pha, nhưng tính năng radar điều khiển hỏa lực của nó cũng “rất tốt”, có khả năng phòng không khu vực, đồng thời có khả năng săn ngầm, chống hạm tầm xa “rất mạnh”. Hai loại tàu này trong tương lai có thể hộ tống cho tàu sân bay và biên đội đổ bộ.

Bài viết cho hay, số lần tập trận biển xa của Hải quân Trung Quốc không ngừng tăng lên, đồng thời cho rằng, một số nước xung quanh Biển Đông cấp bách mua sắm rất nhiều tàu ngầm có mục đích là để “ứng phó với sự phát triển của Hải quân Trung Quốc”.

Đối với vấn đề này, Doãn Trác cho rằng, biên đội tàu chiến Hạm đội Nam Hải lần này tuy đã tập khả năng chống tàu ngầm, khi tập trận trên Biển Đông và Tây Thái Bình Dương đều có tàu ngầm tham gia, nhưng điều này hoàn toàn không có nghĩa là Trung Quốc nhằm vào lực lượng tàu ngầm của những nước này (?).

Là hải quân một nước lớn, săn ngầm là một trong những khả năng cơ bản, tập trận lần này không nhằm vào bất cứ nước nào.

Tàu chiến Hạm đội Nam Hải tập đánh chặn ngư lôi

(Trên thực tế, Trung Quốc có tham vọng “đường lưỡi bò” hầu như chiếm trọn Biển Đông, trong đó có cả quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa, một số vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, bãi cạn Scarborough…

Hơn nữa, biên đội tàu chiến Hạm đội Nam Hải nói trên vừa tập trận tấn công đổ bộ bất hợp pháp ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Chủ trương và hoạt động tập trận bất hợp pháp, rõ ràng bộc lộ sự răn đe, uy hiếp như vậy liệu không nhằm vào ai? Không có hoạt động nào không có mục đích, nhất là trong thời điểm Biển Đông có nhiều nguy cơ bất ổn hiện nay).

Doãn Trác cũng cho rằng, các nước xung quanh Biển Đông phát triển hải quân là có nhu cầu bình thường (điều này là đương nhiên), chẳng hạn các nước như Malaysia, Singapore, Indonesia, ở eo biển Malacca, trước đây từng bị rất nhiều nước lớn can thiệp, có rất nhiều mối đe dọa an ninh, vì vậy họ phát triển một lực lượng hải quân bình thường, bảo vệ an ninh trên biển là cần thiết.

Doãn Trác nói: Hải quân Việt Nam trước đây là một lực lượng rất nhỏ yếu, trong lịch sử từng nhiều lần bị chủ nghĩa đế quốc xâm lược, trong đó có Pháp, Nhật Bản và Mỹ, hiện nay Việt Nam phát triển một lực lượng hải quân bình thường là điều “có thể hiểu được”.

Tàu chiến Hạm đội Nam Hải phóng đạn gây nhiễu trong cuộc tập trận

Một động thái lại là lần này Doãn Trác đã đổ tội và chỉ trích truyền thông phương Tây, cho rằng, có một số phương tiện truyền thông phương Tây chuyên nhấn mạnh việc Việt Nam và các nước xung quanh Biển Đông phát triển hải quân là nhằm vào Trung Quốc, điều này có ý đồ “chia rẽ Trung Quốc với các nước xung quanh Biển Đông”.

Tuy nhiên, Doãn Trác ngay lập tức lại nói rằng ông ta coi tàu ngầm của các nước xung quanh Biển Đông là mối đe dọa, cho rằng: “Phải nhìn thấy một tình hình thực tế, mật độ tàu ngầm ở Biển Đông ngày càng lớn, trong tương lai, Hải quân Trung Quốc hoạt động ở đây đương nhiên phải làm rõ vị trí tàu ngầm của các nước nào, Trung Quốc phải có khả năng như thế nào”.

Theo GDVN

 

 

 

 


Ý kiến của bạn