Tượng đài võ thuật bên sông Côn

19-05-2013 08:00 | Thời sự

Nhớ lại giữa năm 1998, tôi đến Trường Quân chính Binh đoàn 12 đóng ở thành phố Quy Nhơn, chuyến đi ấy có được điều may. Ông Ðại tá Hiệu trưởng đã không giấu niềm tự hào khi kể về miền quê đất võ của mình, có một người nổi tiếng là võ sư Phan Thọ.

Nhớ lại giữa năm 1998, tôi đến Trường Quân chính Binh đoàn 12 đóng ở thành phố Quy Nhơn, chuyến đi ấy có được điều may. Ông Ðại tá Hiệu trưởng đã không giấu niềm tự hào khi kể về miền quê đất võ của mình, có một người nổi tiếng là võ sư Phan Thọ. Võ sư từng một mình đánh chết một con heo độc ngót hai tạ; từng mấy lần hạ gục các võ sĩ Teakwondo thượng thặng Ðại Hàn... Sau đó tôi được Ðại tá cho về thăm quê ông và diện kiến người hàng xóm lừng danh ấy. Thế rồi bẵng đi nhiều năm, vừa rồi tôi có dịp trở lại và “Tượng đài võ thuật bên sông Côn” còn đó, tuy không thể múa “vù vù” các loại binh khí như trước. Cụ võ sư cười hiền bảo: Bao năm nay võ nghệ ngấm trong máu tui và nó cho tui sức khỏe dẻo dai cùng tuổi thọ…

Làng Thủ Thiện (xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) quê cụ ở bên dòng sông Côn có một biểu tượng là tháp Thủ Thiện. Giở lại lịch sử của hàng ngàn năm trước, nơi đây từng là đế đô của vương quốc Chăm Pa. Tháp xây bằng gạch nung, cao chừng 60 - 70m có nét giống với một số tháp Chàm vẫn gặp ở Nam Trung bộ. Võ sư Phan Thọ sinh năm Bính Dần (1926), người tầm thước rắn chắc và lò võ của cụ nổi tiếng nhất vùng, lúc tôi đến đang có vài chục môn sinh tập luyện chuyên cần. Chỉ lên ngọn tháp cụ bảo, tui vẫn đưa các môn sinh ra đây nhắc nhở: “thủ thiện” là làm việc thiện, giữ lấy cái thiện, nên các con rèn võ đạo để tu thân tích đức. Cụ có bốn con, hai gái đã ở riêng, còn hai trai là Phan Thanh Đức và Phan Thanh Sơn đều theo nghiệp cha, tài đức song toàn và thành người dạy võ giỏi.
Tượng đài võ thuật bên sông Côn  1
 Nanh con lợn bị võ sư hạ thời trai trẻ.

Sông Côn đang mùa cạn, nước xanh ngắt, có cây cầu tre bắc ngang nổi bật giữa cánh đồng lúa ngô tươi tốt. Cụ nhớ lại, năm lên chín tuổi thì cha mất, có người anh bị bệnh từ nhỏ nên phải thay con trưởng cùng mẹ làm lụng vất vả kiếm gạo nuôi cả nhà. Bên kia sông là An Vinh, An Thái - những làng võ nổi tiếng, đến năm 17 tuổi chàng trai Phan Thọ từ biệt mẹ khăn gói sang đó tầm sư học đạo. Ở đất võ này không ai học nhiều, học đến ngọn ngành như chàng: qua 8 thầy, suốt 15 năm liền. Sang An Vinh học với thầy Cai Bảy được 5 năm, rồi học thầy Tàu Sáu ở An Thái được 1 năm thầy qua đời; học tiếp hai thầy Lê Thái và Lê Thành Phiên trò giỏi của võ sư Hồ Ngạnh có tuyệt luân về roi, thước, xích... Ngần ấy năm, chàng thu nhận đủ thập bát ban binh khí, gồm: quyền, roi, siêu, kiếm, đao, cung, thương, kích, giản, phủ, chùy, côn, thước, xích, xà xâu, ba chỉa, chấn thiên và khăn xéo. Mỗi môn quấn cho chuẩn, phải học ít nhất 3 “thảo”, tổng cộng 18 môn là 54 “thảo”.

Tôi hỏi về chuyện cụ đập chết con heo rừng năm mới vào nghề, cụ liền mở hộp đưa ra cái nanh heo nhọn hoắt cong như mảnh trăng lưỡi liềm, dài cỡ một gang tay. Khoát tay về phía bờ sông, cụ bảo là ngày đó đã lùi xa hơn sáu mươi năm rồi, rừng lau lách còn nhiều nối tới chân núi và cánh đồng này thì trồng toàn mía. Con heo dữ dằn, to chẳng kém con bò mộng mấy nỗi, ai cũng bảo nó đã thành tinh rồi. Có một đêm từ rừng về nó quần thảo nát cả ruộng mía, sáng ra lại chĩa nanh húc bị thương hai người bạn của cụ. Muốn hạ nó, có sức khỏe, lại phải cần võ nghệ, mưu mẹo. Cụ tập hợp các bạn trai tráng trong thôn, mỗi người cầm cây tầm vông đứng xung quanh la hét, nhảy nhót kinh thiên động địa làm con vật rối trí. Cụ một mình cầm cái vồ đập đất to như cái ấm dành, nhẩy vô vòng trong. Phải hết sức mau lẹ tránh các cú húc khủng khiếp của nó. Quần nhau tới lui suốt 3 giờ đồng hồ, cuối cùng đã kết liễu đời nó bằng một cú đập trời giáng vào huyệt tam tinh. Cụ còn cười cười mà bảo, bà xã tui vừa may cho cái áo cổ vuông đã bị răng lợn lòi cày xước rách bươm, thiệt tiếc!

Diệt ác thú chỉ là chiến công đầu đời, những năm cuối thập kỷ sáu mươi của thế kỷ trước, khi  đã đủ độ chín về võ nghệ thì cụ đã hai lần hạ đo ván võ sư Đại Hàn trong sư đoàn Ngựa trắng, Trâu điên. Chả là ngày đó quân ngụy đóng ở Bình Nghi được võ sư Đại Hàn truyền cho kông phu, chúng thường dương dương tự đắc bảo võ Tây Sơn sao sánh được với võ Teakwondo Đại Hàn. Có viên thiếu tá tên Lee, đạt tới Tứ đẳng huyền đai công khai thách đấu với các võ sĩ Tây Sơn. Được sự khích lệ của bà con, Phan Thọ lúc đó mới ngoài ba mươi tuổi, nhận lời. Hắn còn nói khích: Anh mà thắng là có thưởng, thích gì? Tui ham gì giải của nó - Cụ kể - chỉ thấy nó hống hách quá, tui biểu chỉ cần một thùng lựu đạn để đánh cá thôi. Cái võ Đại Hàn hay ở cặp chân, nó đá rất lẹ, ban đầu tui chỉ né tránh, phòng thủ cho chắc. Thế rồi được ít phút, lúc nó tưởng đang chiếm thế thượng phong, thì tui dùng chiêu “Độc xà thám nguyệt” lặn qua háng, húc thẳng vào hạ bộ làm nó té nhào, chết giấc. Lần hai vào năm 1972, tui cũng đấu với một sĩ quan Hàn tại lễ hội ở Phố Núi Pleiku (Gia Lai). Đoàn Đại Hàn từ Sài Gòn lên, đoàn Tây Sơn do võ sư Hà Trọng Sơn dẫn đầu gồm 20 người. Lần lượt các võ sĩ của ta đều đánh thắng. Tên Joo có Ngũ đẳng huyền đai tháp tùng trưởng đoàn, nóng mặt nhảy ra thách đấu trận cuối cùng. Nhìn nó cao to nhiều người ngán. Tui  không do dự thượng đài. Thoạt trông không cân xứng cân lạng, nó như con bò mộng, tui nhỏ thó. Nó ra đòn vun vút, mình né hoài. Rồi chiêu “Độc xà thám nguyệt” lại tung ra đúng lúc, nó loạng choạng ít phút, gắng gượng ra hiệu xin hòa, không đấu tiếp nữa.

Tượng đài võ thuật bên sông Côn  2
 Võ sư Phan Thọ múa bài kiếm.

Còn lần thứ ba đụng võ sư Đại Hàn là sau ngày nước nhà thống nhất. Năm đó có đoàn võ sinh Hàn Quốc tham quan du lịch, đến đất võ Tây Sơn mong muốn được học hỏi giao lưu. Cụ năm đó đã bước sang tuổi 73. Phía bên kia có ý muốn thỉnh giáo người đứng đầu môn phái võ Bình Định của Việt Nam, cụ liền nói với cô phiên dịch là nhận lời thách đấu. Cô phiên dịch bảo: Bác cao tuổi rồi, nhỡ có thế nào thì khổ con cháu. Võ trường được lập ngay trước sân nhà tui - Cụ kể - Võ sĩ Hàn trạc tuổi trung niên, tung ngay cú đá cực mạnh, tui né, đà chân hắn đập mạnh vào cây cột trước hiên nứt toác. Mọi người nín thở lo cho tui. Cú đá thứ hai sắp tung ra. Chỉ chờ có thế, tui lại dùng độc chiêu như đã hạ hai bậc tiền bối của hắn trước đây, hắn đổ như cây chuối xuống sân gạch, rồi nhỏm dậy khoát tay xin thua...

Sau lần đầu về quê võ sư Phan Thọ, mấy năm tiếp theo tôi vẫn giữ liên lạc với gia đình cụ và thường nhận được thư, đôi khi có ảnh kèm theo. Có thư cụ kể về sự thành đạt của người con trai út, võ sư Phan Thanh Sơn, đang làm việc với Sở Thể dục Thể thao tỉnh để bàn kế hoạch chấn hưng võ cổ truyền Tây Sơn. Hàng năm, sau Tết âm lịch, vào ngày mùng 9 tháng giêng tại quê có lễ cúng tổ võ đường là hoàng đế Quang Trung, và cụ có ý mời, song vì bận việc tôi chưa về được. Thời gian thấm thoát trôi. Nay về lại, cụ võ sư đã bước sang tuổi 88 còn khỏe, minh mẫn, tuy lò võ từ lâu đã chuyển cho các con cháu trông coi. Cụ cười bảo là rửa tay gác kiếm lâu rồi, giờ chân tay đâu lẹ được như trước, múa chút đã vã mồ hôi, tui chỉ còn giúp người thuốc võ trị thương thôi...              

Bài và ảnh: Phạm Quang Đẩu

Ðược gặp lại con người huyền thoại miền đất võ, tôi chỉ còn cầu chúc cho cụ, một tượng đài võ thuật sừng sững, luôn được bình an, hưởng phúc - lộc - thọ cùng con cháu! Và dòng võ cổ truyền của dân tộc cứ truyền từ đời này sang đời khác không ngừng nghỉ, như dòng sông Côn mãi chảy, mãi trường tồn...

 


Ý kiến của bạn