Nhầm lẫn tai hại
2 giờ sáng ngày 8/10, bệnh nhân P.T. Hồng (64 tuổi – Hà Nội) nhập viện tại Bệnh viện Hồng Ngọc trong tình trạng sốt cao, đau dữ dội đùi trái, không tự đi được. Qua khai thác bệnh sử, được biết bệnh nhân có tiền sử đau dây thần kinh tọa, đã khám và điều trị trước đó. "Chân tôi đau từ một tuần trước nhưng lúc đó vẫn đi lại được nên vẫn nghĩ đau thần kinh tọa như trước đây, và chỉ uống thuốc để giảm triệu chứng. Thế nhưng sau đó, chân bị đau tăng lên. Đến ngày thứ hai, tôi đau đến mức không ăn, không uống, không ngủ được nên mới nhập viện giữa đêm", bệnh nhân chia sẻ.
Qua thăm khám ban đầu, các bác sĩ nhận thấy vùng đùi trái của bệnh nhân sưng to, đỏ, đau nhiều, không có dấu hiệu đau lưng hay đau mông. Kết quả xét nghiệm máu cho thấy bạch cầu tăng, định lượng CRP (đo mức độ viêm trong cơ thể) tăng mạnh, cao gấp 41 lần mức cho phép. Với tình trạng này, các bác sĩ đưa ra chẩn đoán bệnh nhân có thể bị nhiễm trùng mô mềm hoặc xương hoặc mạch máu, hoàn toàn không liên quan đến đau dây thần kinh tọa.
"Bắt" đúng bệnh, trị đúng chứng
"Thời điểm bệnh nhân nhập viện gần như là vừa đến vừa khóc, không đi nổi, người nhà phải bế vào, chân trái hoàn toàn không co, không duỗi được, động vào là rất đau. Vùng đùi trái phù nề, sốt 39 độ, chúng tôi đã nghĩ ngay đến tình trạng nhiễm trùng vùng đùi trái nhưng chưa xác định được vị trí cụ thể" – BSCKI Dương Thị Thủy - khoa Nội cơ xương khớp Bệnh viện Hồng Ngọc, người trực tiếp tiếp nhận và điều trị ca bệnh cho biết.
Để xác định chính xác bệnh trạng, bệnh nhân được chỉ định thực hiện một số xét nghiệm máu và cận lâm sàng (chụp X-quang, MRI vùng đùi trái). Đúng như chẩn đoán, trên ảnh chụp MRI, ở vị trí 1/2 dưới xương đùi trái, tủy xương có đám tổn thương kích thước 25*63mm, tăng tín hiệu không đều trên T2W; trong khoang trước và sau cơ khép lớn có các ổ áp xe 10mm. Chẩn đoán xác định tình trạng viêm xương tủy vị trí 1/2 dưới xương đùi trái, áp xe cơ đùi trái.
Bệnh nhân ngay lập tức được tiến hành cấy máu và cho sử dụng kháng sinh phổ rộng, kết hợp điều trị theo phác đồ của bác sĩ.
Ba ngày sau, theo kết quả chụp X-quang kết hợp khai thác kỹ bệnh sử, bệnh nhân không có chấn thương, không gãy xương, không có vết thương hở, bác sĩ Thủy nghĩ đến khả năng: "Bệnh nhân bị đau thần kinh tọa do thoát vị đĩa đệm vùng cột sống thắt lưng và có đi châm cứu. Có thể, trong quá trình châm cứu không cẩn thận đã đưa vi khuẩn vào máu, đến khu trú vùng tủy xương và cơ đùi trái dẫn đến tình trạng viêm. Kết quả cấy máu đã chứng minh điều đó. Ở cả hai bên tay bệnh nhân đều thấy tụ cầu vàng - điều đó có nghĩa tác nhân gây nhiễm khuẩn là do tổn thương ngoài da xâm nhập".
Bệnh nhân P.T. Hồng được điều trị tích cực trong ba tuần và hồi phục một cách nhanh chóng.
"Lúc mới nhập viện, tôi đau tưởng chết, đố ai sờ cái chân đau này. Thế nhưng chỉ sau vài ba ngày điều trị tôi đã đỡ rất nhiều. Sau tuần đầu tiên đã có thể đi lại khá tốt. Nghe bác sĩ phân tích bác mới biết mình không phải bị đau dây thần kinh tọa mà bị viêm. May mắn là tôi vào Hồng Ngọc kịp thời, được chẩn đoán đúng bệnh, chữa đúng cách. Nếu không có cứ loanh quanh chữa dây thần kinh tọa có khi không còn cái chân này." – Bác P.T. Hồng xúc động kể lại.
Theo bác sĩ Dương Thị Thủy, viêm tủy xương và áp xe cơ là một nhiễm trùng sâu, có nguy cơ diễn biến nặng như sốc nhiễm trùng, hoại tử xương, tiêu xương và phải cắt chi nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Trường hợp của bệnh nhân Hồng, rất may là nhập viện kịp thời, đáp ứng kháng sinh nhanh. Sau 1 tháng điều trị, tình trạng bệnh nhân ổn định, đã đi lại bình thường và được xuất viện.
Bệnh nhân Hồng bồi hồi chia sẻ: "Lúc nhập viện được chẩn đoán bị viêm tủy xương, tôi hoang mang vô cùng, chỉ biết khóc. Thế nhưng đến giờ phút này sức khỏe đã ổn. Cảm ơn các bác sĩ Hồng Ngọc đã chữa trị, chăm sóc bác chu đáo, nhiệt tình. Mừng quá, tôi phải về thôi, ở nhà vẫn còn hai cháu nhỏ học online còn chờ tôi chăm sóc".
Bệnh nhân Hồng cười, vừa mừng vừa xúc động khi được ra viện bởi việc nhà, việc ở tổ dân phố vẫn còn đang chờ bà góp sức.