Nhằm tại điều kiện thuận lợi cho y tế tuyến cơ sở được phát huy vai trò trong công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân, Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành nhiều chỉ thị để không ngừng củng cố, hoàn thiện và nâng cao hiệu quả hoạt động của y tế tuyến cơ sở. Trong đó nổi bật có Chỉ thị 25-CT/TW (ngày 25/10/2023) của Ban Bí thư Trung ương Ðảng về tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới. Chỉ thị 25-CT/TW nêu rõ: công tác chăm sóc sức khỏe, y tế cơ sở là ưu tiên hàng đầu.
Cùng với Chỉ thị 25-CT/TW, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 281/QĐ-TTg (ngày 5/4/2024) về kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 25-CT/TW của Ban Bí thư về tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới đã quán triệt, tổ chức thực hiện đầy đủ, chất lượng, hiệu quả các nhiệm vụ và giải pháp tại Chỉ thị số 25-CT/TW.
Với những chỉ đạo từ Chỉ thị và Quyết định trên, mạng lưới y tế cơ sở sẽ được tối ưu hóa cấu trúc và hoạt động chức năng nhằm giải phóng các tiềm năng của xã hội và hướng tới phục vụ mục tiêu duy trì, nâng cao và chăm sóc sức khỏe cho toàn dân ngày một hiệu quả.
Bám sát chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 239/KH-UBND về thực hiện Quyết định số 281/QĐ-TTg ngày 05/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 25-CT/TW ngày 25/10/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới trên địa bàn Hà Nội.
Theo đó, TP Hà Nội sẽ hoàn thiện mô hình tổ chức, quản lý, đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị y tế cho tuyến y tế cơ sở bao gồm: trạm y tế xã, phường, thị trấn; trung tâm y tế cấp huyện, phòng khám đa khoa khu vực, nhà hộ sinh; y tế trường học, y tế cơ quan, nông, lâm trường, doanh nghiệp và y tế khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu chế xuất.
TP Hà Nội phấn đấu đến năm 2030, mỗi trạm y tế xã, phường, thị trấn có ít nhất một bác sĩ cơ hữu; mỗi thôn, bản có một nhân viên y tế được đào tạo chuyên môn; 100% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế; trên 95% dân số tham gia bảo hiểm y tế; trên 95% người dân sử dụng dịch vụ chăm sóc ban đầu tại y tế cơ sở được bảo hiểm y tế chi trả; trên 100% dân số được quản lý sức khoẻ; người có nguy cơ cao mắc bệnh được kiểm tra sức khoẻ ít nhất mỗi năm một lần, hướng tới kiểm tra sức khoẻ định kỳ cho toàn dân.
Để thực hiện được điều đó, TP Hà Nội đã thực hiện nâng cao nhận thức, trách nhiệm về củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở. Bước đầu, ngày 26/9 UBND TP Hà Nội tổ chức hội nghị bàn giao 30 Trung tâm Y tế (TTYT) thuộc Sở Y tế về UBND các quận, huyện, thị xã quản lý.
Hơn 1.000 bác sĩ sẽ được đưa về quận, huyện, thị xã quản lý. Đồng nghĩa với việc công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân sẽ từng bước được cải thiện hơn. Các cấp quản lý sẽ giúp hệ thống y tế được củng cố, kiện toàn hơn.
Cùng với đó, UBND TP Hà Nội cũng đã ban hành kế hoạch triển khai công tác Y tế trường học năm học 2024 - 2025 trên địa bàn thành phố với 8 mục tiêu và 10 chỉ tiêu. Kế hoạch nhằm chú trọng bảo vệ và chăm sóc sức khỏe trường học cho năm học mới.
Thành phố đặt ra chỉ tiêu phấn đấu 100% trường học và các cơ sở giáo dục có phòng y tế riêng, thuận tiện công tác sơ cấp cứu và chăm sóc sức khỏe học sinh, bảo đảm cơ số thuốc, trang, thiết bị theo quy định; 100% trường học có hợp đồng cung ứng dịch vụ với cơ sở y tế, cơ sở khám bệnh để triển khai công tác y tế trường học hoặc có nhân viên y tế trình độ chuyên môn theo quy định….
Để thực hiện có hiệu quả các chỉ tiêu, mục tiêu y tế trường học đã đề ra, UBND TP Hà Nội yêu cầu các quận, huyện, thị xã tổ chức triển khai và nhân rộng mô hình điểm tại trường học phù hợp tình hình thực tế tại địa phương. Cùng với đó củng cố cơ sở vật chất, nhân lực cho công tác y tế trường học đồng thời tăng cường công tác truyền thông về dự phòng và chăm sóc sức khỏe cho học sinh, giáo viên, phụ huynh học sinh.
Bên cạnh đó cần nâng cao chất lượng hoạt động quản lý, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho học sinh, giáo viên, nhân viên trường học; phát hiện sớm, điều trị kịp thời và dự phòng các bệnh thường gặp, bệnh tật học đường và sơ cấp cứu kịp thời các trường hợp tai nạn thương tích, ngộ độc thực phẩm trong trường học. Duy trì giám sát phát hiện sớm dịch bệnh trong trường học và các cơ sở giáo dục; đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh trong trường học.
Xem thêm video được quan tâm:
Cấp cứu sốc phản vệ độ 2 sau khi sử dụng thuốc nhuộm tóc | SKĐS