Phải chăng, biện pháp xử phạt hành chính chưa đủ, cần xử lý hình sự để răn đe.
Tràn lan tin giả gây hoang mang
6h sáng ngày 28/1, bản tin của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 đã chính thức xác nhận có ca lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng. Những ngày sau đó, một số tỉnh thành đã có các ca mắc mới. Nhưng cũng từ đây trên các trang mạng xã hội liên tiếp xuất hiện nhiều tin giả, thất thiệt liên quan đến dịch COVID-19 khiến dư luận hoang mang, gây khó khăn cho công tác phòng chống dịch.
Cụ thể, vào ngày 28/1, trên trang facebook “Hoang Thu Trang (Similac US)” do Hoàng Thu Trang (SN 1990 ở Nam Từ Liêm, Hà Nội) là chủ tài khoản có đăng tải bài viết với nội dung: “Đường về nhà xa quá mẹ ơi... đọc đến đoạn tay vịn mà cười như ma làm” kèm hình ảnh liên quan đến lịch trình di chuyển của ông P.A.T. - người được cho là bệnh nhân 1553 và trong đó có nội dung đáng chú ý là “bệnh nhân” khai đi hát karaoke có “tay vịn”. Đáng chú ý, rõ ràng thông tin bệnh nhân 1553 đi hát có “tay vịn” là thông tin chưa được kiểm chứng và thông tin này có thể gây lo lắng cho cộng đồng nhưng Trần Thị Hằng (SN 1993, Thanh Trì, Hà Nội) và Hoàng Ngọc Anh (SN 1992, Cầu Giấy, Hà Nội) lại vô tư chia sẻ thông tin sai sự thật này rộng rãi trên các diễn đàn mạng...
Phạt người tung tin giả về COVID-19 lên mạng xã hội.
Tương tự là trường hợp Phạm Mạnh Đạt (SN 1993, Hoàn Kiếm - Hà Nội) đã sử dụng tài khoản facebook cá nhân để đăng thông tin xuyên tạc gây hoang mang và ảnh hưởng đến hình ảnh đoàn PV của VTV. Theo đó, ngày 28/1, Đạt đã đăng tải thông tin sai sự thật về việc đoàn PV của VTV thực hiện chương trình “Chiều cuối năm” ở Vân Đồn, được vợ của bệnh nhân 1553 phục vụ ăn uống, nay vợ bệnh nhân 1553 đã dương tính, toàn bộ ê-kip sản xuất của VTV trở thành F1...
Cần xử lý hình sự để răn đe
Thực tế, vấn nạn tin giả không phải là vấn đề mới, đặc biệt khi dịch COVID-19 bắt đầu xuất hiện ở nước ta đầu năm 2020, tin giả, tin đồn thất thiệt xuất hiện tràn lan... Để kịp thời răn đe và chấn chỉnh, ngày 3/2/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định 15/2020 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, tần số vô tuyến điện có hiệu lực từ tháng 4/2020. Cụ thể, tại Khoản 1 Điều 101 Nghị định này ghi rõ: người nào cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân thì phạt tiền từ 10-20 triệu đồng. Ngoài ra, người đó phải gỡ bỏ thông tin sai sự thật, gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật.
Vấn đề đặt ra, dù chế tài xử phạt đã có nhưng tại sao đến nay vấn nạn tin giả vẫn hoành hành trên các trang mạng xã hội như các trường hợp nói ở trên (thông tin từ Sở TTTT thành phố Hà Nội, ngày 3-4/2, các trường hợp vi phạm này đều bị xử phạt 7,5 triệu đồng và buộc phải gỡ bỏ thông tin vi phạm). Nói về vấn đề này, theo một Luật sư (LS) thuộc Công ty Luật Dragon (Đoàn LS TP Hà Nội): Cùng với Nghị định 15/2020 (nói trên), Luật An ninh mạng 2018 cũng đã có quy định rõ về quản lý, sử dụng mạng viễn thông, mạng máy tính. Cụ thể tại Điều 8 của luật này cũng ghi rõ hành vi bị cấm... Như vậy, về hành chính đã có các luật quy định rõ ràng. Về hình sự, BLHS 2015 sửa đổi bổ sung 2011 cũng đã quy định cụ thể hành vi trong trường hợp đưa các thông tin không chính xác gây ảnh hưởng ANTT có thể bị xử lý hình sự, được quy định tại Điều 288 BLHS...