Câu hỏi đặt ra ở đây là liệu việc dùng thuốc nội tiết có thể cải thiện đáng kể rối loạn nào ở lứa tuổi mãn kinh không hay chỉ là việc dùng cho có? Nhằm kiểm chứng lại điều này người ta xem xét tới các tác dụng và mức độ nguy cơ của việc dùng này. Kết quả cuối cùng xem ra không phải là bức tranh đồng nhất...
Lý do chỉ định
Sự thay đổi của thời kỳ mãn kinh mang tính chất rõ nét nhất là sự suy giảm hormon nữ giới trong cơ thể của chị em. Đó là estrogen và progesteron. Để tiện cho việc nghiên cứu và xem xét, người ta thường gọi hormon con gái là estrogen, còn chất progesteron thường được gọi là hormon mang thai.
Điều người ta phải chú ý đến nhiều nhất là sự suy giảm rõ rệt của estrogen. Trong nhiều trường hợp, sự thay đổi của hormon này liên quan khá chặt chẽ với các biểu hiện phát ra ở lứa tuổi tiền mãn kinh và mãn kinh. Chính sự thay đổi của hormon này mà trong nhiều trường hợp đã buộc phải sử dụng hormon thay thế.
Tại sao hormon lại giảm?
Việc giải thích cho câu hỏi tại sao vào thời kỳ mãn kinh hormon lại suy giảm có thể được đơn giản hoá như sau: Estrogen là chất do các tế bào hạt ở “vỏ trứng” tiết ra do tác động của FSH và LH (hai hormon tuyến yên) sẽ được duy trì vào những ngày đầu của chu kỳ kinh nguyệt và đạt đỉnh vào gần ngày rụng trứng. Sự phối hợp của hai hormon này, sự nhạy cảm hoá của buồng trứng là cơ sở thiết yếu tạo nên sự điều hoà hormon estrogen.
Hệ lụy của sự thay đổi
Lượng estrogen giảm, chị em chúng ta sẽ không còn được thừa hưởng những tác dụng mà estrogen đem lại. Những tác dụng đó là: kích thích tăng tạo mỡ làm da đẹp và mịn màng, kích thích tuyến vú to, kích thích tử cung to, âm đạo nở nang, nang trứng phát triển, kích thích nhu cầu tình dục ở nữ giới... Và tất nhiên, những tác dụng mong muốn này của estrogen sẽ không còn được đầy đủ trong thời kỳ mãn kinh.
Dùng liệu pháp hormon như thế nào?
Liệu pháp hormon có tên cũ là liệu pháp thay thế hormon là một liệu pháp quan trọng áp dụng trong thời kỳ mãn kinh. Bản chất của liệu pháp này là sử dụng hormon nữ giới (estrogen) tổng hợp bên ngoài để bù đắp phần hormon thiếu hụt. Việc sử dụng hormon thay thế nhằm hai mục đích: bù trừ hóa hormon thiếu và hoá giải tình trạng dao động của estrogen.
Câu hỏi đặt ra ở đây là liệu sự bổ sung này có những cải thiện đáng kể nào không hay chỉ là việc dùng cho có. Nhằm để kiểm chứng lại điều này người ta xem xét tới các tác dụng và mức độ bệnh tật. Kết quả cuối cùng xem ra không phải là bức tranh đồng nhất.
Nói về tác dụng điều hoà vận mạch thì không có gì cần phải bàn hơn. Vì rằng đồng loạt các dấu hiệu bên ngoài của rối loạn vận mạch như nóng bừng, hồi hộp, đỏ mặt, bốc hoả đều có thể được giải quyết trọn vẹn khi sử dụng liệu pháp hormon. Có lẽ sự dao động hormon quá mạnh đã gây ra những biến đổi này nên chỉ cần được bổ sung một cách phù hợp thì mọi chuyện phức tạp được hoá giáng. Người bệnh không còn cảm thấy xấu hổ quá mức vì tự nhiên mặt đỏ như gấc chín, không còn cảm thấy phiền hà khi tự nhiên thấy người nóng bừng như bốc hoả. Tác dụng tuyệt diệu này của nó đã được người ta ấn định là chỉ định đầu tay khi người phụ nữ có triệu chứng rối loạn điều hoà vận mạch điển hỉnh.
Và những góc tối...
Ðiều người ta phải chú ý đến nhiều nhất là sự suy giảm rõ rệt của estrogen. Trong nhiều trường hợp, sự thay đổi của hormon này liên quan khá chặt chẽ với các biểu hiện phát ra ở lứa tuổi tiền mãn kinh và mãn kinh. Chính sự thay đổi của hormon này mà trong nhiều trường hợp đã buộc phải sử dụng hormon thay thế. |
Điều đáng ngại thứ nhất mà người ta lo lắng đó là nguy cơ ung thư vú. Mặc dù còn nhiều tranh cãi, nhưng một số lượng lớn công trình nghiên cứu đã chỉ ra có một mối liên quan nào đó giữa liệu pháp hormon và ung thư vú ở phụ nữ mãn kinh. Bằng chứng thực nghiệm lý giải điều này thì chưa có nhưng bằng chứng thực tế thì đã có. Những phụ nữ mà có độ tuổi có kinh sớm (trước 12 tuổi) và những người có độ tuổi mãn kinh muộn (sau tuổi 55) là những người có nguy cơ cao bị ung thư. Trên cả hai đối tượng này, thời kỳ có estrogen là kéo dài. Sự kiện này khiến người ta nghi ngại sự kéo dài thời kỳ estrogen đã liên kết với khả năng ung thư của phụ nữ. Do đó mà liệu pháp hormon cần được sử dụng rất thận trọng.
Bên cạnh các tác hại trên, liệu pháp hormon đang bị nghi ngờ là nguyên nhân gây ra hàng loạt các rắc rối như làm tăng chảy máu và kéo dài chảy máu âm đạo, làm tăng mức độ trầm trọng của bệnh lý viêm gan, làm tăng nguy cơ ung thư tử cung, gây ra ung thư vú ở những người có tiền sử gia đình, sưng phù, đau đầu nghiêm trọng...
Đứng trước những thay đổi cơ thể như trên, liệu pháp hormon chưa có một số phận chắc chắn. Không thể vì nó có một số tác dụng khá tốt trên hệ thống da, xương, mạch vành, các rối loạn vận mạch mà chúng ta cứ chỉ định hết sức thoải mái. Song ngược lại, không thể vì một vài tác hại của estrogen mà chúng ta lại phủ nhận đi những công hiệu của nó trong điều trị.
Liệu pháp hormon từ trước đến nay vẫn được coi là một chỉ định đầu tay với những người có rối loạn điều hoà mạch điển hình như bốc hoả, nóng bừng, đỏ mặt... Song chỉ định thế nào, dùng dạng ra sao, liều bao nhiêu là đủ là những quyết định hết sức cân nhắc của bác sỹ. Vì rằng mãn kinh không phải là một bệnh nên việc điều trị không phải là một quy định bắt buộc.
BS. Yên Lâm Phúc