Tim là bộ phận quan trọng của cơ thể, có nhiệm vụ bơm máu đều đặn để theo các động mạch đem dưỡng khí và các chất dinh dưỡng đến toàn bộ cơ thể. Khi tiến trình hoạt động của tim bị gián đoạn hoặc bị trục trặc, nhiều sự cố nghiêm trọng có thể sẽ xảy ra, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
Sự hình thành của trái tim
Trái tim được hình thành từ trong bụng mẹ, nghĩa là sau khi thụ tinh khoảng 13 ngày, hình dạng của trứng trong tử cung đã có rất nhiều sự thay đổi. Từ ngày thứ 16, phôi thai xuất hiện hai mạch máu tạo thành hai ống dẫn của tim. Mặc dù lúc này, hình dáng của tim thai vẫn chưa hình thành, nhưng nó cũng đã bắt đầu đập do những hoạt động co bóp và làm theo đúng chức năng của một quả tim thực thụ. Đến cuối tháng thứ nhất, phôi thai dài thêm khoảng 1 cm, tim của thai nhi cũng đi vào quá trình hoàn thiện hơn. Ở tuần thai thứ 5 ( nếu tính từ thời điểm thụ thai thì thai nhi của bạn được 3 tuần tuổi), chiều dài của phôi thai chỉ khoảng 1,25mm. Phôi đã hình thành rất nhiều tế bào. Cuối tuần thứ 5 này, phôi bắt đầu có hình hài, ống thần kinh chạy dọc suốt chiều dài của phôi. Phần này về sau sẽ thành cột sống và não của bé. Phần trên của ống thần kinh đã bắt đầu phẳng ra và sau này sẽ tạo nên phần mặt trước của não. Một hạt nhỏ ở giữa phôi sẽ sớm phát triển thành trái tim. Đến tuần thứ 7, tim lớn dần lên trong cơ thể thai nhi và bắt đầu phân chia thành hai buồng tim: trái và phải. Tim thai bắt đầu đập nhẹ và hoàn thiện nhanh chóng hơn khi thai nhi ở tuần thai thứ 11, khoảng tuần thứ 12, tim của bé gần như đã hoàn thiện. Ở tuần thai thứ 14, tim thai đập rõ ràng hơn. Đặc biệt ở tuần thai thứ 16, tim của thai nhi đã có thể bơm máu với lượng khoảng 24lít/ngày và số lượng này sẽ tiếp tục tăng cùng với sự phát triển của bé. Lúc này, tim đã hoàn chỉnh về mặt cấu tạo và đảm nhiệm chức năng của mình. Từ các tuần thai tiếp theo cho đến lúc bé chào đời, tim của thai nhi tiếp tục lớn hơn về kích thước, khối lượng. Bình thường, tim thai đập từ 120 - 160 lần/phút, nhưng khi “bé” cựa quậy nhiều thì tim có thể đập nhanh đến 180 lần/phút, nhưng nó vẫn ở trạng thái bình thường. Theo khảo sát của các nhà khoa học thì tim của thai nhi mang giới tính nữ sẽ đập nhanh hơn tim của bé mang giới tính nam.
Ăn nhiều chất béo không tan có thể làm tăng nguy cơ gây bệnh tim mạch và tai biến mạch máu não.
Hãy lắng nghe tiếng nói của trái tim
Nhiều nhà nghiên cứu cho biết, vào tuổi trung niên, trái tim bắt đầu mắc bệnh do nhiều yếu tố. Tuy nhiên, ngày nay, nhiều nhà chuyên môn lại có những quan điểm mới thích hợp xu thế bởi con người ở bất kỳ độ tuổi nào cũng đều có thể mắc bệnh tim. Những nguyên nhân chính thường thấy là do hút thuốc, bệnh đái tháo đường hoặc do di truyền từ bố mẹ, người thân ruột thịt, trong đó, việc hút thuốc lá nhiều và thường xuyên sẽ gây gia tăng bệnh đau tim ở mức độ trầm trọng. Ngoài ra, nếu trong gia đình có bố mẹ hoặc người thân liên quan trực tiếp mắc bệnh tim, bạn cũng dễ có nguy cơ bị di truyền cơn đau tim, đặc biệt là phụ nữ. Theo các nhà nghiên cứu, phụ nữ rất dễ mắc các triệu chứng của cơn đau tim nên cần phải hết sức chú ý đến những tín hiệu đặc biệt phát ra trong cơ thể. Có thể không có cảm giác đau trong cổ họng hoặc đau 2 bên bả vai. Nhưng nếu bạn cảm thấy xuất hiện một luồng cảm giác lạ khác thường khiến bạn lo lắng..., xin hãy lập tức đến bác sĩ kiểm tra sức khỏe ngay lập tức. Ngoài ra, ngay cả khi bạn không mắc một trong các triệu chứng đau tim, bạn cũng phải năng đến bác sĩ để được thực hiện các xét nghiệm kiểm tra theo định kỳ, bởi cơ thể bạn có thể bị các cơn đau tim tấn công bất kỳ lúc nào mà không cần sự thông báo trước”. Một trắc nghiệm về stress, một kiểm tra huyết áp, một xét nghiệm về cholesterol và bất kỳ một xét nghiệm nào khác để kiểm tra sức khỏe cũng đều hữu ích bởi chúng có thể giúp bác sĩ sớm phát hiện và chẩn đoán các bệnh tật trong cơ thể nếu có.
Và những nguy cơ
Từ lâu, các nhà chuyên môn đã thực hiện các nghiên cứu để tìm hiểu về các nguy cơ của bệnh tim mạch. Một trong các nguy cơ chủ yếu được nói tới nhiều nhất là do chế độ ăn uống và hoạt động của con người. Chế độ ăn có lượng chất béo không tan cao có thể làm tăng nguy cơ gây bệnh tim mạch và tai biến mạch máu não.
Tổ chức Y tế Thế giới ước tính, chế độ ăn góp phần vào khoảng 31% các ca bệnh tim mạch vành và 11% các ca tai biến mạch máu não. Lười vận động cũng làm tăng nguy cơ bị tim mạch và tai biến mạch máu não lên 50%.
Lão hóa được coi là một yếu tố dẫn đến nguy cơ cao hơn với bệnh tim mạch. Trong khi người ta không thể chống lại được quy luật tự nhiên là già hóa, người ta vẫn có thể kiểm soát được các yếu tố có thể dẫn đến các bệnh về tim mạch, đó là duy trì mức cholesterol và triglycerid trong máu thấp. Thử máu là biện pháp phổ biến nhất hiện nay để kiểm soát mức cholesterol và triglycerid trong máu. Tuy nhiên, một trong các dấu hiệu tuổi già cũng có thể cho người ta biết trước được nguy cơ bị cholesterol cao - đó là các u mỡ thường xuất hiện ở quanh mi mắt của những người lớn tuổi.
Với các trường hợp chân tóc lùi ra sau, một dấu hiệu khác của tuổi già, các bác sĩ giải thích có thể có liên quan đến testosteron trong máu, một loại hormon. Thường lượng hormon này sẽ giảm khi tuổi già.
Mặc dù một số dấu hiệu của tuổi già có thể dự báo sớm nguy cơ bị bệnh tim mạch, tuy nhiên, ngày nay, cuộc sống khiến tuổi trẻ cũng có nguy cơ mắc bệnh tim mạch gia tăng. Điều quan trọng là cần khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm những nguy cơ chứ không hẳn trái tim có tuổi mới mắc bệnh.
BS. Tuấn Anh