(SKDS) - Con gái tôi 30 tháng tuổi. Gần đây cháu thường kêu đau bụng vùng xung quanh rốn, kém ăn hơn trước, thỉnh thoảng bị rối loạn tiêu hóa… Xin hỏi có phải cháu bị nhiễm giun không? Tuổi của cháu đã tẩy giun được chưa?
Ma Thị Thảo (Cao Bằng)
Trẻ nhỏ thường hiếu động, hay bò chơi lê la trên sàn nhà, đất cát rồi lại mút tay, có khi lại nhặt thức ăn rơi ở trên sàn cho vào miệng… nên rất dễ mắc các loại giun nhất là giun đũa, giun kim. Ngoài ra, ở những nơi điều kiện vệ sinh kém, còn thói quen dùng phân tươi bón hoa màu, trẻ còn dễ mắc cả giun móc do ấu trùng xuyên qua da xâm nhập vào cơ thể.
Cho trẻ uống thuốc tẩy giun tại trường mầm non xã trọng Hóa, Minh Hóa (Quảng Bình). |
Theo thư chị kể, gần đây con gái chị thường đau bụng vùng xung quanh rốn, ăn kém, rối loạn tiêu hóa cũng có thể là dấu hiệu nhiễm giun. Tuy nhiên để xác định trẻ nhiễm giun hay không, nhiễm loại giun nào cần cho trẻ đi khám và xét nghiệm phân. Lứa tuổi được khuyến cáo bắt đầu tẩy giun là từ 24 tháng tuổi trở lên. Hiện nay ở các hiệu thuốc có bán rất nhiều loại thuốc tẩy giun cho trẻ nhỏ được chỉ định khi nhiễm một hoặc nhiều loại giun như giun đũa, giun tóc, giun móc, giun kim, giun lươn…
Để xác định xem có phải cháu bị nhiễm giun hay không, chị nên đưa cháu đi khám, xét nghiệm tại trung tâm y tế gần nhà. Nếu không có điều kiện đưa cháu đi khám, chị có thể tự theo dõi xem cháu có hay ngứa hậu môn vào ban đêm (do giun kim chui ra đẻ trứng) hoặc khi trẻ đi ngoài nếu nhiễm giun kim sẽ thấy có giun kim trong phân; nếu nhiễm giun đũa trẻ hay đau bụng quanh rốn; buồn nôn; nhiễm giun móc: Trẻ có biểu hiện thiếu máu, lòng bàn tay nhợt nhạt chứ không đỏ hồng hào; niêm mạc mắt nhợt.
Trong trường hợp này, việc dùng thuốc tẩy giun là cần thiết. Nên tẩy giun định kỳ cho trẻ 6 tháng/lần, hướng dẫn trẻ rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh… để phòng nhiễm giun sán.
Thạc sĩ Vũ Hồng Anh