Hà Nội

Tưởng bình thường khi đau âm ỉ kéo dài vùng gối trái: Nữ sinh 16 bị ung thư xương mà không biết

25-11-2019 22:58 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - Chỉ là những cơn đau âm ỉ vùng quanh đầu gối trái, không đỡ cả khi vận động hoặc khi nghỉ ngơi. Không sốt, không sút cân, ăn uống và sinh hoạt bình thường… đó là những điều mà nữ sinh 16 tuổi Lương Thị Trúc U ở Hữu Lũng, Lạng Sơn đã trải qua trong 5 tháng. Nữ sinh U. không ngờ rằng, mình đã mắc phải căn bệnh ung thư xương có thể khiến mất mạng hoặc tàn tật suốt đời...

 

Khối u ác tính phá hết thành sau vỏ xương đùi

Đến đầu tháng 10 vừa qua, các cơn đau không còn ngắt quãng và âm ỉ nữa mà chuyển sang đau dữ dội cả ngày lẫn đêm, không thể chịu nổi nữa, nữ sinh U. được gia đình đưa đi khám tại bệnh viện huyện.

Qua quá trình thăm khám và chụp xquang, phát hiện một khối bất thường ở đầu dưới xương đùi trái, bệnh viện huyện đã chuyển Trúc U xuống bệnh viện Đại Học Y Hà Nội để khám và làm các xét nghiệm chẩn đoán thêm.

Chân của nữ sinh Trúc U 16 tuổi trước (trên) và sau (dưới) phẫu thuật ở tư thế duỗi tối đa           Ảnh BSCC

Ở Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, PGS.TS Trần Trung Dũng – Giảng viên trường Đại học Y Hà Nội, đã trực tiếp khám cho U. và phát hiện khối bất thường kích thước 6cm x 8cm ở phần sau đầu dưới xương đùi trái gây hạn chế cử động gối trái, vận động thụ động: duỗi được 20 độ, gấp được 90 độ, rất khó khăn trong việc đi lại. Thêm nữa, đau gối lan xuống chỗ bàn chân, vận động chủ động còn kém hơn

Phim chụp cắt lớp vi tính cho thấy, u đầu dưới xương đùi phá hủy hết thành sau vỏ xương đùi và trên phim chụp cộng hưởng từ thấy khối u lan ra phần mềm phía sau, xâm lấn phá vỡ vỏ xương và diện khớp. Nhận thấy đây là khối u ác tính nguy hiểm nên PGS.TS Trần Trung Dũng đã chuyển nữ sinh sang Bệnh viện K Tân Triều để phối hợp với các bác sĩ ở đấy điều trị bệnh lý ung thư xương đùi cho bệnh nhân.

Chân của nữ sinh Trúc U 16 tuổi trước (trên) và sau (dưới) phẫu thuật ở tư thế gấp tối đa          Ảnh BSCC

Các bác sĩ đã rất khó khăn khi đưa ra quyết định cuối cùng

Bà Hoàng Thị K (44 tuổi) mẹ của nữ sinh Trúc U chia sẻ, lúc đầu, do gia đình quá chủ quan đến dấu hiệu đau khớp gối của cháu, cứ thấy cháu đau chân là lại tưởng bình thường, cho cháu uống thuốc giảm đau nhiều ngày liền, giờ nghĩ lại mới thấy tôi phải cho cháu đi khám sớm hơn mới đúng, chứ nếu không thì đã không đến nông nỗi này

Tại bệnh viện K Tân Triều, nữ sinh đã được làm thêm xét nghiệm, chụp xạ hình xương và cắt lớp lồng ngực để phát hiện di căn của u, nhưng không phát hiện di căn ra các bộ phận khác.

Đứng trước ca bệnh là nữ sinh, trẻ tuổi, lại bị u xương phá hủy toàn bộ phần lồi cầu xương đùi, hội đồng hội chẩn đã rất khó khăn khi đưa ra quyết định cuối cùng.

Nếu quyết định cắt cụt chi thể để triệt căn u cho nữ sinh, thì nữ sinh vĩnh viễn mất đi chân trái, mất chức năng chân, không thể đi lại và không những thế lại mất đi sự duyên dáng của một người con gái mới lớn, ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của nữ sinh và tương lai sau này.

Nếu bảo không cắt chân trái thì là thách thức lớn đặt ra là vừa phải đảm bảo phẫu thuật cắt rộng rãi xương nhằm loại bỏ triệt căn khối u, vừa phải tạo hình lại khớp cho nữ sinh có kích thước xương nhỏ khả năng còn phát triển, tránh chân dài chân ngắn về sau khi xương phát triển dài thêm.

Lần đầu tiên thay khớp gối ở trẻ em tại Việt Nam

Dụng cụ khớp gối có mudule chuôi dài                       Ảnh BSCC

Sau nhiều lần hội chẩn, cân đo đong đếm giữa các phương án và mong muốn của gia đình, cuối cùng hội đồng hội chẩn đưa ra phương án cắt khối u và phần mềm rộng rãi, thay khớp gối nhân tạo chuôi dài cho nữ sinh. Bù khoảng mất xương bằng module kim loại, module này có thay đổi kích thước khi xương phát triển thêm, đây là thế hệ khớp tân tiến trên thế giới hiện nay.

Và nữ sinh 16 tuổi này sẽ là bệnh nhân trẻ tuổi đầu tiên ở Việt Nam được áp dụng thay thế bộ khớp hiện đại này.

PGS.TS Trần Trung Dũng, bác sĩ trực tiếp phẫu thuật cho nữ sinh chia sẻ: “Ở Việt Nam hay trên thế giới, thay khớp gối ở bệnh nhân dưới 20 tuổi là một điều rất hiếm và chỉ định thay khớp gối ở bệnh nhân trẻ là rất nghiêm ngặt, tuy nhiên, trong trường hợp này, đây lại là phương án tốt nhất cho nữ sinh này, để giữ được chức năng của chân và tránh tàn tật suốt đời”.

Phần khuyết xương sau khi cắt u xương (trái) và phần dụng cụ khớp gối có module sau khi lắp hoàn chỉnh (phải).

Ảnh BSCC

BS Phạm Sơn Tùng – Đơn nguyên khớp gối và cổ chân BVĐK Xanh Pôn, thành viên ca mổ cho biết, thay khớp gối là một kỹ thuật khó, hiện nay không nhiều bệnh viện có thể làm được, hơn nữa, với nữ sinh này, vì mất 1 đoạn xương do phải cắt đi do ung thư nên chúng tôi phải thay khớp có module bù vào phần xương mất đi do cắt u xương

Ca mổ được diễn ra tại Bệnh viện K Tân Triều, dưới sự gây mê của bác sĩ Nguyễn Ngọc Quỳnh, ekip phẫu thuật gồm: PGS.TS Trần Trung Dũng, BS Phạm Sơn Tùng (BVĐK Xanh Pôn) và BS Hoàng Tuấn Anh, BS Nguyễn Trần Quang Sáng, BS Trần Đức Thanh (đơn vị phẫu thuật ung thư xương và phần mềm, Bệnh viên K Tân Triều), ca mổ diễn ra trong vòng 3 tiếng đồng hồ và nữ sinh chỉ mất có khoảng 500ml máu. Ca mổ thành công hơn cả mong đợi của ekip phẫu thuật.

Hình ảnh khối u (trái) và sự phá hủy xương (phải).                            Ảnh BSCC

Bs Hoàng Tuấn Anh cho biết sau khi thực hiện ca mổ: Khối u thực sự phức tạp, phá vỡ toàn bộ vỏ xương lành của khối lồi cầu xương đùi khiến cho việc bóc tách khối u xương là rất vất vả, hơn nữa khối u lại lan nhiều ra phần mềm phía sau, đi sát vào phần mạch máu và thần kinh phía sau, chúng tôi đã rất vất vả mới có thể bóc tách khối u đó ra an toàn mà không gây bất cứ một biến chứng gì. Sau mổ mạch máu cung cấp cho phần phía dưới tốt, chúng tôi lúc đó mới thực sự an tâm về ca mổ’

Hiện tại, sau 5 ngày sau mổ, sức khỏe của nữ sinh U. đã phục hồi rất tốt, vết mổ khô, không chảy dịch, nữ sinh đã bắt đầu tập phục hồi chức năng và cho đi lại dần dần để thích nghi với bộ khớp gối mới. Hình ảnh chụp Xquang sau mổ hoàn toàn đảm bảo các thông số kỹ thuật và nữ sinh đã có thể đứng dậy bằng chính đôi chân của mình mà chỉ có sau có 5 ngày mổ. Tuy nhiên, nữ sinh vẫn cần tập phục hồi chức năng thêm nữa để phục hồi lại chức năng của khớp gối.

5 ngày sau ca phẫu thuật, nữ sinh 16 tuổi đã băt đầu tập phục hồi chức năng            Ảnh BSCC

Cảnh giác với đau âm ỉ

Bs Nguyễn Trần Quang Sáng khuyến cáo đến cộng đồng, nhất là các bậc làm cha và làm mẹ, đó là cần quan tâm đến những cơn đau của các con.

Tuyệt đối không được coi thường bất cứ các dấu hiệu nào bất thường của con mình. Khi thấy con mình bị đau ở một bộ phận nào đó dài ngày thì phải đưa con mình đến các cơ sở y tế tin cậy để được khám, chẩn đoán và điều trị một cách sớm và tốt nhất. Tự động uống thuốc, đặc biệt là thuốc giảm đau có thể dẫn đến nhiều hệ quả khôn lường.

 


Thái Bình- Tùng Sơn
Ý kiến của bạn