Trong các loại bệnh ung thư, ung thư vú là loại thường gặp thứ hai trên thế giới, với hơn 1 triệu ca bệnh được phát hiện mỗi năm. Ước tính cứ 10 phụ nữ sẽ có 1 phụ nữ có nguy cơ mắc ung thư vú. Tại Việt Nam, năm 2012 đã ghi nhận 12.533 trường hợp mắc mới ung thư và con số này ước tính lên tới 22.612 ca trong năm 2020.
Trong khi đó, với sự tiến bộ của y học, ung thư vú lại là một trong những bệnh ung thư có thể điều trị được nếu phát hiện ở giai đoạn sớm và bệnh cũng rất dễ phát hiện sớm. Vậy điều gì đã khiến một bệnh tưởng chừng dễ “giải quyết” lại trở thành một thách thức đối với y tế công cộng?
Theo PGS.TS. Trần Văn Thuấn, Phó giám đốc Bệnh viện K, Viện trưởng Viện nghiên cứu Phòng chống Ung thư, Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc Quỹ hỗ trợ bệnh nhân ung thư - Ngày mai tươi sáng, nguy cơ mắc ung thư vú có rất nhiều yếu tố, có thể kể tới là tuổi càng cao thì nguy cơ mắc càng cao. Thứ hai là tiền sử gia đình, trong gia đình có mẹ hoặc chị gái mắc ung thư vú thì nguy cơ mắc cao gấp 4-6 lần so với những người phụ nữ bình thường. Thứ ba là phụ nữ dùng thuốc tránh thai trong thời gian dài, đặc biệt trên 10 năm thì cũng có nguy cơ cao hơn so với phụ nữ bình thường. Thứ tư là yếu tố liên quan đến thuốc lá. Thuốc lá là nguyên nhân của trên 30% trong tổng số các bệnh ung thư, trong đó điển hình là ung thư phổi (có tới >90% gây ra bởi thuốc lá), ngoài ra còn có ung thư khoang miệng, ung thư họng, thanh quản, ung thư vú và ung thư cổ tử cung… cũng là các loại ung thư có liên quan tới thuốc lá. Ngoài ra có thể kể tới yếu tố gen và chủng tộc. Qua thống kê cho thấy, tuổi mắc ung thư vú ở Việt Nam có vẻ trẻ hơn so với một số nước, tại Bệnh viện K cũng đã gặp trường hợp mắc ung thư vú ở độ tuổi 20. Về điểm này, PGS.TS. Trần Văn Thuấn cũng cho biết, Viện nghiên cứu Phòng chống Ung thư sẽ từng bước nghiên cứu để đưa ra đáp án chính xác.
Các hoạt động truyền thông về khám sàng lọc ung thư vú cho phụ nữ được tổ chức tại Hà Nội và TP.HCM vào tháng 10/2015 đã tạo được hiệu ứng sâu rộng trong các doanh nghiệp và chính những người phụ nữ.
Các chuyên gia vẫn khuyến cáo về tầm quan trọng của việc tự khám vú cũng như chủ động đi khám sàng lọc nhằm phát hiện sớm bệnh ung thư vú đối với các chị em phụ nữ. Tuy nhiên thực tế thì các chương trình sàng lọc hiện nay vẫn chưa có sự chủ động từ chính những người phụ nữ. Những lý do khiến phụ nữ ngại ngần đi khám vú có thể là thiếu kiến thức về căn bệnh ung thư vú, không có thời gian hoặc cảm giác e ngại, xấu hổ... Bên cạnh đó, việc tổ chức khám sức khỏe định kỳ hàng năm cho cán bộ, công nhân viên chức của các cơ quan, doanh nghiệp cũng chưa quan tâm việc sàng lọc ung thư.
Những lý do trên cũng chính là tiền đề cho Quỹ hỗ trợ bệnh nhân ung thư - Ngày mai tươi sáng hình thành ý tưởng thực hiện chiến dịch truyền thông và sàng lọc ung thư vú với chủ đề “Sàng lọc ngay khi sang tuổi 40: Vì phụ nữ, Vì ngày mai”. Sở dĩ chọn đối tượng là phụ nữ trên 40 tuổi là bởi trong số các nguy cơ mắc ung thư vú ở phụ nữ, yếu tố về nhóm tuổi là dễ xác định nhất. Các báo cáo ghi nhận ung thư toàn cầu cũng như ở Việt Nam cũng cho thấy ở nhóm phụ nữ trên 40 tuổi sẽ có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn hẳn so với phụ nữ dưới 40 tuổi.
Chiến dịch đã thu hút hơn 12.000 phụ nữ tham gia khám sàng lọc ung thư vú tại 10 bệnh viện ở Hà Nội, TPHCM, đồng thời nhận được sự đồng hành của 20 cơ quan Bộ/ngành và doanh nghiệp cùng tham gia.
Chiến dịch do Quỹ hỗ trợ bệnh nhân ung thư - Ngày mai tươi sáng thực hiện với sự phối hợp của các bệnh viện/ khoa ung bướu, nhằm các mục tiêu: Tăng cường nhận thức của cộng đồng về phòng chống bệnh ung thư vú; Tăng sự chủ động của phụ nữ trong việc tham gia khám sàng lọc ung thư vú; Tăng sự quan tâm của người yêu, người chồng và gia đình với sức khỏe người phụ nữ; Cam kết của cơ quan/doanh nghiệp trong việc đưa việc sàng lọc vào gói khám sức khỏe định kỳ cho cán bộ nữ.
Với ý nghĩa trên, chiến dịch này đã thực hiện thí điểm tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh vào tháng 10/2015 đã mang lại những kết quả ấn tượng. Trong vòng 1 tháng, chiến dịch đã khám sàng lọc cho 12.014 phụ nữ tại 10 bệnh viện ở Hà Nội & TP. Hồ Chí Minh.
Chiến dịch cũng đã thu hút sự đồng hành của hơn 20 cơ quan Bộ/ngành & doanh nghiệp. Các doanh nghiệp này đã cam kết đưa việc khám sàng lọc phát hiện sớm ung thư vú vào gói khám sức khỏe định kỳ cho cán bộ/công nhân nữ.
Thông qua chương trình khám sàng lọc này, 47 trường hợp nghi ngờ ung thư vú đã được phát hiện, sau khi chẩn đoán xác định đã phát hiện được 6 trường hợp xác định ung thư vú giai đoạn sớm, đã được điều trị tại các bệnh viện chuyên khoa và hiện tại đã ổn định. PGS. Thuấn nhấn mạnh, ung thư vú càng phát hiện sớm thì việc điều trị càng đơn giản và hiệu quả cao.
Chiến dịch sẽ tiếp tục được tổ chức cho 20.000 phụ nữ ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng vào tháng 10/2016 và tháng 3/2017.
Không chỉ giúp phát hiện và điều trị sớm các ca ung thư vú, chiến dịch này còn giúp tăng cường kiến thức về bệnh ung thư vú cho chính những người phụ nữ và cả cộng đồng.
Chia sẻ về quá trình thực hiện chiến dịch, PGS.TS. Trần Thanh Hương, Phó giám đốc Quỹ hỗ trợ bệnh nhân ung thư – Ngày mai tươi sáng cho biết: Trước đây đã có nhiều chương trình sàng lọc ung thư vú cho phụ nữ nhưng phần lớn là các nhân viên y tế xuống tận xã và mời chị em lên để khám sàng lọc. Trong các buổi đó, Quỹ hỗ trợ bệnh nhân ung thư – Ngày mai tươi sáng đã nghĩ ra ý tưởng làm thế nào để tăng sự chủ động của phụ nữ, tức là phụ nữ tự tìm đến nơi để sàng lọc ung thư vú, điều đó có nghĩa là phải tăng nhận thức của chị em phụ nữ về sàng lọc, phát hiện sớm bệnh ung thư vú. Một nội dung nữa đó là, bình thường hàng năm các doanh nghiệp đều khám sức khoẻ cho nhân viên của họ, tuy nhiên họ chưa chú trọng trong gói khám sức khoẻ đó có sàng lọc bệnh ung thư. Vì vậy, qua chương trình này, chúng tôi mong muốn kêu gọi sự cam kết của các công ty, các doanh nghiệp đưa sàng lọc bệnh ung thư vú định kỳ vào gói khám sức khoẻ cho chị em. Nhân đây, chúng tôi đã nghĩ đến ý tưởng làm thế nào để huy động các bệnh viện tham gia. Chiến dịch sàng lọc phát hiện ung thư vú này đã được tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, các chị em phụ nữ có thể tự đăng ký qua website hoặc hotline của Quỹ để khám sàng lọc vào các ngày thứ 7 hàng tuần trong vòng 1 tháng, nhân dịp tháng 10 là tháng phòng chống ung thư vú quốc tế và cũng là tháng có kỷ niệm ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam 20-10. Trước sàng lọc, chúng tôi tổ chức các buổi “Doctor talk”, mời các chuyên gia về ung bướu và bệnh nhân bị ung thư vú được phát hiện sớm và điều trị khỏi đến các doanh nghiệp để nói chuyện về phòng chống bệnh căn bệnh ung thư vú. Qua các buổi truyền thông này mà thường xuyên hàng tuần số lượng phụ nữ đăng ký khám rất đông. Đồng thời ở các bệnh viện cũng có các biểu ngữ, poster của chương trình và cứ thứ bảy hàng tuần thì hơn 10 bệnh viện đồng hành cùng chương trình, mặc dù là ngày nghỉ nhưng các bác sĩ vẫn nhiệt tình tham gia.
Cũng theo PGS.TS. Trần Thanh Hương, hiệu quả lớn nhất mà mà chiến dịch mang lại là nhận thức của chị em phụ nữ tăng lên rất nhiều. Mặc dù chỉ là quy mô nhỏ, hơn 12.000 phụ nữ được sàng lọc không phải là con số lớn nhưng đã thực sự tạo được hiệu ứng truyền thông rất lớn để nâng cao nhận thức cho những người phụ nữ, rồi các doanh nghiệp cũng cam kết sẽ tiếp tục tham gia các chiến dịch do Quỹ tổ chức. Sắp tới, trong năm nay và sang năm, chiến dịch sẽ được mở rộng thêm ở TP. Đà Nẵng. Qua đó, những người làm chiến dịch cũng mong muốn truyền đạt kinh nghiệm tuyền truyền, sàng lọc ung thư vú để phổ biến cho các tỉnh, thành phố khác đều có thể làm được như vậy.
Qua đây, các chuyên gia cũng khuyến cáo chị em phụ nữ nên có thói quen tự khám ngực của mình, đặc biệt là sau tuổi 30-40. Phụ nữ sau tuổi 30 thì nên đi khám sức khoẻ định kỳ, trong đó có khám sàng lọc phát hiện sớm ung thư vú và ung thư cổ tử cung, bởi đây là 2 bệnh phổ biến nhưng hết sức đơn giản trong việc sàng lọc phát hiện sớm và điều trị càng sớm càng hiệu quả, gần như 100% chị em phát hiện sớm đều được điều trị khỏi.