56% người hút thuốc ở bắt đầu hút trước tuổi 20
Theo Văn phòng Chương trình phòng chống tác hại của thuốc lá (Vinacosh)- Bộ Y tế, mỗi người hút một điếu thuốc sẽ tự làm mất đi 5,5 phút cuộc đời. Tuổi thọ trung bình của người hút thuốc ngắn hơn so với người không hút 5-8 năm. Hút thuốc làm tăng tỷ lệ tử vong từ 30 đến 80%, chủ yếu là do các bệnh ung thư (ung thư phổi), phổi tắc nghẽn mãn tính, tim mạch… Một người đàn ông 30 tuổi trở lên nếu hút 20 điều thuốc lá một ngày sẽ chết sớm 6 năm. Đặc biệt nguy hại khi có đến 30% phụ nữ và trẻ em cũng đang phải hít khói thuốc độc một cách thụ động, kéo theo một loạt những căn bệnh hiểm nghèo.
Hút thuốc là nguyên nhân chính gây ung thư phổi. Tổ chức Y tế Thế giới cho biết, tỷ lệ mắc ung thư phổi trên toàn cầu tăng khá nhanh trong 60 năm qua, tăng hơn nhiều so với các loại ung thư chính khác. Con số này cho thấy sự liên quan mật thiết với việc số người hút thuốc tăng lên. Chỉ khoảng 13% bệnh nhân ung thư phổi sống sót sau 5 năm.
Trong khi Việt Nam nằm trong nhóm 15 nước có số người hút thuốc lá nhiều nhất thế giới, trung bình cứ 2 nam giới từ 15 tuổi trở lên có 1 người hút thuốc. Phần lớn người hút thuốc bắt đầu hút khi còn rất trẻ. 56% người hút thuốc ở bắt đầu hút trước tuổi 20. BS Nguyễn Tuấn Lâm, Văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam cho biết, trong 20 năm qua, Thái Lan đã duy trì được lượng tiêu thụ thuốc lá bình quân một năm là trên 2 tỷ bao nhờ tăng thuế thuốc lá. Việt Nam thì không duy trì được kết quả này, ngược lại tăng rất nhanh từ 2 tỷ bao lên hơn 4 tỷ.
Mỗi năm người Việt chi đến 22.000 tỷ đồng để mua thuốc lá
TS Lương Ngọc Khuê, Giám đốc Quỹ phòng chống tác hại của thuốc lá cho biết, tổng kết báo cáo của 1.200 bệnh viện cho thấy các bệnh không lây nhiễm chiếm 67-73% số người bệnh đang nằm viện điều trị, gây quá tải cho hệ thống y tế. Trong đó chủ yếu là do các bệnh liên quan đến thuốc lá gây nên: tim mạch, tăng huyết áp, đột quỵ; 97,8% các bệnh ung thư phổi là liên quan đến thuốc lá.
Theo ông Nguyễn Tuấn Lâm, Tổ chức Y tế Thế giới, tăng tuổi thọ ở ViệtNam là kết qua nhiều biện pháp áp dụng trong những năm qua như: dinh dưỡng, vệ sinh, tiến bộ trong chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em... Thực tế thuốc lá đang kéo ngược lại chỉ số này nhưng lực kéo chưa đủ mạnh. “Trong năm 1990, lượng thuốc lá người Việt sử dụng rất ít hơn 1 tỷ bao, ảnh hưởng của nó sẽ đến trong 20-25 năm. Vì thế, hiện nay những ảnh hưởng của thuốc lá mà chúng ta thấy được ít do lượng tiêu thụ ít. Còn với 5 tỷ bao tiêu thụ vào năm 2013 thì đợi 20-30 năm nữa hậu quả sẽ rất nghiêm trọng, cùng với già hóa dân số, các bệnh ung thư, chuyển hóa, tim mạch sẽ rất nặng nề, tốn kém”, ông Lâm khuyến cáo.
Cũng theo Bộ Y tế, mỗi năm người Việt chi đến 22.000 tỷ đồng để mua thuốc lá. Điều này đồng nghĩa với việc mỗi năm phải chi thêm 23.000 tỷ đồng để chữa bệnh liên quan đến thuốc lá - chỉ tính 5/25 bệnh có liên quan. Gánh nặng bệnh tật do thuốc lá rất lớn, không chỉ với bản thân người hút mà cả những người hút thụ động. Nó là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu lẽ ra có thể phòng tránh được. Ước tính mỗi năm Việt Nam có 40.000 trường hợp tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá.
Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá tại Việt Nam thấp gần nhất trong khu vực ASEAN
Để giảm những nguy hại do khói thuốc mang lại, tăng thuế là một giải pháp hiệu quả. Tại Việt Nam hiện thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá thấp gần nhất trong khu vực ASEAN, chỉ cao hơn mức thuế của Campuchia, rất thấp so với các nước phát triển (Pháp 80%, Đức 73%).
Từ bỏ thuốc lá để bảo vệ mình và cộng đồng
Hiện có 3 phương án đề xuất tăng thuế thuốc lá, phương án một đề xuất tăng thuế thuốc lá vào hai thời điểm 2016 và 2019 - mỗi lần tăng 5%, lên tối đa 70%; Phương án hai: Tăng từ 65 lên 105% vào năm 2015, sau 3 năm tăng tiếp lên 145%; Phương án ba: Thời điểm tăng như phương án hai nhưng mức tăng nhẹ hơn - tăng 40% cho cả 2 lần lên tối đa 105%.
“Nếu mức tăng thuế thuốc lá là phương án 1 hầu như không có tác động tới việc giảm tiêu dùng, giảm tỷ lệ hút thuốc lá. Còn nếu theo phương án 2 là lý tưởng, theo tính toán nếu thuế thuốc lá tăng từ 65 lên 105% tỷ lệ hút thuốc của nam giới sẽ giảm từ 47,4% năm 2014 xuống 39% vào năm 2020. Số người hút thuốc sẽ giảm từ hơn 15 triệu còn 13 triệu và sẽ ngăn ngừa được gần 730.000 ca tử vong sớm do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá. Phương án ba chỉ có tác dụng giữ cho sức mua thuốc lá không tăng”, ông Khuê phân tích