Hà Nội

Từng bước rà soát, bãi bỏ “ma trận” chứng chỉ

08-12-2019 14:30 | Thời sự
google news

SKĐS - Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư 20/2019/TT-BGDĐT bãi bỏ các quy định về kiểm tra và cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo chương trình giáo dục thường xuyên tại Quyết định 30/2008/QĐ-BGDĐT.

Theo thông tư này, chứng chỉ ngoại ngữ trình độ A, B, C sẽ chính thức bị bãi bỏ bằng việc dừng kiểm tra và cấp từ ngày 15/1/2020.

Đây là động thái mới nhất của các bộ, ngành liên quan sau những phản ánh của truyền thông về bất cập trong quy định chứng chỉ tin học và ngoại ngữ khi thi, xét nâng ngạch, thăng hạng với công chức, viên chức, Bộ Nội vụ và Bộ Giáo dục và Đào tạo đã rà soát, từng bước sửa những quy định không phù hợp. Tuy nhiên, nhiều người vẫn than đang bị “hành” bởi “ma trận” đủ các loại chứng chỉ không cần thiết khác. Như Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân thừa nhận trong phiên trả lời chất vấn trước Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội vừa qua là vấn đề chứng chỉ vẫn rất phiền hà, phức tạp, không riêng gì chứng chỉ tin học hay ngoại ngữ. Như quy trình bổ nhiệm hiện nay cũng yêu cầu đến 7 văn bằng, chứng chỉ.

Thực tế cho thấy, quy định về chứng chỉ ở nước ta hiện nay rất nhiêu khê, phức tạp. Bởi mỗi bộ, ngành khi xây dựng hệ thống chức danh nghề nghiệp cho công chức, viên chức của ngành mình đều kèm theo đó là rất nhiều loại chứng chỉ. Không ít người trong cuộc đã thừa nhận, những chứng chỉ này chỉ có tác dụng “làm đẹp hồ sơ”. Đồng thời về việc này, không ít đại biểu Quốc hội đã thẳng thắn cho rằng, những yêu cầu về chứng chỉ đang “ẩn chứa nhiều nhiêu khê, làm khó, làm khổ công chức, viên chức, người lao động”. Hơn nữa, việc quy định liên ngành về chuẩn nghề nghiệp, chức danh đều phải bổ sung nhiều loại chứng chỉ, như vậy chỉ hợp lý với từng chuyên môn, ngành nghề, lĩnh vực, từng đối tượng và từng ngạch. Không ít ý kiến cho rằng, nếu quy định như vậy thì không khác nào “giấy phép con” ràng buộc gây khó khăn cho cán bộ, công chức, viên chức được thi tuyển hay chuyển ngạch. Đây là vấn đề đòi hỏi các cơ quan chức năng cần xem xét để không gây phiền hà và gây tốn kém cho ngân sách Nhà nước, gây tốn kém cho công chức, viên chức.

Tình trạng “ma trận” yêu cầu chứng chỉ trong bổ nhiệm, xét tuyển không chỉ hành đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức mà còn gây tốn kém, ảnh hưởng đến công việc chuyên môn vì đa phần họ phải vừa học vừa làm. Hiện nay, khó có thể thống kê được ở nước ta có bao nhiêu loại chứng chỉ vì ngành nào cũng có, nghề nào cũng yêu cầu. Vì vậy, các bộ ngành phải sớm rà soát toàn bộ các quy định về chứng chỉ hiện nay. Phải thống kê ngành mình có bao nhiêu loại chứng chỉ, cái nào không cần thiết, nhiêu khê thì phải loại bỏ, tránh gây ức chế cho cán bộ, người lao động.

Một bất cập nhận được nhiều ý kiến phản ánh là tình trạng phải đi học để có văn bằng chứng chỉ theo quy định nhưng chỉ toàn học lại kiến thức cũ, rất hình thức. Nếu chỉ dạy những cái người ta đã học rồi thì chỉ làm mất thời gian, tốn tiền của công chức, viên chức.

Ở nước ta, bằng cấp, chứng chỉ rất quan trọng nhưng đó chỉ là điều kiện cần chứ không phải là điều kiện đủ. Điều kiện đủ của con người, của cán bộ công chức là năng lực thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, ngành nghề lĩnh vực phù hợp với cán bộ công chức đó. Trong đó, người sử dụng lao động cần tuyển dụng dựa vào năng lực của ứng viên, dù người đó có bằng cấp hay không đều phải đánh giá trên công việc thực tế. Việc tuyển dụng người có tài năng không nhất thiết phải tuyển chọn những người có học hàm, học vị bởi người có tài năng sẽ thể hiện bằng khả năng, trình độ trong quá trình thực tiễn làm việc cụ thể có trách nhiệm, sáng kiến, sáng tạo, công việc đạt chất lượng được các cấp thẩm quyền công nhận, tin tưởng, được đồng nghiệp quý mến hay không. Do vậy, phải xem xét cán bộ, công chức, viên chức trên góc độ năng lực, hiệu quả công việc, đạo đức, tinh thần trách nhiệm chứ không phải chỉ dựa trên bằng cấp, chứng chỉ.

Với những việc không phù hợp mà thực tế đã chỉ ra, tại Kỳ họp thứ 8 vừa qua, Quốc hội giao nhiệm vụ cho Bộ Nội vụ phải rà soát lại các quy định về văn bằng, chứng chỉ. Quốc hội cũng yêu cầu Bộ Nội vụ rà soát, hoàn thiện các quy định về tiêu chuẩn, điều kiện về văn bằng, chứng chỉ, nhất là quy định về trình độ tin học, ngoại ngữ trong tuyển dụng, thi, xét nâng ngạch, thăng hạng viên chức, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại nhằm bảo đảm đánh giá đúng trình độ, năng lực của cán bộ, công chức, viên chức và phù hợp với thực tiễn, gắn với vị trí việc làm.


Trung Kiên
Ý kiến của bạn