Tương Bần ở gần... ngộ độc!

18-03-2009 16:40 | Xã hội
google news

Ngày 14/3, đoàn thanh, kiểm tra của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), Bộ Y tế đã tiến hành làm việc với Sở Y tế tỉnh Hưng Yên về công tác ATVSTP tại địa phương.

Ngày 14/3, đoàn thanh, kiểm tra của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), Bộ Y tế đã tiến hành làm việc với Sở Y tế tỉnh Hưng Yên về công tác ATVSTP tại địa phương. Qua kiểm tra, đoàn đã phát hiện 2/3 cơ sở sản xuất kinh doanh chế biến thực phẩm vi phạm về ATVSTP. Đoàn kiểm tra cũng đã tiến hành lấy mẫu nước, mẫu tương về xét nghiệm và sẽ cho kết quả trong thời gian tới...

Nhìn thấy mà kinh

Theo chân đoàn kiểm tra, chúng tôi có mặt tại xưởng sản xuất đặc sản gia truyền tương Bần của Công ty TNHH Triệu Sơn (địa chỉ 80 Thị trấn Bần Yên Nhân, Mỹ Hào, Hưng Yên). Đây là cơ sở có sự đầu tư khá bài bản, được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP, công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm... Tuy nhiên, toàn bộ mặt bằng sản xuất tương lại nằm ngay cạnh nghĩa trang, bên cạnh là mương thoát nước thải của KCN Phố Nối gây ô nhiễm môi trường. Theo phản ánh của chủ cơ sở, sự ô nhiễm này đã kéo dài vài năm nay, người dân trong khu vực đã nhiều lần phản ánh với cơ quan chức năng nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. Trong khi đó, nguồn nước để làm tương của cơ sở này lại là nguồn nước giếng khoan, mỗi ngày sản xuất và cung cấp khoảng 1.500 chum tương ( 100 lít tương/chum) ra thị trường. Ông Ngô Xuân Tân, đại diện cơ sở cho biết, để đảm bảo chất lượng nguồn nước, gia đình đã thuê thợ về đào giếng với độ sâu gần 100m cho nên nguồn nước hoàn toàn được đảm bảo. Hơn nữa, gia đình cũng đã lấy mẫu nước đi kiểm tra, xét nghiệm kết quả đạt độ an toàn về chất lượng nước. Ông Tân cũng cho biết thêm, để cho ra tương thành phẩm phải mất khoảng thời gian khá dài (3 tháng đối với mùa hè, mùa đông sẽ lâu hơn tùy thuộc vào thời tiết) trong khi đó thời hạn sử dụng chỉ được giới hạn trong 12 tháng. 

 Các chum tương mở nắp thu hút rất nhiều ruồi nhặng.

Tại cơ sở sản xuất đặc sản tương Bần của doanh nghiệp Thư - Tiến (thị trấn Bần Yên Nhân) việc không đảm bảo  ATVSTP diễn ra khá phổ biến. Hàng chục chum tương đang trong quá trình ủ cho ra thành phẩm được mở nắp khiến tương bốc mùi thu hút ruồi nhặng bu bám. Nguy hại hơn, một số chum tương còn kèm theo cả đặc sản... ruồi trước khi được đóng chai và phân phối tới tay người tiêu dùng. Không chỉ vậy, khu vực chế biến nguyên liệu cũng là điều đáng bàn, gần chục thúng gạo nếp nguyên liệu sau khi vo  được đặt ngay trên sàn nhà bẩn, phân nửa trong số đó được chủ cơ sở tận dụng diện tích bằng cách cho cả vào khu nhà vệ sinh. Ngoài ra, các công nhân tham gia chế biến thực phẩm không thực hiện đầy đủ các tiêu chí về ATVSTP như không đeo găng tay, đồ bảo hộ, khẩu trang..., các vỏ chai đựng sản phẩm đều là những vỏ nhựa được tái sử dụng từ những chai dầu ăn như Neptune, Simply... cũ kỹ. Đặc biệt, trên nhãn mác lại không ghi rõ nhà sản xuất, hạn sử dụng đối với từng đơn vị tương thành phẩm. Ngoài ra, cơ sở này cũng chưa được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về ATVSTP, chưa có công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, các trang thiết bị phục vụ chế biến đều không đạt tiêu chuẩn về ATVSTP...

Lý giải về những vấn đề trên, chủ cơ sở sản xuất cho biết, việc cơ sở không thực hiện đầy đủ các quy định bởi vì từ trước đến giờ không có ai đến kiểm tra, hướng dẫn. Còn về việc không ghi rõ nhà sản xuất, hạn sử dụng trên sản phẩm vì tương để càng lâu ăn sẽ càng ngon?

Cũng trong đợt kiểm tra, đoàn kiểm tra đã tiến hành kiểm tra cơ sở sản xuất nước uống tinh khiết, hiệu Special của Công ty TNHH Chuyển giao công nghệ Việt Thái (địa chỉ Phan Bôi, Dị Sử, Mỹ Hào, Hưng Yên). Tại thời điểm kiểm tra cho thấy, nơi sản xuất chật hẹp,  không xuất trình được giấy tờ liên quan như giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP, công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm. Đoàn kiểm tra đã lập biên bản tạm đình chỉ hoạt động sản xuất và giao y tế địa phương kiểm tra, xử lý theo quy định.  

Đẩy mạnh kiểm tra, hậu kiểm  bảo đảm ATVSTP

BS. Đặng Xuân Duẫn, Trưởng phòng y tế huyện Mỹ Hào cho biết, trong tổng số 389 cơ sở sản xuất, chế biến kinh doanh thực phẩm, dịch vụ nhà hàng ăn uống, thức ăn đường phố trên địa bàn, hiện đã cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP cho 16 cơ sở. Trong đó, tại làng nghề tương Bần đã cấp giấy chứng nhận ATVSTP cho 15 hộ. Việc tiến hành cấp giấy chứng nhận ATVSTP hiện còn nhiều khó khăn bởi sự thiếu hợp tác của các cơ sở sản xuất, chế biến kinh doanh thực phẩm. Đặc biệt là các quầy hàng thức ăn đường phố. Để kiểm soát, ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức của người kinh doanh, người tiêu dùng, y tế huyện cũng có kế hoạch thường xuyên thanh kiểm tra, đặc biệt là quá trình hậu kiểm nhằm phát hiện và xử lý các vi phạm.

Ông Nguyễn Duy Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hưng Yên cho biết thêm, trong năm 2008, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 8 vụ ngộ độc thực phẩm trong đó có 5 vụ với số người mắc từ 30 người trở lên. Đây chính là hồi chuông báo động về tình trạng ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể và do thức ăn đường phố gây nên. Trong tổng số 2.170 cơ sở sản xuất, chế biến kinh doanh thực phẩm trên địa bàn, hiện mới cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP cho 175 cơ sở.

Hoàng Anh


Ý kiến của bạn