Hà Nội

Từng bước thí điểm tăng trách nhiệm đóng góp xã hội với người không muốn hoặc kết hôn quá muộn

20-08-2024 07:47 | Y tế

SKĐS - Tại Quyết định số 588/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030, trong đó có nêu: Từng bước thí điểm các biện pháp tăng trách nhiệm đóng góp xã hội, cộng đồng đối với những trường hợp cá nhân không muốn kết hôn hoặc kết hôn quá muộn.

Cử tri TPHCM đề nghị có biện pháp cụ thể để nâng tỷ lệ sinh ở các vùng đô thị, không để tình trạng già hóa dân số từ đó dẫn đến thiếu hụt nguồn lao động trong thời gian sắp tới.

Xu hướng mức sinh thấp và xuống rất thấp tập trung ở một số đô thị

Trả lời về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, Việt Nam chính thức đạt mức sinh thay thế từ năm 2006 (TFR = 2,09 con/phụ nữ), tuy nhiên mức sinh thay thế chưa thực sự bền vững, xuất hiện xu thế mức sinh thấp.

Tổng tỷ suất sinh trên toàn quốc đang có xu hướng giảm dưới mức sinh thay thế (TFR=2,1) giảm từ 2,11 con/phụ nữ (2021) xuống 2,01 con/phụ nữ (2022) và năm 2023 là 1,96 con/phụ nữ, mức giảm thấp nhất từ năm 2006 trở lại đây và được dự báo là sẽ tiếp tục giảm trong các năm tiếp theo.

Một người mẹ khỏe mạnh sẽ nuôi dưỡng những em bé khỏe mạnh.

21/63 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp, chiếm khoảng 39,37% dân số cả nước; hầu hết là những tỉnh nằm ở vùng kinh tế trọng điểm khu vực phía Nam.

Bộ Y tế cho biết, xu hướng mức sinh thấp và xuống rất thấp tập trung ở một số đô thị, nơi có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển, đô thị hóa cao:

  • Mức sinh ở thành thị đã xuống thấp hơn mức sinh thay thế trong 20 năm qua và luôn thấp hơn mức sinh ở nông thôn;
  • 2/6 vùng kinh tế - xã hội (Đông Nam bộ, Đồng bằng sông Cửu Long) có mức sinh thấp dưới mức sinh thay thế. Đông Nam Bộ là vùng có thu nhập bình quân/người cao nhất cả nước nhưng lại có mức sinh thấp nhất cả nước, bình quân mỗi phụ nữ sinh 1,47 con/phụ nữ;
  • 21/63 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp, chiếm khoảng 39,37% dân số cả nước; hầu hết là những tỉnh nằm ở vùng kinh tế trọng điểm khu vực phía Nam, đô thị hóa cao, tăng trưởng kinh tế nhanh.

Theo Bộ Y tế, mức sinh thấp kéo dài sẽ để lại nhiều hệ lụy như già hóa dân số nhanh, thiếu hụt lao động, ảnh hưởng đến an sinh xã hội. Xu hướng mức sinh giảm, ngoài tác động về quy mô dân số còn dẫn đến tỷ trọng trẻ em dưới 15 tuổi giảm, tỷ trọng người già tăng lên.

Hiện nay, Việt Nam vẫn đang ở trong quá trình già hóa dân số và là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới. Theo đó, khi mức sinh giảm càng làm thúc đẩy nhanh chóng quá trình già hóa dân số ở nước ta.

Hỗ trợ, khuyến khích các cặp vợ chồng sinh đủ hai con mua nhà ở xã hội, thuê nhà ở; ưu tiên vào các trường công lập

Trả lời cử tri TPHCM, Bộ trưởng Bộ Y tế thông tin thêm: Nhằm duy trì vững chắc mức sinh thay thế, đảm bảo tốc độ gia tăng dân số và duy trì cơ cấu dân số trong độ tuổi lao động hợp lý góp phần vào sự phát triển dân số bền vững, ngày 28/4/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 588/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030, trong đó, tại những địa phương đã đạt mức sinh thay thế và có mức sinh thấp, cần tập trung ưu tiên thực hiện ngay các nhiệm vụ, giải pháp nhằm vận động, hỗ trợ, khuyến khích người dân sinh đủ 2 con:

Thứ nhất, điều chỉnh, hoàn thiện các chính sách hỗ trợ, khuyến khích sinh đủ 2 con:

Bãi bỏ các quy định của các tổ chức, cơ quan, đơn vị, cộng đồng liên quan đến mục tiêu giảm sinh, tiêu chí giảm sinh con thứ 3 trở lên...

Sửa đổi, bổ sung các chính sách hỗ trợ, khuyến khích các cặp vợ chồng sinh đủ hai con trên cơ sở phân tích, đánh giá tác động của các chính sách về lao động, việc làm, nhà ở; phúc lợi xã hội; giáo dục; y tế;…đến việc sinh ít con; xây dựng, triển khai các mô hình can thiệp thích hợp.

Chính quyền địa phương nghiên cứu, ban hành các biện pháp hỗ trợ các cặp vợ chồng sinh đủ hai con. Một số nội dung hỗ trợ, khuyến khích cần thí điểm như:

  • Hỗ trợ tư vấn, cung cấp dịch vụ hôn nhân và gia đình: Phát triển câu lạc bộ kết bạn trăm năm, hỗ trợ nam, nữ thanh niên kết bạn; tư vấn sức khỏe trước khi kết hôn; khuyến khích nam, nữ kết hôn trước 30 tuổi, không kết hôn muộn và sớm sinh con, phụ nữ sinh con thứ hai trước 35 tuổi,…;
  • Xây dựng môi trường, cộng đồng phù hợp với các gia đình nuôi con nhỏ. Thí điểm, nhân rộng các dịch vụ thân thiện với người lao động như đưa, đón trẻ, trông trẻ, ngân hàng sữa mẹ, bác sĩ gia đình... Chú trọng quy hoạch, xây dựng các điểm trông, giữ trẻ, nhà mẫu giáo phù hợp với điều kiện của bà mẹ, nhất là các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu đô thị;
  • Hỗ trợ phụ nữ khi mang thai, sinh con và sinh đủ hai con: Tư vấn, chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em bao gồm sàng lọc vô sinh, sàng lọc trước sinh và sau sinh, phòng chống suy dinh dưỡng; tạo điều kiện trở lại nơi làm việc cho phụ nữ sau khi sinh con; giảm thuế thu nhập cá nhân; miễn giảm các khoản đóng góp công ích theo hộ gia đình;
  • Hỗ trợ, khuyến khích các cặp vợ chồng sinh đủ hai con: mua nhà ở xã hội, thuê nhà ở; ưu tiên vào các trường công lập, hỗ trợ chi phí giáo dục trẻ em; xây dựng mô hình quản lý, phát triển kinh tế gia đình; từng bước thí điểm các biện pháp tăng trách nhiệm đóng góp xã hội, cộng đồng đối với những trường hợp cá nhân không muốn kết hôn hoặc kết hôn quá muộn.

Thứ hai, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thay đổi hành vi: nội dung tuyên truyền, vận động tập trung vào lợi ích của việc sinh đủ hai con; các yếu tố bất lợi của việc kết hôn, sinh con quá muộn; sinh ít con đối với phát triển kinh tế - xã hội; đối với gia đình và chăm sóc bố, mẹ khi về già.

Tập trung vận động nam, nữ thanh niên không kết hôn muộn, không sinh con muộn, mỗi cặp vợ chồng sinh đủ hai con và nuôi dạy con tốt.

Từng bước thí điểm tăng trách nhiệm đóng góp xã hội với người không muốn hoặc kết hôn quá muộn- Ảnh 2.

Theo Bộ Y tế, mức sinh thấp kéo dài sẽ để lại nhiều hệ lụy như già hóa dân số nhanh, thiếu hụt lao động, ảnh hưởng đến an sinh xã hội...

Thứ ba, mở rộng tiếp cận các dịch vụ sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình và các dịch vụ có liên quan: xây dựng và triển khai các loại hình phòng, tránh vô sinh từ tuổi vị thành niên tại cộng đồng; đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, phát triển mạng lưới hỗ trợ sinh sản…

Để triển khai thực hiện đồng bộ, toàn diện và có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp thì các điều kiện cần là đảm bảo nguồn lực cho Chương trình; sự phối hợp của các Bộ, ngành và địa phương trong rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các chính sách và hướng dẫn thực hiện chính sách về lao động, việc làm, nhà ở, phúc lợi xã hội, giáo dục, y tế… nhằm vận động, khuyến khích người dân sinh đủ hai con.

Trong trả lời cử tri, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết thêm, ngày 25/01/2021, Bộ Y tế ban hành Thông tư số 01/2021/TT-BYT hướng dẫn một số nội dung để địa phương ban hành chính sách khen thưởng, hỗ trợ đối với tập thể, cá nhân thực hiện tốt công tác dân số.

Bộ Y tế cũng đã nghiên cứu đưa một số nội dung hỗ trợ, khuyến khích nêu trên vào dự án Luật Dân số, dự kiến trình Quốc hội thông qua vào tháng 10/2025.

Tại một số tỉnh, thành phố vùng mức sinh thấp và mức sinh thay thế đã ban hành Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh về chính sách hỗ trợ, khuyến khích đối tập thể, cá nhân như: Khen, thưởng tiền cho các tập thể là xã, phường, thị trấn, thôn, bản, tổ dân phố đạt và vượt tỷ lệ cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sinh đủ 2 con;

Hỗ trợ tiền hoặc hiện vật; hỗ trợ các chi phí y tế 1 lần (sinh con) đối với phụ nữ sinh đủ 2 con trước 35 tuổi; hỗ trợ giảm học phí từ bậc học mầm non đến bậc trung học phổ thông thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.

Một số tỉnh đã triển khai, mở rộng các mô hình "Nam, nữ kết hôn trước 30 tuổi và sinh đủ 02 con trước 35 tuổi", "xã, phường, thị trấn đạt chuẩn sinh đủ 2 con"…, điển hình như tỉnh Hậu Giang, Cần Thơ.

Mời bạn đọc xem thêm thông tin về mức sinh thấp trên Sức khỏe và Đời sống:

Thuộc nhóm có mức sinh thấp, TPHCM thực hiện thông điệp "Mỗi cặp vợ chồng sinh đủ 2 con"Thuộc nhóm có mức sinh thấp, TPHCM thực hiện thông điệp 'Mỗi cặp vợ chồng sinh đủ 2 con'

SKĐS - TPHCM có thể gặp nhiều hệ lụy như già hóa dân số nhanh, thiếu hụt nguồn lao động, ảnh hưởng đến an sinh xã hội nếu tình trạng mức sinh thấp kéo dài như hiện nay.

21 tỉnh, thành có mức sinh thấp, đối diện với nhiều hệ luỵ: Bộ Y tế đề xuất giải pháp gì?21 tỉnh, thành có mức sinh thấp, đối diện với nhiều hệ luỵ: Bộ Y tế đề xuất giải pháp gì?

SKĐS - Việt Nam đang đối mặt với thực trạng chênh lệch mức sinh giữa các vùng. Ngoài 33 tỉnh, thành phố có mức sinh cao, có 21 tỉnh, thành đang có mức sinh thấp, thậm chí rất thấp. Dự thảo Luật Dân số được xây dựng đề xuất một số giải pháp để cân bằng mức sinh.

Mức sinh giảm, tỉ số giới tính khi sinh ở mức cao, thách thức mục tiêu dân số và phát triểnMức sinh giảm, tỉ số giới tính khi sinh ở mức cao, thách thức mục tiêu dân số và phát triển

SKĐS - Bộ Y tế cho biết, công tác dân số thời gian tới có nhiều khó khăn, thách thức đó là: nguy cơ không đạt được mục tiêu duy trì mức sinh thay thế trên toàn quốc; tốc độ già hóa dân số nhanh và sớm trở thành quốc gia dân số già; tỉ số giới tính khi sinh vẫn luôn ở mức cao...


Bài và ảnh Thái Bình
Ý kiến của bạn