Tưởng bổ, hóa độc

23-11-2011 22:41 | Thời sự
google news

Ngày 22/11/2011, PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết, bệnh viện vừa tiếp nhận 3 cháu bé là chị em ruột bị ngộ độc chì.

Thời gian gần đây, Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận một số bệnh nhân bị ngộ độc chì, nguyên nhân là do dùng thuốc nam không rõ nguồn gốc.

Lên cân chưa thấy, đã tử vong

Ngày 22/11/2011, PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết, bệnh viện vừa tiếp nhận 3 cháu bé là chị em ruột bị ngộ độc chì. Trước đó, thấy con xanh xao, mệt mỏi, chán ăn nên chị N.T.T. (ở Hải Hậu, Nam Định) đã mua thuốc bổ viên hình tròn, màu cam không rõ nguồn gốc của một người ở chợ gần nhà cho con uống. Thấy con ăn được, gia đình cứ nghĩ thuốc hiệu quả nên tiếp tục cho dùng. Đến khoảng 1 tuần sau, các cháu bắt đầu kêu đau bụng. Đầu tiên là con trai út mới 4 tuổi, sau đến con gái 11 tuổi và con trai 9 tuổi. Thấy vậy, gia đình đưa các cháu đi khám. Nghi ngờ ngộ độc, các bác sĩ ở Nam Định đã chuyển cả 3 cháu lên Bệnh viện Nhi Trung ương.
 
 Bệnh nhân ở Nam Định bị ngộ độc do dùng thuốc nam không rõ nguồn gốc được điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Ngọc Dũng
Do ngộ độc quá nặng, con út của chị T. đã tử vong đêm 19/11. Hai trẻ lớn hơn được chuyển tiếp sang Trung tâm Chống độc, rồi sang Khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai). Hiện tình trạng của bé gái rất nguy kịch. Các đánh giá cho thấy, cháu bị tổn thương não, thận, hệ tiết niệu; có thể bị ngộ độc asen. Lúc tỉnh táo, cháu la hét liên tục, vật vã, đau bụng, tiểu ra máu… Tình trạng bé trai nhẹ hơn nhưng phải lọc máu và điều trị kéo dài.

 Mẫu thuốc nam Hồng đơn không rõ nguồn gốc có lượng độc tố chì lớn.
Trước đó, Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai cũng tiếp nhận bệnh nhân là Lê Văn N. bị chứng rối loạn mồ hôi chân tay, nhập viện sau 2 tuần uống thuốc nam không rõ nguồn gốc với các biểu hiện mệt mỏi, vàng da và mắt... Qua thăm khám và xét nghiệm, các bác sĩ tại Trung tâm Chống độc đã xác định được nguyên nhân có nguồn gốc từ chì có trong viên Hồng đơn (một loại thuốc tễ không có nguồn gốc rõ ràng mà bệnh nhân đã uống).

Lở loét xin đừng bôi thuốc tùy tiện

Hiện nay, bệnh tay - chân - miệng (TCM) vẫn đang diễn biến phức tạp ở các địa phương. Các phương tiện truyền thông cũng dành thời lượng đáng kể để tuyên truyền cách nhận biết và phòng ngừa bệnh TCM. Tuy nhiên, không ít các bậc phụ huynh khi thấy con mình có nốt ban đỏ xuất hiện trên người là hoảng sợ thái quá. Do TCM là bệnh chưa có vaccin phòng chống, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên rất nhiều bệnh nhân khi có biểu hiện mắc bệnh đã đi tìm cách chữa bệnh bằng thuốc nam. Trong khi đó, không ít “lang băm” đã lợi dụng tình trạng này để lừa bịp bệnh nhân, bán thuốc lấy tiền mà không quan tâm đến hậu quả có thể gây ra. Thực tế tại BV Nhi Trung ương, Khoa Nhi, Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai thời gian qua cũng đã tiếp nhận khá nhiều bệnh nhân TCM vào điều trị do tự ý điều trị tại nhà dẫn đến ngộ độc cấp.
 
Tiến sĩ Phạm Duệ, Giám đốc Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai cho biết, có những trường hợp bệnh nhân TCM khi nhập viện được bác sĩ giải thích rằng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu mà chỉ theo dõi, điều trị triệu chứng thì tỏ ra thất vọng và quyết định xin về để điều trị bằng thuốc nam. Phổ biến nhất là sử dụng các loại thuốc nam dạng bột, viên để bôi lên miệng, vòm lưỡi nhằm chữa triệu chứng loét miệng. Trong khi đó, các loại thuốc nam không rõ nguồn gốc, được chế biến không an toàn có thể nhiễm kim loại (đặc biệt là nhiễm chì) và nếu sử dụng để bôi lên miệng, lưỡi thì nguy cơ gây ngộ độc cấp rất cao.

Theo các bác sĩ ở Trung tâm Chống độc - BV Bạch Mai, có trường hợp bé 1 tuổi bị nhiễm độc chì do mẹ sử dụng thuốc cam màu đỏ về bôi hăm và trị lở loét. Cháu nhập viện trong tình trạng còi cọc, yếu ớt, da xanh xao, gia đình cho đi khám và được chẩn đoán ban đầu là thiếu máu. Trung tâm Chống độc cũng đã xét nghiệm thuốc bé đã dùng, kết quả cho thấy, trong loại “thuốc cam” màu đỏ này có hàm lượng chì cao.

Tiến sĩ Phạm Duệ cho biết, điều trị cho các bệnh nhân ngộ độc chì mạn có thể kéo dài hàng năm trời và những di chứng về thể chất và trí não thì khó có thể hồi phục. Trẻ em ngộ độc chì rất nguy hiểm, nhất là tình trạng ngộ độc mạn tính vì không chỉ nhiễm chì trong máu, mà chì còn xâm nhập vào các tổ chức xương, não, các bộ phận khác trên cơ thể… khiến trẻ chậm phát triển cả về thể chất và trí tuệ. “Thuốc nam nếu chữa đúng thuốc (thuốc đã được kiểm định, đăng ký chất lượng), đúng bệnh cũng có hiệu quả. Tuy nhiên, tránh tình trạng sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc, dùng thuốc theo truyền miệng, lặn lội xa xôi tới những thầy lang “danh tiếng” do đồn thổi. Bởi những loại thuốc tự pha chế, thiếu kiến thức chuyên môn... sẽ dễ gây ra nhiều mối nguy cho sức khỏe”, TS. Duệ cảnh báo.

Bài và ảnh: NGỌC DŨNG

 


Ý kiến của bạn