Ngực bình thường có thể to hoặc nhỏ, mịn màng hay có u cục, sáng màu hoặc tối màu. Khi bắt đầu phát triển, “núi đôi” cũng trải qua nhiều giai đoạn.
Khi nào ngực sẽ bắt đầu phát triển?
“Núi đôi” sẽ bắt đầu phát triển khi bạn bước vào tuổi dậy thì. Khi đó, lượng hormon trong cơ thể bạn thay đổi và hệ nội tiết sản sinh ồ ạt hormon giới tính. Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến việc khi nào bạn gái bắt đầu dậy thì và phát triển ngực, bao gồm cả các yếu tố di truyền, cân nặng, mức độ luyện tập thể thao, chế độ dinh dưỡng, căng thẳng và các bệnh mạn tính.
Mặc dù đa số các bé gái sẽ phát triển ngực khi khoảng 11-12 tuổi, nhưng một số lại bắt đầu phát triển ngực khi mới 7-8 tuổi và một vài bạn gái đến tận 15 tuổi mới phát triển ngực. Nhìn chung đó vẫn là các thời điểm phát triển ngực hoàn toàn bình thường. Một số bé gái thường xuyên tập thể dục, nhảy múa hoặc luyện tập thể thao nhiều có thể sẽ dậy thì muộn hơn và phát triển ngực chậm hơn một chút so với bạn khác. Tuy nhiên, nếu bạn gái đã 13-14 tuổi mà vẫn chưa phát triển ngực chút ít nào thì bạn nên nói với cha mẹ để được đi khám bác sĩ.
Để thành người phụ nữ trưởng thành, em gái phải trải qua quá trình phát triển với nhiều thay đổi.
Quá trình phát triển “núi đôi”
Ngực được cấu tạo từ các mô mỡ và các tuyến tạo sữa, được gọi là tuyến vú. Vùng sẫm màu của ngực nằm xung quanh núm vú là quầng vú. Vào giai đoạn dậy thì, ngực bé gái bắt đầu phát triển bằng việc xuất hiện một khối nhỏ nổi gồ lên bên dưới núm vú và quầng vú, đó được gọi là chồi vú. Khi chồi vú lớn hơn và tròn hơn sẽ là lúc ngực bắt đầu phát triển, ban đầu ngực bạn gái khum khum như hình chũm cau.
Với mỗi người thì khoảng thời gian để ngực phát triển hoàn chỉnh sẽ khác nhau, trung bình là từ 3-5 năm. Tuổi bắt đầu phát triển ngực sẽ không quyết định được kích thước ngực.
Hai bên ngực phát triển không đều nhau có phải là bất thường?
Trong giai đoạn phát triển, việc 2 bên ngực phát triển không đều nhau là rất bình thường. Thông thường, một bên sẽ phát triển nhanh hơn bên kia, rồi lại đảo ngược lại. Đây là điều rất bình thường. Hai bên “núi đôi” trông sẽ đều nhau khi giai đoạn phát triển kết thúc. Ngực đã có kích thước ổn định.
Bạn có thể sẽ cảm thấy ngứa râm ran hoặc đau ở ngực khi chồi vú phát triển. Thông thường, bên nào đang phát triển nhanh thì bên đó sẽ bị đau nhức như có nhọt bên trong. Nếu ngực của bạn quá căng tức và rất đau, bạn có thể đến gặp bác sĩ. Trong một số trường hợp có thể phải dùng thuốc giảm đau. Sau khi bạn bắt đầu có kinh, bạn sẽ nhận thấy ngực sưng lên hoặc căng tức trong vài ngày trước khi chu kỳ đến tháng nhưng không phải tất cả phụ nữ đều bị sưng đau ngực.
Có nhiều trường hợp bạn gái đã 18-20 tuổi mà 2 bên ngực không đều nhau. Điều này sẽ khiến bạn gái buồn nhưng đừng lo lắng và bạn có thể sử dụng các miếng lót phù hợp với áo ngực hoặc đồ tắm của bạn để khắc phục. Quá trình sản sinh nội tiết giới tính trong cơ thể mỗi người vẫn diễn ra liên tục. Kích thước to bé không đều nhau giữa hai bên sẽ dần được khắc phục. Hơn nữa, khi ở độ tuổi sinh con và nuôi con bú, sự chênh lệch kích thước có thể được cân bằng lại nhanh nhất.
Trường hợp kích thước hai bên ngực quá chênh lệch nhau, bạn cần xin ý kiến bác sĩ để có hướng khắc phục. Tuyệt đối không nên phẫu thuật thẩm mỹ dễ nguy hiểm tính mạng và ảnh hưởng quá trình mang thai, sinh nở.
Một số em gái thấy rằng ngực của mình quá to. Thông thường, các em không lo lắng về vẻ bề ngoài của mình mà thường cảm thấy rất phiền vì bị đau ngực, đau lưng, đau vai, những vết lằn ở trên vai do dây áo ngực, phát ban, các vấn đề về da ở phía dưới ngực hoặc những khó khăn khi luyện tập thể thao. Các em cũng có thể sẽ cảm thấy tự ti vì có nhiều người trêu chọc về bộ ngực của mình.
Hãy bỏ qua ngượng ngùng để nói chuyện với bố mẹ hoặc người lớn mà bạn tin tưởng (chị gái, bạn gái, cô giáo...) và nói với họ về cảm nhận của bạn. Họ sẽ trợ giúp cho bạn nhiều hơn là bạn nghĩ đấy.
Nếu núm vú của bạn tụt vào trong, rất có thể bạn đã bị “đảo ngược núm vú”. Khoảng 10-20% số bạn gái sẽ bị đảo ngược núm vú ở ít nhất một bên ngực. Điều này là bình thường và không ảnh hưởng gì đến sức khỏe.
Tuy nhiên, bạn cần được bác sĩ tư vấn để khắc phục điều này bằng những biện pháp đơn giản như kéo, nắn, xoa bóp… để núm vú của bạn ra ngoài như bình thường. Vì điều này không ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng việc núm vú ngắn hoặc tụt vào bên trong sẽ cản trở việc bạn nuôi con bằng sữa mẹ sau này. Nếu núm vú của bạn đang bình thường lại bỗng nhiên bị tụt vào trong thì bạn nên đến gặp bác sĩ ngay.