Lấy người khuyết tật làm trung tâm
Sau một thời gian dài triển khai Chương trình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng đã đạt được những kết quả đáng mừng. Tuy nhiên vẫn còn tổn tại nhiều khó khăn và thách thức nhất là vấn đề nhân lực mỏng, lực lượng cán bộ y tế phải kiêm nhiệm nhiều công việc cùng lúc. Hơn nữa việc cập nhật và sử dụng dữ liệu phần mềm quản lý thông tin người khuyết tật tại cơ sở y tế còn chưa đồng đều. Đặc biệt, đội ngũ cán bộ y tế tuyến cơ sở và cộng tác viên luôn có biến động về mặt nhân sự do nghỉ hưu, bổ sung người mới, luân chuyển vị trí nên đòi hỏi phải đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cho nhân sự mới thường xuyên.
Để giải quyết những thách thức nói trên, GS.TS.BS Cao Minh Châu (Tổng thư ký Hội Phục hồi chức năng Việt Nam) đã đưa ra những giải pháp về phía người khuyết tật và ngành y tế. Theo đó, GS.TS.BS Cao Minh Châu cho rằng cần có những hình thức tuyên truyền để khuyến khích người khuyết tật và gia đình người khuyết tật tham gia tích cực vào Chương trình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng để tiếp cận với những dịch vụ hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, ngành y tế và các bộ ban ngành, tổ chức, đoàn thể liên quan cần lựa chọn tình nguyện viên để đào tạo liên tục. Cần lồng ghép đào tạo cùng các chương trình khác cũng như đào tạo giáo viên về phục hồi chức năng cho cộng đồng để họ có thể thực hiện huấn luyện cho tình nguyện viên và gia đình tại cộng đồng.
Việc tiếp cận và thực hiện phục hồi chức năng Kỹ thuật số, thực hiện chương trình phát hiện sớm, can thiệp sớm tại cộng đồng cũng rất quan trọng. Trong đó phải chú trọng phục hồi chức năng trở thành chương trình Quốc gia để Chính quyền và các ban ngành có trách nhiệm với phục hồi chức năng và người khuyết tật.
GS Cao Minh Châu cũng cho biết, trong thời gian tới Bộ Y tế đang có kế hoạch triển khai cập nhật phần mềm quản lý thông tin người khuyết tật, kết nối liên thông với phần mềm quản lý thông tin tại trạm y tế xã và tập huấn sử dụng để các nhân viên của trạm y tế, các cơ quan có trách nhiệm triển khai phần mềm đều có thể triển khai được. Bên cạnh đó UBND tỉnh bố trí kinh phí, có kế hoạch tập huấn cho nhân viên y tế; nhân viên trạm y tế cũng cần tăng cường tính chủ động học hỏi, cầm tay chỉ việc để thành thạo sử dụng và cập nhật phần mềm nêu trên.
Đảm bảo tính bền vững cho Chương trình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng
Những kết quả thu được từ chương trình Phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng tại các địa phương là rất to lớn. Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy còn tồn tại một số điểm chưa phù hợp với tình hình khuyết tật trong giai đoạn mới. Để đảm bảo tính bền vững của Chương trình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng cần nâng cao vai trò của hệ thống y tế địa phương và gia đình người khuyết tật, theo GS Cao Minh Châu, công tác chỉ đạo tuyến cần tập trung những vấn đề sau:
- Phải có sự lãnh đạo của Đảng và Chính quyền thông qua ban điều hành của Chương trình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng.
- Phát triển nguồn nhân lực phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng.
- Phải có hệ thống chuyên môn từ Trung ương đến địa phương.
- Điều kiện vật chất: "Tài liệu Huấn luyện người khuyết tật tại cộng đồng", Nguyên vật liệu sẵn có tại địa phương để sản xuất các dụng cụ phục hồi chức năng theo kỹ thuật thích nghi tại cộng đồng.
- Cần có kinh phí cho chương trình bao gồm kinh phí Trung ương, kinh phí địa phương và các nguồn xã hội hóa.