Những loại u cục nào thường xuất hiện ở “núi đôi”
Con gái đến tuổi dậy thì, ngực phát triển là điều bình thường. Do sự tăng và giảm hormon sinh dục nữ (estrogen và progesterone), sẽ làm cho tuyến vú của thiếu nữ phát triển to lên và thậm chí có cả các loại u cục khác thường. Những u cục này có phải ung thư không? Câu trả lời là: dù hiếm nhưng vẫn có thể là ung thư vú. Nhưng các bé gái dưới 14 tuổi hiếm khi bị ung thư vú. Nguy cơ ung thư vú sẽ tăng nhẹ khi các em gái bước qua tuổi thiếu niên với tỷ lệ ca mắc ung thư vú là 1/1 triệu người ở tuổi này.
May mắn là hầu hết các khối u ở vú trong độ tuổi vị thành niên đều là u xơ. Do sự phát triển quá mức của mô liên kết trong vú gây ra u xơ, chứ không phải ung thư. Đặc điểm của khối u thường cứng và di động, có thể di chuyển nó bằng ngón tay. Loại u vú khác ít phổ biến hơn ở thanh thiếu niên là u nang. Đây là những túi nang chứa chất lỏng và không phải ung thư. Những chấn thương do va chạm hoặc tổn thương mô vú, do chơi thể thao, lao động cũng có thể gây ra u ở vú.
Vì sao tuổi teen bị ung thư vú?
Các bác sĩ cho rằng ung thư vú ở trẻ vị thành niên phát triển do những thay đổi trong tế bào và DNA xảy ra sớm, có thể xảy ra khi thai nhi vẫn còn trong bụng mẹ. Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ cũng lưu ý rằng: ung thư ở trẻ em không liên quan nhiều với các yếu tố môi trường và lối sống như hút thuốc lá hoặc ăn uống không lành mạnh. Tuy nhiên nếu bạn trẻ sớm có lối sống không lành mạnh, có thể làm tăng nguy cơ ung thư vú khi trưởng thành. Tuy các nghiên cứu về ung thư vú ở tuổi vị thành niên còn hạn chế, nhưng người ta cũng biết các yếu tố nguy cơ chính gây bệnh gồm: tiền sử gia đình, bạn trẻ có sự bất thường ở vú như bị xơ hóa. Những bạn trẻ tiếp xúc với tia xạ trong điều trị các bệnh như bệnh bạch cầu và u lympho không Hodgkin trong thời gian phát triển vú cũng bị tăng nguy cơ ung thư vú.
Tuổi teen vẫn cần cảnh giác với ung thư vú dù hiếm gặp.
Cách gì phát hiện sớm ung thư vú ở bạn gái trẻ?
Các dấu hiệu cho thấy một khối u vú có thể là ung thư đó là: khối u có mật độ chắc; cố định vào thành ngực hoặc cơ xung quanh; có kích thước từ nhỏ như hạt đậu đến to như một đốt ngón tay; khối u này gây đau đớn. Khác với ung thư vú ở phụ nữ trưởng thành, sự tiết dịch ở núm vú và bị tụt núm vú không phải là triệu chứng phổ biến của bệnh ung thư vú ở tuổi thiếu niên. Việc chẩn đoán ung thư vú ở trẻ vị thành niên dựa vào các yếu tố: tiền sử bệnh tật gia đình, sự xuất hiện của khối u ở vú; có chảy dịch núm vú; bị đau ở khối u; siêu âm có thể xem khối u có dạng chắc đặc hay không - là một dấu hiệu của bệnh ung thư; kiểm tra mô bệnh học phát hiện ung thư. Nhưng không khuyến cáo chụp Xquang tuyến vú cho thanh thiếu niên vì mô vú có xu hướng đặc, gây khó khăn cho chụp Xquang để phát hiện u cục. Hơn nữa chụp Xquang tuyến vú gây phơi nhiễm với tia xạ, có thể dẫn đến tổn thương tế bào, đặc biệt là ở ngực trẻ đang phát triển.
Biện pháp điều trị
Bệnh ung thư vú phổ biến nhất ở vị thành niên là ung thư tuyến. Dạng ung thư này phát triển chậm, không xâm lấn. Tuy nguy cơ của loại ung thư này lan rộng đến các bộ phận khác của cơ thể là thấp, nhưng vẫn có các trường hợp bệnh lây lan sang các hạch bạch huyết khu vực. Điều trị bằng phẫu thuật cắt bỏ ung thư và bảo tồn mô vú càng nhiều càng tốt. Phương pháp hóa trị và xạ trị được chỉ định trên cơ sở từng trường hợp cụ thể, bởi những rủi ro mà các phương pháp điều trị này gây ra cho cơ thể trẻ, có thể vượt quá những lợi ích. Tùy theo loại liệu pháp và thời gian điều trị kéo dài, nó có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của trẻ và tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư khác. Sau phẫu thuật, bệnh nhân trưởng thành, lập gia đình vẫn có thể cho con bú nhưng ở một số phụ nữ có thể sản xuất ít sữa hơn bình thường.
Lời khuyên của thầy thuốc
Các bác sĩ khuyến cáo các bạn tuổi teen thực hiện các biện pháp phòng bệnh ung thư vú như sau: Nên ăn một chế độ ăn nhiều chất xơ với nhiều trái cây. Luyện tập thể dục đều đặn. Giữ cân nặng một cách hợp lý, khỏe mạnh. Không hút thuốc và tránh hút thuốc lá thụ động. Biết cách tự khám vú để phát hiện sớm khối u lạ: bạn nên chú ý cảm nhận sự bình thường của ngực, để khi có cảm giác bất thường sẽ giúp bạn xác định sớm bất kỳ thay đổi nào. Cách tự khám vú: Cởi áo; chống 2 cánh tay vào hông và nhìn vào ngực của bạn qua gương. Chú ý đến các dấu hiệu như lõm da, lở loét, tiết dịch núm vú hoặc thay đổi hình dạng và kích thước vú bạn chưa từng thấy trước đó. Quan sát ngực khi nhìn nghiêng mỗi bên. Khi ở trong phòng tắm, bạn giơ tay lên và làm ướt ngực của bạn. Sử dụng 3 ngón tay khám xung quanh vú để phát hiện khối u và mật độ mô vú. Di chuyển ngón tay của bạn lên và xuống với một chút áp lực. Nên kiểm tra nách và khu vực xung quanh vú ở ngực. Nằm xuống và đặt một chiếc gối dưới vai phải, tay phải để phía sau đầu. Di chuyển các ngón tay của tay trái xung quanh vú theo hình tròn, theo chiều kim đồng hồ. Di chuyển xung quanh toàn bộ vú và nách. Đặt cái gối dưới vai trái và lặp lại các động tác ở bên trái. Nếu bạn nhận thấy bất kỳ thay đổi nào, hoặc có điều gì khiến bạn lo lắng, hãy đi khám ở bệnh viện.