Tung tin đồn thất thiệt, hệ lụy khôn lường

15-08-2014 08:00 | Thời sự
google news

SKĐS - Gần đây, trên nhiều trang mạng xã hội đã đăng tải những thông tin gây sốc, thiếu chính xác không chỉ tác động trực tiếp đến tâm lý...

Gần đây, trên nhiều trang mạng xã hội đã đăng tải những thông tin gây sốc, thiếu chính xác không chỉ tác động trực tiếp đến tâm lý, đảo lộn cuộc sống của người dân mà còn kéo theo nhiều hệ lụy khác ảnh hưởng không nhỏ tới tình hình chính trị, kinh tế - xã hội, an ninh trật tự. Việc bốn người vừa bị cơ quan công an triệu tập mới đây do liên quan đến việc tung tin đồn thất thiệt dịch Ebola xuất hiện tại Việt Nam đã trở thành một bài học đắt giá cho những “thánh chém”

Đối tượng tung tin đồn thất thiệt các thiếu nữ Hà Nội bị rạch đùi khi ra đường, bị cơ quan chức năng xử lý.

Đối tượng tung tin đồn thất thiệt các thiếu nữ Hà Nội bị rạch đùi khi ra đường, bị cơ quan chức năng xử lý.

Nguy hại từ việc “thích thể hiện”

Ngày 11/8, trên trang mạng facebook ồn ào với những chia sẻ thông tin của một người có tên mẹ G... cho rằng: “Theo thông tin đã xác nhận từ người nhà em làm trong bệnh viện là Hà Nội đã có người nhiễm Ebola. Nên các mẹ tuyệt đối cẩn thận và đề phòng nhé. Thông tin không được công bố vì sợ dân hoang mang. Nhưng em nghĩ là nên thông báo cho tất cả mọi người cùng biết để bệnh không có cơ hội phát tán rộng đến không kiểm soát được...”. Ngay lập tức, đoạn status này khiến cư dân mạng, nhất là các bà mẹ trẻ nhốn nháo vì lo sợ. Tiếp đó, sự hoang mang của các dân mạng đẩy lên đến đỉnh điểm khi tiếp tục có một status nữa của một người khác khẳng định như đinh đóng cột: “Các mẹ ơi tin khẩn, Ebola đã đến Việt Nam rồi, ở Bệnh viện Bạch Mai nhé, nội bộ nên chưa lộ ra ngoài. Các mẹ phòng tránh cho gia đình và bé con nhé!”. Ngay lập tức, hàng trăm người chia sẻ lại thông tin nói trên và dặn dò nhau rằng đại dịch đã đến Việt Nam nhưng bằng các cách nào đó đã bị “ỉm” đi nên phải tự lo cho gia đình mình bằng cách sử dụng cồn, nước muối sinh lý... Trước những tin đồn thất thiệt, thông tin rất kịp thời và chính thống từ Bộ Y tế đã đập tan những “thánh phán” trên mạng về việc đại dịch Ebola xuất hiện ở Việt Nam. Cùng đó, BV Bạch Mai đã lên tiếng phủ nhận thông tin thất thiệt nêu trên và có văn bản gửi cơ quan công an vào cuộc đồng thời có biện pháp xử những đối tượng tung tin đồn thất thiệt. Ngay sau đó, Tổng cục An ninh II - Bộ Công an phối hợp với Cục Nghiệp vụ Bộ Công an và CATP Hà Nội đã xác định được danh tính và triệu tập 4 người phát tán thông tin thất thiệt. Tại cơ quan công an, các đối tượng đã thừa nhận hành vi sai lầm của mình. Vụ việc đang được cơ quan công an tiếp tục điều tra, xử lý.

Một trang facebook đăng thông tin Ebola xuất hiện ở Việt Nam.

Một trang facebook đăng thông tin Ebola xuất hiện ở Việt Nam.

Trước đó không lâu, liên quan đến sự việc tìm thấy xác nạn nhân trong vụ Thẩm mỹ viện Cát Tường, ngay khi cơ quan điều tra Công an TP. Hà Nội xác nhận thông tin về việc tìm thấy thi thể của chị Lê Thị Thanh Huyền, giữa lúc vụ việc thu hút rất đông sự chú ý của người dân, ai cũng mong muốn vụ án kết thúc để kẻ thủ ác Nguyễn Mạnh Tường phải đền tội trước pháp luật. Thế nhưng, một số “thánh chém” khẳng định chắc nịch trên một số diễn đàn và mạng xã hội rằng: “Chắc chắn có uẩn khúc quanh đây, đây không phải xác chị Huyền mà là một cái xác khác thế vào”; “Theo nguồn tin có được, làm gì có chuyện 9 tháng rồi chưa phân hủy hết xác. Vì muốn ghép tội cho bác sĩ Tường, trước sức ép dư luận nên người ta đã thay xác”... Chỉ vì thích thể hiện, để “câu like”, muốn được chú ý trên mạng, những khẳng định “chắc như đinh đóng cột” của các thánh chém ít nhiều đã làm dư luận hoang mang, nghi ngờ cơ quan chức năng và gây mất ổn định xã hội.

Ranh giới mỏng manh từ “chém gió” đến phạm tội

Liên quan đến vấn đề những tin đồn thất thiệt, thiếu kiểm chứng, thậm chí rất phi khoa học vẫn có đất tồn tại, TS. Trịnh Hòa Bình - Viện Xã hội học cho rằng, cần phải xác định rõ những đầu mối nảy sinh tin đồn. Có thể phân chia chúng thành hai loại: Người đưa tin đồn sơ khai và người đưa tin đồn ác ý. Với trường hợp thứ nhất, người đó chỉ muốn được coi là thạo tin, hay chuyện, dạng như “thông tấn xã vỉa hè”. Trường hợp thứ hai là muốn bôi bác xã hội, gây nguy hại cho sản xuất kinh doanh... Đứng trước tin đồn, người làm công tác quản lý Nhà nước phải xác định rõ tính chất nhằm nghiên cứu, điều chỉnh để không làm ảnh hưởng đến việc phát triển đất nước. Với những dạng tin đồn xấu, cần làm rõ nguồn gây ra tin đồn để giáo dục, răn đe.

Về vấn đề này, luật sư Nguyễn Trí Tú - Công ty luật Minh Đức Việt Nam cho rằng, ranh giới từ việc “chém gió” trên mạng dẫn đến trở thành tội phạm là rất mong manh nếu các cư dân mạng không biết chọn lọc thông tin để chia sẻ, không ý thức được mối nguy hại xung quanh các thông tin mà mình chia sẻ. Việc đưa ra chia sẻ hay bình luận về các chia sẻ của người khác trên các mạng xã hội nếu không phù hợp có thể sẽ gây ra những hậu quả khôn lường. Có thể họ sẽ phải chịu các hình phạt theo Điều 226 của Bộ luật Hình sự quy định về “Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet”. Không chỉ thế, từ những hình ảnh, thông tin chia sẻ đó còn có thể dẫn đến bị điều tra về các hành vi phạm tội khác và phải hứng chịu những hình phạt nặng nề hơn mà nhiều khi chính những người đưa ra các chia sẻ, bình luận đó không ý thức hết được. Do vậy, những người sử dụng mạng xã hội phải cân nhắc để chia sẻ những thông tin phù hợp, không trái pháp luật và đạo đức xã hội, luật sư Tú khuyến cáo.

Theo luật sư Phạm Thanh Bình – Công ty luật Bảo Ngọc, Hà Nội, nếu xác định được chính xác người tung tin đồn thất thiệt và tin đồn đó có tính chất vu khống thì theo quy định tại Ðiều 122 Bộ luật Hình sự có thể phạt tù từ 3 tháng đến 7 năm về tội Vu khống. Ngoài ra, người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 1 - 10 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm.

     Tuấn Phong

 


Ý kiến của bạn