Người cao tuổi có khả năng nhạy cảm với các biến thể hơn người trẻ tuổi
Các nhà nghiên cứu đã tiến hành đo phản ứng miễn dịch trong máu của 50 người hai tuần sau khi họ tiêm liều thứ hai của vaccine Pfizer chống lại COVID-19.
Họ chia nhóm những người tham gia thành các nhóm tuổi và sau đó cho huyết thanh của họ trong ống nghiệm tiếp xúc với virus SARS-CoV-2 và biến thể P.1 (còn được gọi là gamma) có nguồn gốc từ Brazil.
Nhóm trẻ nhất - tất cả đều ở độ tuổi 20 - có phản ứng kháng thể tăng gần bảy lần so với nhóm già nhất từ 70 đến 82 tuổi. Trên thực tế, các kết quả trong phòng thí nghiệm phản ánh một sự tiến triển tuyến tính rõ ràng từ trẻ nhất đến lớn tuổi nhất: Người tham gia càng trẻ, phản ứng kháng thể càng mạnh. Những người lớn tuổi có thể nhạy cảm với các biến thể hơn những người trẻ tuổi.
Kháng thể là các protein được tạo ra bởi hệ thống miễn dịch để bảo vệ chống lại nhiễm trùng. Chúng đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ chống lại sự lây nhiễm SARS-CoV-2.
Càng nhiều người được chủng ngừa, virus lưu hành càng ít. Người lớn tuổi không hoàn toàn an toàn chỉ vì họ được tiêm chủng; những người xung quanh họ cũng thực sự cần được tiêm chủng. Các nhà nghiên cứu cho biết phát hiện này càng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy tiêm chủng trong các cộng đồng.
Tác giả nghiên cứu, PGS.TS. Fikadu Tafesse, Trường Y OHSU, cho biết: "Người cao tuổi có khả năng nhạy cảm hơn với các biến thể ngay cả khi họ đã được tiêm phòng."
Tuy nhiên, ông và các đồng nghiệp cũng nhấn mạnh rằng mặc dù đo được phản ứng kháng thể giảm ở người lớn tuổi, vaccine vẫn đủ hiệu quả để ngăn ngừa nhiễm trùng và bệnh nặng ở hầu hết mọi người ở mọi lứa tuổi.
Phát hiện nêu bật tầm quan trọng của việc tiêm phòng cho người cao tuổi cũng như những người khác có thể dễ bị tổn thương hơn với COVID-19. Bởi việc tiêm phòng cho nhóm đối tượng này có thể giảm nhẹ mức độ nghiêm trọng của bệnh, giảm nguy cơ tử vong, và có thể làm giảm nguy cơ truyền SARS-CoV-2 cho người khác.
Nghiên cứu được công bố trên Tạp chí của Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ.