Ngành dược đẩy mạnh chuyển đổi số
Quản lý dược là một lĩnh vực lớn và phức tạp trong ngành y tế. Việt Nam là thị trường dược phẩm lớn thứ 2 Đông Nam Á với quy mô 5,2 tỷ USD/năm và có mức tăng trưởng gần 12% mỗi năm. Thực hiện Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030", Cục Quản lý Dược đã xây dựng Kế hoạch chuyển đổi số ngành Dược giai đoạn 2020 – 2025, tầm nhìn 2030 theo 02 giai đoạn: Giai đoạn đầu 05 năm (2020 - 2025) và giai đoạn hai đến năm 2030.
Cục Quản lý Dược đã số hóa, xây dựng và cập nhật lên Ngân hàng dữ liệu ngành dược với thông tin, dữ liệu của 15.230 thuốc đang được cấp phép lưu hành còn hiệu lực tại Việt Nam, phục vụ người dân và doanh nghiệp trong việc tra cứu thông tin về thuốc, đáp ứng được các tiêu chí chính xác và đầy đủ.
Trong thời gian qua, hệ thống Cơ sở dữ liệu Dược Quốc gia kết nối mạng các nhà thuốc toàn quốc đã được triển khai. Từ tháng 8/2018 đến nay, 63/63 tỉnh/thành phố đã được kết nối. Hệ thống đã cấp hơn 100.000 tài khoản, quản lý hơn 1,1 tỷ hóa đơn bán hàng, gần 500 triệu phiếu xuất nhập tồn, hơn 100 triệu đơn thuốc.
Ngành dược cũng đã hoàn thành cung cấp 100% các dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 và tiến tới kết nối 100% các thủ tục với Cổng dịch vụ công Quốc gia. Trong đó, có 26 dịch vụ công trực tuyến tham gia Cơ chế một cửa quốc gia thuộc lĩnh vực kinh doanh xuất/nhập khẩu thuốc và công bố mỹ phẩm; liên thông, tích hợp 6 dịch vụ công trực tuyến lên Cổng Dịch vụ công quốc gia thuộc lĩnh vực kê khai/kê khai lại giá thuốc và xác nhận thông tin quảng cáo thuốc….
Với chuyển đổi số mạnh mẽ, ngành Dược đã trở nên "thân thiện" hơn với doanh nghiệp và người dân, tiết kiệm thời gian, công sức cho các bên, tăng tính công khai minh bạch của thủ tục trong quản lý điều hành ngành Dược; tiết kiệm chi phí… Việc quản lý, lưu trữ, bảo quản và truy xuất hồ sơ khi cần thiết tại Cục Quản lý Dược ngày càng thuận tiện.
Hệ thống Dược Việt Nam hiện đang quản lý trên 61.000 cơ sở kinh doanh thuốc, 1.400 bệnh viện. Mỗi năm ngành dược xử lý và cấp phép khoảng 3.600 số đăng ký thuốc.
Xây dựng hệ sinh thái dữ liệu số và thiết lập nền tảng y tế số trong lĩnh vực dược phẩm
Tại hội thảo "Số hóa ngành dược – Giải pháp cấp thiết nâng cao năng lực cạnh tranh", PGS.TS Lê Văn Truyền, chuyên gia cao cấp dược học, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, nhiều năm qua xu hướng chuyển đổi số ngành dược đã manh nha nhưng chủ yếu diễn ra ở lĩnh vực phân phối, bán lẻ dược phẩm. Với chiến lược toàn diện sẽ mang lại nhiều giá trị. Chuyển đổi số giúp cho doanh nghiệp dễ dàng quản lý, thúc đẩy sản xuất, tối ưu chi phí.
Chiến lược Quốc gia phát triển ngành Dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 đã đưa ra nhiệm vụ, giải pháp là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, ứng dụng công nghệ 4.0 gắn với triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo và chuyển đổi số để hiện đại hóa ngành dược. Theo đó, số hóa 100% thông tin, dữ liệu thuốc được cấp phép lưu hành còn hiệu lực tại Việt Nam, cập nhật vào Ngân hàng dữ liệu ngành dược; 100% cơ sở sản xuất, bán buôn, xuất nhập khẩu và bán lẻ thuốc trên toàn quốc được kết nối liên thông; đảm bảo duy trì hoạt động 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trong lĩnh vực dược được tích hợp lên Cổng Dịch vụ công quốc gia; triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong hoạt động ngành dược... Đạt tỷ lệ 4,0 dược sĩ/1 vạn dân, trong đó dược sĩ được đào tạo về chuyên ngành dược lâm sàng đạt tối thiểu 20%.
Định hướng tới năm 2045, thuốc sản xuất trong nước đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước và nâng cao giá trị xuất khẩu, hội nhập sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu; chủ động sản xuất được các thuốc chuyên khoa đặc trị, thuốc mới, thuốc biệt dược gốc, vaccine, sinh phẩm và nguyên liệu làm thuốc; có thuốc biệt dược gốc từ nguồn dược liệu trong nước được nghiên cứu, sản xuất và đăng ký bản quyền. Phấn đấu tổng giá trị ngành công nghiệp dược đóng góp vào GDP trên 20 tỷ USD…
Việc xây dựng hệ sinh thái dữ liệu số và thiết lập nền tảng y tế số trong lĩnh vực dược phẩm nhằm thiết lập đồng bộ hệ thống theo dõi, giám sát về hoạt động cung ứng thuốc và tối ưu hóa sử dụng thuốc trên người bệnh. Từ đó có các chính sách quản lý ngành dược phù hợp nhằm sẵn sàng đảm bảo đáp ứng nhu cầu về thuốc trong các tình huống khẩn cấp; đồng thời dễ dàng thực hiện truy xuất nguồn gốc, xuất xứ, quản lý chất lượng thuốc.
Quy hoạch phát triển ngành Dược với nhiều giải pháp thiết thực đã thể hiện quyết tâm rất lớn của Bộ Y tế về việc đẩy mạnh phát triển ngành dược trong giai đoạn tới. Trọng tâm là đảm bảo cho người dân tiếp cận đầy đủ, kịp thời thuốc có chất lượng, an toàn, hiệu quả với chi phí hợp lý; xây dựng ngành dược Việt Nam phát triển là ngành công nghiệp mũi nhọn, góp phần vào sự phát triển của đất nước