Vẫn vẽ hằng ngày
Một chiều cuối xuân tôi đến khu tập thể 3 tầng cũ kỹ ở Hà Đông (Hà Nội) để gặp lão họa sĩ Chu Mạnh Chấn. Thật ngạc nhiên khi ở tuổi xấp xỉ 90 ông vẫn nói chuyện rành rọt, đi lại nhanh nhẹn, đặc biệt là ông vẫn vẽ tranh như một thói quen thường ngày. Bức tranh sơn mài ông đang vẽ dở về chùa Hương ngày trảy hội với phong cảnh nên thơ, hữu tình, có những chiếc thuyền thong thả trên suối Yến. Thấy tôi mải miết theo nét vẽ của ông, ông ngoảnh sang nói: “Đây là chùa Hương ngày xưa, chứ không phải bây giờ đâu”. Ý ông nói là ngày xưa người đi hội chùa Hương không đông đúc, phong cảnh thiên nhiên còn nguyên sơ, cáp treo cũng chưa được xây dựng.
Rồi khi cao hứng, ông lại giới thiệu những bức tranh trong căn nhà. Dễ dàng nhận thấy đó đều là những tranh phong cảnh của những lễ hội làng quê xứ Đoài của ông, rồi những nếp nhà xưa, cổng làng cổ, con người và văn hóa thời kỳ trước vào tranh của một cách dung dị, nhẹ nhàng, tinh tế. Ông bảo: “Tất cả những câu chuyện về quê hương trong tranh của tôi, nó đã sống cùng tôi suốt từ tuổi niên thiếu đến khi trưởng thành, cho đến nay. Đó là tình cảm, đạo đức thiêng liêng sâu đậm, là sinh lực nuôi dưỡng tâm hồn tôi; đó là khát vọng nối tiếp truyền thống gia đình, dòng họ và quê hương tôi. Tôi muốn lưu giữ lại tất cả bao thương nhớ ấy”.
Nhìn ông hăm hở trên bức vẽ của mình, tôi nhận thấy niềm hạnh phúc lấp lánh trong đôi mắt ông và tôi tin rằng trong trái tim ông cũng rộn ràng, xuyến xao biết bao. Thấy tôi có vẻ ngạc nhiên về sức làm việc của họa sĩ Chu Mạnh Chấn, con gái ông, chị Khánh cho biết: “Hằng ngày ông vẫn vẽ, vẽ và vẽ. Ông vẫn không thôi suy tưởng về những bức vẽ trong tập bản thảo của mình”. Chị Khánh cũng bảo, hình như vẽ cho ông thêm sức khỏe, bởi vẽ cũng là môn lao động trí óc lẫn chân tay hiệu quả. “Sức khỏe ông có được có lẽ là do ăn ngủ điều độ, vận động thường xuyên và nhất là luôn lạc quan, tích cực hóa mọi chuyện trong cuộc sống”, chị Khánh chia sẻ thêm.
Họa sĩ Chu Mạnh Chấn say sưa với bức vẽ.
Và buổi triển lãm ý nghĩa
Nếu ai có mặt tại buổi triển lãm mang tên “Miền ký ức” trưng bày do nhóm Nhân sĩ Hà Đông, đứng đầu là Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều tổ chức tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (khai mạc ngày 26/3 vừa qua) sẽ thấy toàn diện hơn cuộc đời sáng tác của lão nghệ nhân Chu Mạnh Chấn. Ông Chấn hôm ấy trong bộ com-lê lịch thiệp, khuôn mặt luôn tươi cười, rạng rỡ bởi với ông ở tuổi này vẫn được con trai và những người bạn trong nhóm Nhân sĩ Hà Đông tổ chức triển lãm thì còn gì tuyệt vời hơn.
Là người rất thân thiết với gia đình nghệ nhân Chu Mạnh Chấn, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đánh giá, những bức tranh với hơi thở nóng hổi của quá khứ và kỹ thuật sơn mài truyền thống điêu luyện, đã mang tới cho họa sĩ Chu Mạnh Chấn một quyền năng, làm sống lại những vẻ đẹp đã chết hoặc bị vùi vào quên lãng của con người hiện đại. Với cách sống của con người đương đại thì biết bao vẻ đẹp văn hóa truyền thống đang bị lãng quên. Và họa sĩ Chu Mạnh Chấn là một trong những người cứu vớt và bảo vệ những vẻ đẹp ấy. Ông giống như một người đi xuyên thời gian, từ quá khứ tới hiện tại.
NSƯT Chu Lượng thì xúc động khi nói về cha mình: “Cha tôi là người suốt đời lưu giữ vẻ đẹp thuần khiết mà hằng ngày theo thời gian đang dần mất đi, trong khi tác nhân chính lại là con người. Ông đắm đuối, say mê với những bức họa, mong lớp trẻ có thể hiểu về văn hóa truyền thống xưa với những tín ngưỡng, lễ hội, sinh hoạt đời sống thường nhật của đồng bào Bắc Bộ, người dân miền núi. Có thể nói, sự bền bỉ, cần cù, miệt mài của ông không bị tác động bởi đời sống hiện đại. Với ông, văn hóa truyền thống là giá trị bền chắc nhất, không bị một thứ văn hóa ngoại lai nào tác động được”.
Buổi triển lãm cũng là dịp để “cánh” báo chí không những được thưởng thức những bức tranh đẹp của lão họa sĩ mà còn là dịp quý giá để tiếp cận với chủ nhân của những bức tranh ấy. Rất nhiều nhà báo, phóng viên vây quanh mình, lão nghệ nhân Chu Mạnh Chấn không trả lời nhiều mà ủy thác cho con trai và những thành viên nhóm Nhân sĩ Hà Đông trả lời là chính. Nhưng ông vẫn kịp bộc bạch vài lời mà đặt ra cho nhiều người những suy ngẫm: “Bây giờ tôi mới thấu hiểu, truyền thống tình người phải luôn được trân trọng và gìn giữ biết bao. Cho nên, tôi không ngừng cố gắng, nỗ lực vẽ lại những điều mà những người già kể lại, cho tôi thêm yêu quê hương, thêm sức lực, thêm say mê mà quên đi tuổi tác, quên đi những nhọc nhằn. Tôi vẽ lại những ký ức tuổi thơ không bao giờ phai. Tình yêu quê hương và say mê vẽ đã thúc đẩy tôi làm chương trình sáng tác về ký ức quê hương này”.
Với những trăn trở và dự định ấy, với sức khỏe như hiện tại, tin rằng lão họa sĩ sẽ còn có những bức tranh sơn mài có giá trị để lại cho đời.